Thái độ kỳ thị vắc xin càng lan rộng bởi nỗi sợ không có căn cứ khoa học và tin giả tràn lan trên mạng. Tuy nhiên, xu hướng này đã được đảo ngược ở Mỹ và Ấn Độ - nơi dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm và tử vong do COVID-19. Tại đây, những người trước đây phản đối vắc xin đã thay đổi sau khi chứng kiến những bi kịch xảy ra với họ và gia đình.
Theo Đài CNN, anh Mike Lewis (37 tuổi), đang sống ở bang Florida, nằm trong số hàng ngàn người Mỹ chịu nỗi đau mất người thân chỉ vì quyết định không tiêm ngừa. Cái chết bất ngờ của người cha khỏe mạnh ở tuổi 58 khiến Lewis lập tức đưa cả gia đình đi tiêm ngừa.
Còn anh Josh Garza (43 tuổi), người vừa trải qua một ca ghép hai lá phổi thập tử nhất sinh vì COVID-19, nói rằng nếu có thể làm lại từ đầu anh sẽ đi tiêm ngừa ngay lập tức.
Trong khi đó, tại Ấn Độ, người dân đã bắt đầu chú ý tới tiêm chủng nhiều hơn sau khi dịch bệnh bùng phát khiến nước này không đủ củi để hỏa thiêu xác chết. Quốc gia Nam Á này vừa đạt cột mốc tiêm chủng trong ngày cao nhất từ trước đến nay hôm 21-6: 8,6 triệu liều.
Nhiều người Trung Quốc từng chống vắc xin cũng thay đổi quan điểm. Theo New York Times, mạng xã hội Trung Quốc hồi tuần trước lan truyền các clip ghi lại cảnh hàng trăm người tranh nhau ở điểm tiêm chủng vắc xin như đi săn hàng khuyến mãi, sau khi nghe tin biến thể Delta nguy hiểm xuất hiện ở tỉnh Quảng Đông.
Với đà lây lan kinh hoàng của biến thể Delta, thậm chí đe dọa cả ở những quốc gia đạt tỉ lệ cao về tiêm vắc xin, đã khiến nhiều người từ chỗ nói không nay đã tin rằng tiêm vắc xin vẫn là lá chắn tốt nhất để lỡ có nhiễm, họ vẫn có cơ hội bình phục cao hơn.
Thế giới đã chứng kiến hơn 3,9 triệu người chết vì đại dịch COVID-19. Trong đó, thấm thía nỗi đau lớn nhất là Mỹ và Ấn Độ, ghi nhận lần lượt 620.000 và 392.000 người tử vong do dịch bệnh (tính đến chiều 24-6, giờ Việt Nam). Hai quốc gia này đang chứng kiến số ca nhiễm và tử vong giảm mạnh nhờ đẩy mạnh tiêm chủng.
Lời khuyên lợi ích tiêm chủng vượt trội rủi ro của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) không phải là lời hô hào sáo rỗng mà có cơ sở khoa học rõ ràng. Vắc xin đã được chứng minh làm chậm tốc độ lây lan dịch bệnh và là con đường duy nhất sớm đưa thế giới trở lại nhịp sống bình thường.
Vì lẽ đó, tất cả các quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam, đang nỗ lực tối đa để bảo đảm nguồn cung vắc xin và đẩy mạnh chương trình tiêm chủng cho người dân.
Nỗi lo ngại về tính an toàn của vắc xin hoàn toàn có thể hiểu được khi truyền thông đưa tin về một số biến chứng nguy hiểm và tử vong sau tiêm. Tuy nhiên, cho đến nay các ca tử vong sau tiêm chiếm một tỉ lệ rất nhỏ so với số lượng người tiêm chủng và chưa có kết luận chính thức nào khẳng định vắc xin ngừa COVID-19 là nguyên nhân trực tiếp gây chết người.
"Tiêm là chết" hoàn toàn là nỗi sợ vô căn cứ (dựa trên chứng cứ khoa học), nhưng có rất nhiều căn cứ cho thấy "không tiêm sẽ chết" khi nói đến sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế.
Bài học từ nhiều nước trên thế giới đã có thêm cơ sở cho thấy còn ngần ngại tiêm ngừa, chúng ta không chỉ gánh chịu rủi ro lớn về sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Kỳ thị vắc xin còn góp phần làm chậm tiến độ tái mở cửa đất nước, trong bối cảnh Mỹ và EU đã bắt đầu mở cửa kinh tế và du lịch nhờ tiêm chủng rộng rãi, và quốc gia sát cạnh chúng ta là Thái Lan chuẩn bị chào đón du khách nước ngoài tiêm đủ vắc xin đến đảo Phuket từ đầu tháng 7 năm nay.
TTO - Sở Y tế TP.HCM triển khai kế hoạch "thần tốc" tiêm vắc xin ngừa COVID-19 từ ngày 21-6 và dự kiến hoàn tất vào hôm nay 25-6 với 836.000 liều đã được Chính phủ phân bổ. Thế nhưng đến hết ngày 24-6, TP mới chỉ tiêm được hơn 300.000 liều.
Xem thêm: mth.470908052601202-nix-cav-meit-gnohk-iv-tehc/nv.ertiout