Vì sao thị trường chứng khoán có những phiên giao dịch 20.000 tỉ đồng đã xảy ra hiện tượng nghẽn, có những phiên giá trị giao dịch lên tới 30.000 đồng tỉ vẫn chạy mượt? Nhà đầu tư bức xúc đặt câu hỏi về việc có hay không sự thiếu minh bạch, không công bằng trên thị trường để trục lợi cho một số nhóm lợi ích? Ông Lê Hải Trà – Tổng Giám đốc HOSE - trả lời câu hỏi này ra sao?
Số lượng lệnh xử lý tối đa của HOSE là 900.000 lệnh/ngày
Ngày 24.6, ông Lê Hải Trà - Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) - đã trả lời phóng viên lý do vì sao có những phiên giao dịch tình trạng nghẽn lệnh xảy ra.
“Nói về bản chất tình trạng quá tải hệ thống HOSE thời gian qua, tôi muốn nói về thiết kế hệ thống HOSE đang sử dụng liên quan tới tham số rất cơ bản là số lượng lệnh. Tôi muốn nhấn mạnh từ khóa là “số lượng lệnh có thể xử lý”.
Năng lực tối đa của HOSE có thể xử lý đó là 900.000 lệnh.
Câu hỏi tiếp theo là tại sao HOSE lại bị nghẽn?
Thời gian qua, với số lượng nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường, lượng tài khoản tăng trưởng mạnh, khiến số lượng lệnh tham gia vào hoạt động giao dịch trên thị trường vượt quá con số 900.000 lệnh.
Điều này giống như con đường thiết kế sử dụng cho 900.000 xe tham gia giao thông nhưng số lượng phương tiện giao thông vượt quá số lượng dẫn tới tình trạng tắc nghẽn thời gian qua. Đây chính là bản chất.
Điểm khác biệt giữa hệ thống giao dịch chứng khoán đối với con đường giao thông là: Xe trên đường là có xe lớn và xe nhỏ, nhưng lệnh giao dịch mua 100 hay 10.000 cổ phiếu cũng đều được tính là một lệnh giao dịch. Việc huỷ/sửa lệnh cũng được tính là một lệnh giao dịch. Và tất cả đều được tính vào con số 900.000 lệnh.
Như vậy, lệnh mua 100 cổ phiếu với giá 10.000 đồng so với việc mua 10.000 cổ phiếu giá 100.000 đồng thì câu chuyện lại hoàn toàn khác. Vì vậy, cùng một số lượng lệnh trên thị trường nhưng giá trị giao dịch có thể làm con số hoàn toàn khác nhau.
Điều này đó lý giải cho việc tại sao có những phiên ở ngưỡng giá trị nhất định đã có hiện tượng nghẽn” - ông Lê Hải Trà cho biết.
Có gì thiếu minh bạch khi thị trường nghẽn, một số công ty vẫn đặt được lệnh?
Ông Lê Hải Trà cho hay, việc phân bổ lệnh của các công ty chứng khoán được thiết kế theo nguyên lý dựa trên lượng giao dịch của một công ty chứng khoán cụ thể sử dụng. Khi công ty chứng khoán đó sử dụng hết số lượng lệnh được phân bổ quota thì tình trạng nghẽn bắt đầu xảy ra tại công ty chứng khoán đó.
Tuy nhiên, tình trạng này không xảy ra đối với tất cả công ty chứng khoán.
“Thời gian qua, chúng ta thấy hầu hết công ty chứng khoán lớn xảy ra tình trạng nghẽn, trong khi một số công ty chứng khoán nhỏ thì lệnh vẫn có thể vào được một cách bình thường bởi vì họ chưa sử dụng hết lượt quota mà hệ thống đã phân bổ” -- Tổng Giám đốc HOSE nói.
Nỗ lực của HOSE và các thành viên thị trường trong thời gian qua để nhắm tới việc xử lý số lượng lệnh tham gia vào hệ thống giao dịch quá tải gây nghẽn. Bước đầu tiên chúng tôi thực hiện là nâng lô giao dịch cổ phiếu từ 10 lên 100. Điều này giúp số lượng lại giảm được khoảng 18%, chính vì thế giá trị giao dịch được tăng lên trong thời gian đó. Tuy nhiên, việc đó kéo dài không được bao lâu vì số lượng tài khoản mới vẫn tiếp tục gia tăng, số lượng lệnh giao dịch của các nhà đầu tư vẫn tiếp tục gia tăng.
Bước tiếp theo mà HOSE nhắm tới và đề xuất tăng lô giao dịch từ 100 lên 1.000 thì giảm được khoảng 15% số lượng lệnh tham gia. Một đề xuất khác đã thực hiện là hạn chế việc hủy/ sửa lệnh.
Hiện số lượng lệnh hủy/sửa lệnh một ngày chiếm tới 1/3 số lượng lệnh giao dịch. Trong số 900.000 lệnh tham gia giao dịch một ngày, có tới 1/3 (khoảng 300.000 giao dịch) chỉ để huỷ/sửa số lệnh đã đặt trước đó. Số lượng lệnh thực tế được khớp khoảng 600.000 lệnh. Chính vì vậy, khi có kiểm soát hạn chế việc sửa/hủy lệnh, số lượng lệnh được khớp tăng lên.
Đặc biệt sau phiên sự kiện 1.6 và với việc tham gia của các công ty chứng khoán và việc kiểm soát sự hủy lệnh, lượng lệnh thực tế được huỷ/sửa giảm từ 33% giảm xuống còn dưới 10%. Thị trường có thêm khoảng 200.000 lệnh nữa được khớp.
Xem thêm: odl.018329-ut-uad-ahn-iah-teiht-yag-hcab-hnim-ueiht-nav-ihgn-ev-ig-ion-esoh/et-hnik/nv.gnodoal