70% lượng hàng hóa thực phẩm tươi sống của TP Hồ Chí Minh là từ các chợ đầu mối cung cấp. Tuy nhiên, dịch bệnh đã âm thầm xuất hiện tại 2 trong số 3 chợ đầu mối, dấy lên lo ngại trong việc đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu hoặc giá cả sẽ đắt đỏ.
Thời điểm này, tất cả các biện pháp ứng phó dịch đều đã được đẩy lên mức cao nhất, quyết tâm không để đứt gãy hoạt động kinh doanh tại chợ đầu mối, đồng thời đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời hàng hóa thiết yếu đến tay người dân.
Ngay khi phát hiện 1 ca nghi mắc COVID-19 làm nghề bốc vác tại chợ đầu mối Bình Điền, lực lượng chức năng đã tiến hành phun khử khuẩn toàn diện chợ Bình Điền, lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ. Đến nay, hoạt động cung ứng, lưu thông hàng hóa tại chợ vẫn diễn ra bình thường.
Bảo vệ chợ đo thân nhiệt cho từng người dân đến chợ. Ảnh: NLĐ
Trung bình mỗi ngày đêm, 3 chợ đầu mối ở TP Hồ Chí Minh có khoảng 30.000 lượt người ra vào, lúc cao điểm lên đến 50.000 lượt, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao. Trước diễn biến phức tạp của dịch, công tác kiểm soát hàng hoá ra vào chợ được tiến hành nghiêm ngặt, tài xế phải xét nghiệm COVID-19, hạn chế nguy cơ lọt ca bệnh vào chợ.
Xác định tiểu thương là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong đợt dịch lần này, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh vừa đề xuất UBND hỗ trợ tiểu thương tại chợ truyền thống, chợ đầu mối… bị ảnh hưởng bởi dịch. Cụ thể giảm 50% phí thu chợ trong 6 tháng tới.
Để chủ động tạo nguồn hàng cung ứng cho thành phố, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho các địa phương, Sở Công Thương cũng vừa tổ chức họp trực tuyến với 22 tỉnh, thành Đông - Tây Nam Bộ để trao đổi thông tin hai chiều, dự báo tình hình thị trường, thống nhất giải pháp hỗ trợ đảm bảo lưu thông, vận chuyển, cung ứng hàng hóa giữa các TP Hồ Chí Minh và tỉnh, thành lân cận.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!