Hỗ trợ khó khăn do Covid-19: Tiền chắc không thiếu, vậy thì thiếu cái gì?
TS. Võ Đình Trí (*)
(KTSG) - Đợt hỗ trợ lần 1 không đạt hiệu quả như kế hoạch và lúc này Chính phủ đang chuẩn bị cho đợt hỗ trợ lần 2. Mục tiêu kép vừa bảo vệ sức khỏe người dân, vừa phát triển kinh tế trong tình hình dịch bệnh bùng phát mạnh như hiện nay là không thể.
Cách làm khả dĩ nhất là cố gắng giữ để hệ thống y tế không bị vỡ trận, và hỗ trợ trực tiếp người dân và doanh nghiệp để họ dưỡng sức. Câu hỏi đặt ra là cần bao nhiêu tiền, tiền từ đâu và hỗ trợ như thế nào?
Nhu cầu tiền tươi thóc thật hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp vào khoảng 6 tỉ đô la. |
Nhìn sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam quá ít
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) có một cơ sở dữ liệu theo dõi các chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch Covid-19 của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Theo thống kê của IMF, mức hỗ trợ tính theo tỷ lệ % GDP được chia thành các mốc: dưới 2,5%, 2,5-5%, 5-7,5%, 7,5-10%, và trên 10%. Các gói hỗ trợ được chia thành hai nhóm chính là tác động trực tiếp đến ngân sách qua tăng chi giảm thu, và gián tiếp qua các khoản cho vay, bảo lãnh, hay góp vốn cổ phần.
Các nước có tỷ lệ cao chủ yếu nằm trong nhóm các nước phát triển. Nhóm các nước này dành tổng ngân sách cho cả trực tiếp và gián tiếp trung bình ở mức 20-25% của GDP. Còn ở nhóm các nước đang phát triển, trung bình là 6% GDP, trong đó có những nước cao hơn mức trung bình như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Brazil.
Có một điểm khá thú vị là ở các nền kinh tế phát triển, có nước hỗ trợ gián tiếp nhiều hơn như các nước châu Âu thì nhiều nước khác hỗ trợ trực tiếp nhiều hơn như Mỹ, Canada, Úc, New Zealand. Các nước trong nhóm mới nổi thì hầu hết là trực tiếp nhiều hơn gián tiếp.
Theo IMF, Việt Nam thuộc nhóm các nước đang phát triển có thu nhập thấp (LIDCs). Trung bình của nhóm này là khoảng 1,7-1,8% và Việt Nam nằm dưới mức trung bình một chút. Cụ thể, trong Báo cáo quốc gia số 21/42 của IMF công bố vào hồi tháng 3-2021, Việt Nam thực hiện được 40% của kế hoạch ngân sách 3,7% GDP, tính ra là 1,48%. Nhưng hỗ trợ trực tiếp bằng tiền của Việt Nam là khá thấp. Theo số liệu của IMF, dự kiến là 0,5% GDP và thực hiện được 35,3% tức là vào khoảng 13.000 tỉ đồng. Đây cũng chính là con số mà Ủy ban Kinh tế Quốc hội công bố gần đây.
Thực sự thì lượng tiền để hỗ trợ trực tiếp người dân và doanh nghiệp không đáng kể so với quy mô kinh tế của Việt Nam, cũng như nội lực và tiềm năng của đất nước. Nếu tiền không là vấn đề, thì vấn đề là ở sự quyết liệt vì dân hay sự phối hợp giữa các cơ quan hữu trách chưa thông suốt? |
Nhìn sang các nước Đông Nam Á mới thấy được rằng hỗ trợ của chính phủ Việt Nam là quá ít ỏi. Trường hợp của Thái Lan, riêng ngân sách trực tiếp là 8% GDP, trong đó giai đoạn 3 là 6,3% dành cho y tế, trợ cấp tiền mặt và các chương trình hỗ trợ trực tiếp khác. Malaysia thì trợ cấp tiền mặt 1,1% GDP cho các hộ gia đình và các nhóm dễ bị tổn thương, hỗ trợ lương cho doanh nghiệp 1% và các khoản tài trợ không hoàn lại cho doanh nghiệp là 0,2%.
Như vậy, nếu lấy mốc hỗ trợ tiền mặt hay tài trợ không hoàn lại cho cả người dân và doanh nghiệp khoảng 1% GDP thì hiện nay, không gian cần thực hiện là 0,8% GDP, tương đương 3 tỉ đô la, tức vào khoảng 70.000 tỉ đồng. Trong khi đó, đề xuất mới đây của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho gói hỗ trợ lần 2 là 27.000 tỉ đồng (gói hỗ trợ lần 1 là 62.000 tỉ đồng nhưng chỉ giải ngân được 22%).
Tiền từ đâu?
Nếu tính nhu cầu hỗ trợ cho lần này, và bù cho lần trước, thì nhu cầu tiền tươi thóc thật hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp vào khoảng 6 tỉ đô la. Vậy tìm đâu ra nguồn tiền này?
Có thông tin Chính phủ đang tiếp cận nguồn vay quốc tế khoảng 7 tỉ đô la và điều này là khả thi và hợp lý trong bối cảnh lãi suất trên thị trường quốc tế thấp, các nền kinh tế đều nới rộng tỷ lệ nợ/GDP. Trong năm 2020, Việt Nam là một trong số ít ỏi nền kinh tế có tăng trưởng dương và quốc tế tiếp tục đánh giá cao sự ổn định và triển vọng của Việt Nam.
Trong tình huống xấu hơn, nếu phải dựa vào nội lực thì vẫn có thể tạm hy sinh tăng trưởng trong năm 2021.
Ước tính hiện nay, tổng chi ngân sách của Chính phủ là 22% GDP, trong đó chi cho đầu tư phát triển vào khoảng 6%, tức 20,75 tỉ đô la. Nếu tạm thời giảm con số này 25% để được khoảng 5 tỉ đô la thì đây là một nguồn đáng kể để hỗ trợ kịp thời trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu vì buộc phải cắt giảm chi đầu tư phát triển tạm thời thì GDP không thể như dự báo trước đây là 6,5% mà sẽ xuống còn 4,5-5%.
Cụ thể nếu theo công thức GDP = C+I+G+(X-M)** thì ước tính C chiếm 52%, I chiếm 21%, G chiếm 22% và (X-M) chiếm khoảng 5%. Năm 2020 GDP của Việt Nam là 340 tỉ đô la, nếu G giảm đi 5 tỉ đô la và các con số khác không biến động nhiều thì tốc độ tăng trưởng của GDP năm 2021 chỉ còn 5% thay vì 6,5% như đã dự báo.
Thực hiện như thế nào?
Kinh nghiệm từ thất bại lần 1 cho thấy hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong lúc khó khăn cần được thực hiện càng nhanh càng tốt. Việc giải ngân cần được thực hiện nhanh chóng, đơn giản, tập trung hậu kiểm vì không thể lấy lý do sợ trục lợi mà gây ảnh hưởng đến phần lớn người dân và doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, dù điều kiện có được nới lỏng thì cũng cần ưu tiên những doanh nghiệp tuân thủ tốt các chính sách trước đó, vì dịch Covid-19 đột ngột mà gặp khó khăn chứ không phải đã khó khăn từ trước.
Trong việc thực hiện xét duyệt và giải ngân, sử dụng tối đa các ứng dụng số như thực hiện yêu cầu trực tuyến, việc giải ngân thực hiện trực tiếp qua tài khoản ngân hàng.
Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đã có thể bắt đầu mở cửa trở lại, việc kiểm soát dịch Covid-19 ngày càng tích cực hơn thì Việt Nam chúng ta lại ở trong tình huống khó khăn sau khi đã ghi bàn ở đầu trận đấu. Thực sự thì lượng tiền để hỗ trợ trực tiếp người dân và doanh nghiệp không đáng kể so với quy mô kinh tế của Việt Nam, cũng như nội lực và tiềm năng của đất nước. Nếu tiền không là vấn đề, thì vấn đề là ở sự quyết liệt vì dân hay sự phối hợp giữa các cơ quan hữu trách chưa thông suốt?
(*) Trường Đại học Kinh tế TPHCM, IPAG Business School Paris, và AVSE Global