Sau khi có văn bản đề xuất Chính phủ, Bộ Tài chính hạ dần lãi suất tiền gửi VND về 0%/năm, ngày 23-6, Hiệp hội Các nhà đầu tư Tài chính (VAFI) tiếp tục lên tiếng khẳng định có cơ sở để đưa ra đề xuất.
Cụ thể, VAFI cho biết gần 11 năm trước, hiệp hội từng đề xuất về giải pháp đưa lãi suất tiền gửi ngoại tệ về mức 0%/năm, sau đó đã được Ngân hàng Nhà nước áp dụng thành công.
Cụ thể, ngày 4-11-2010, VAFI có văn bản gửi Chính phủ, Ngân Hàng Nhà nước đề xuất quy định mức trần tiền gửi ngoại tệ không quá 1/%/năm và hướng tới lãi suất 0%/năm nhằm giải quyết các mục tiêu cấp bách và lâu dài như ổn định tỉ giá, giải quyết tình trạng thiếu hụt ngoại tệ, tạo cơ sở để tăng giá VND và hạ dần mặt bằng lãi suất huy động đang ở mức rất cao.
Trước và sau khi đề xuất được ban hành, rất nhiều ý kiến phản đối từ "các học giả, chuyên gia kinh tế nổi tiếng và một số nhà hoạch định chính sách tại Ngân hàng nhà nước’’ nhưng thực tế đã cho thấy đề xuất của VAFI là đúng đắn. Do đó, giờ đây VAFI tiếp tục khuyến nghị cần tạo lập hệ thống giải pháp để dần dần đưa lãi suất tiền gửi bằng VNĐ về mức 0%/năm. "VAFI tin tưởng rằng giải pháp này cũng sẽ thành công vang dội, tạo bước ngoặt để đưa kinh tế Việt Nam sang giai đoạn phát triển mới ở thời kỳ đầu của 1 quốc gia phát triển" - Hiệp hội này nhấn mạnh trong văn bản mới nhất.
Trước đó, vào ngày 22-6, VAFI có văn bản gửi Chính phủ, Ngân hàng nhà nước đề xuất hệ thống giải pháp để đưa dần lãi suất VND về 0%/năm. Đề xuất có vẻ "sốc" này bị dư luận phản ứng mạnh, ngay cả giới chuyên gia, học giả cũng lên tiếng phản biện rằng VAFI ảo tưởng, đưa đề xuất nguy hiểm cho thị trường tiền tệ và nền kinh tế.
Những ý kiến phản biện chủ yếu xoay quanh một số nội dung như: Không thể hạ nhanh lãi suất xuống được trong bối cảnh lạm phát cao hiện nay; hạ mạnh lãi suất thì hệ thống ngân hàng thiếu tiền khi dòng tiền nhàn rỗi đổ vào thị trường bất động sản, chứng khoán, kỹ thuật số, ngoại tệ… và như vậy làm mất ổn định thị trường tiền tệ; lãi suất về 0%/năm có thể đẩy người dân lao vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp đầy nguy hiểm và rủi ro. Ngoài ra, hạ mạnh lãi suất có thể gây lạm phát tăng cao…
Đại diện VAFI cho rằng tất cả những ý kiến phản biện này đều có điểm chung duy nhất là "không đọc toàn bộ văn bản của VAFI".
Hiệp hội này nhấn mạnh rằng trong bối cảnh hiện nay không còn dư địa để giảm lãi suất tiền gửi và không thể tiến hành hạ nhanh lãi suất tiền gửi nội tệ. Muốn tiến hành chúng ta phải ban hành 5 giải pháp và trong đó ban hành luật thuế tài sản để khóa kênh đầu cơ đất là điều kiện tiên quyết. Sau khi có 5 giải pháp đó, mới tiến hành thực hiện giảm lãi suất theo nhiều đợt với mục tiêu về 0%.
Tuy nhiên, để thực hiện chiến lược giảm lãi suất huy động về 0%/năm, các ngân hàng thương mại phải huy động vốn trung dài hạn để cho vay trung dài hạn thì phải có ưu đãi và sự bảo đảm (từ Nhà nước) để người dân đầu tư vào thị trường trái phiếu do hệ thống ngân hàng phát hành với lãi suất mục tiêu 2%/năm trong khi lãi suất tiền gửi ngắn hạn là 0%/năm. Khoản đầu tư trái phiếu này phải an toàn như tiền gửi tiết kiệm. "Tinh thần công văn như vậy chứ không phải khuyến nghị dân chúng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp không có bảo đảm tuyệt đối của nhà nước" - lãnh đạo của VAFI khẳng định.