Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nghe một chủ nhà trọ ở TP Biên Hòa nói về cách phòng dịch ở khu nhà trọ - Ảnh: HÀ MI
Ngay sau khi phát hiện các ca bệnh, tỉnh Đồng Nai đã điều tra, truy vết và thiết lập vùng cách ly y tế. Tỉnh cũng đã lập 22 chốt kiểm soát phòng chống COVID-19 tại các cửa ngõ giao thông quan trọng ra vào tỉnh.
Tuy nhiên, trước diễn biến dịch đang phức tạp tại TP.HCM và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai rất lo dịch bệnh lây lan qua địa bàn tỉnh này.
Đồng Nai hiện có 32 khu công nghiệp với khoảng 1,2 triệu công nhân làm việc, gấp nhiều lần tỉnh Bắc Giang, nên nếu dịch lây lan là "không đỡ nổi".
Ông Cao Tiến Dũng - chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - dẫn chứng: vừa qua tỉnh có văn bản với các biện pháp kiểm soát người qua lại ở vùng giáp ranh nhằm kiểm soát dịch bệnh cho thật tốt và không có chuyện ngăn sông cấm chợ nhưng đã chịu nhiều áp lực. Đã có ý kiến đồng tình, có ý kiến gay gắt.
Trong khi đó, cả 4 ca dương tính vừa qua mang mầm bệnh đều đi từ TP.HCM và Bình Dương về địa bàn Đồng Nai. Ông Dũng giải thích: "Làm sao để công nhân đi lại giữa các địa phương giáp ranh như TP.HCM, Bình Dương phải hạn chế lại, còn hàng hóa vẫn lưu thông bình thường. Tôi cho rằng lúc này "công nhân làm việc ở đâu, ngủ nghỉ lại luôn ở đó" là cách duy nhất để Đồng Nai kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Còn không thì trước sau gì Đồng Nai cũng xảy ra dịch bệnh giống như TP.HCM, Bình Dương".
Trước ý kiến của Đồng Nai, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Đồng Nai là tỉnh đặc thù có đông công nhân nên phải kiểm soát chặt chẽ tất cả người qua lại TP.HCM, Bình Dương. Ông Đam nhấn mạnh: "Ở đây không phải là ngăn sông cấm chợ mà cái chính là kiểm soát người qua lại. Kiểm soát công nhân, người lái xe chở hàng, di chuyển đường dài... Và những người đó phải có trách nhiệm tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh".
Ông Đam cho rằng đến giờ này Đồng Nai đã kiểm soát được dịch bệnh tốt hơn nhiều tỉnh thành. Vì vậy, trong những ngày tới, Bộ Y tế cùng với Đồng Nai và các tỉnh thành thống nhất xây dựng phương án quản lý người đi lại giữa các địa phương để phối hợp sao cho hài hòa trong việc kiểm soát dịch bệnh...
Nhắc lại văn bản của Đồng Nai bị cho là "ngăn sông cấm chợ", bác sĩ Phan Huy Anh Vũ - giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh - chỉ ra rằng do việc kiểm soát đi lại, khai báo y tế chưa đầy đủ nên đã có nhiều trường hợp dương tính di chuyển từ tỉnh này qua tỉnh khác, làm lây lan dịch bệnh.
Theo bác sĩ Vũ, nếu 10.000 người làm việc ở Đồng Nai hay TP.HCM phải đi qua lại mà doanh nghiệp bố trí được công việc của mình, đảm bảo tránh di chuyển thì sẽ phòng được dịch bệnh và hạn chế rất cao việc có thể lây nhiễm ở khu công nghiệp và bảo vệ cả triệu công nhân...
"Tôi đơn cử như vừa qua có một công ty có công nhân ở Bình Dương làm việc ở Đồng Nai có kết quả xét nghiệm dương tính. Công ty nọ có 40.000 người. Ngay lập tức họ phối hợp với y tế phân loại thì có 1.500 người hay đi về. Sau khi công ty trao đổi, đã có 900 công nhân xin ở lại làm việc và 600 công nhân còn lại xin nghỉ phép. Với cách làm như vậy, doanh nghiệp chủ động cắt đứt ngay được nguy cơ lây bệnh", ông Vũ dẫn chứng.
Như vậy, giải pháp sắp tới của Đồng Nai vẫn sẽ là siết chặt việc kiểm soát người ra vào địa bàn? Ông Vũ nói: "Tỉnh sẽ làm việc với TP.HCM, Bình Dương để ra văn bản chung phối hợp. Phải làm sao để kiểm soát người đi, về nhằm hạn chế tối đa việc lây nhiễm bệnh giữa các tỉnh thành với nhau".
TTO - Tối 24-6, UBND TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cho hay vừa phát hiện 2 ca nghi mắc COVID-19 từ TP.HCM, Hải Phòng di chuyển vào địa bàn. Hiện tỉnh đang huy động các phường, xã tổ chức truy vết để phòng dịch bệnh.
Xem thêm: mth.75435619052601202-ian-gnod-ev-oab-neyut-gnohp-pal/nv.ertiout