Người dân thanh toán tiền khám bệnh bằng thẻ tín dụng tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhân viên ngân hàng như chúng tôi luôn sẵn sàng tâm thế bị cách ly bất cứ lúc nào khi hằng ngày chúng tôi tiếp xúc với tiền mặt, với khách hàng khắp nơi.
Chưa xong 2 lần cách ly, từ F2 lên F1
Một cô giao dịch viên 2 lần cách ly tại nhà, lần thứ 3 bắt đầu khi lần thứ 2 gần chấm dứt thì thăng hạng từ F2 lên F1. Trụ sở chính và phòng giao dịch nằm trong vùng có dịch nhưng vào các ngày chi lương hoặc đầu tuần, cuối tuần, khách hàng vẫn đến tấp nập. Vừa rồi có nhân viên quản lý khách hàng một ngân hàng bị nhiễm COVID-19 từng đến nhà nhiều khách hàng để làm thủ tục vay vốn, chừng phát hiện bệnh chưa biết bị lây từ đâu và có thể lây cho nhiều người nữa. Dịch bệnh căng thẳng, hoạt động tín dụng cũng trì trệ vì hạn chế tiếp xúc.
Ngay từ năm ngoái, chung tay phòng chống dịch, chúng tôi đã đẩy mạnh phát triển ngân hàng số, giao dịch trực tuyến. Khách hàng đăng ký sử dụng rất nhiều, nhưng lượng khách cần đến ngân hàng giao dịch vẫn rất đông. Chủ yếu là các giao dịch có liên quan đến tiền mặt.
Trước kỳ chi lương (từ ngày 10-15 hằng tháng), chúng tôi rút lượng tiền mặt rất lớn để chuẩn bị tiếp quỹ ATM và chi cho doanh nghiệp trả lương. Và rất buồn, mệt mỏi là ngay sau khi kết thúc đợt chi lương, ngân hàng lại thu về lượng tiền mặt nộp rất lớn, không thua gì hồi chi ra. Lại kiểm đếm, đóng bó đem nộp. Nhờ có giao dịch trực tuyến đã hạn chế rất nhiều tình trạng trước đây là ra cây ATM rút tiền rồi vào quầy ngân hàng nộp, chuyển về quê.
Khách hàng đã biết chuyển tiền trực tuyến nhưng vẫn dùng tiền mặt thanh toán tiền điện, nước, mua sắm, trả tiền mua hàng trả góp hằng tháng. Mùa này, mua sắm online tăng lên rất nhiều nhưng thanh toán thì phần lớn vẫn là COD (thu tiền khi nhận hàng) và tiền đó quay về ngân hàng nộp. Vì sao? Thanh toán chuyển khoản vẫn được nhưng chờ xuất hóa đơn, thanh toán xong mới giao hàng thì lâu hơn nhiều so với nhận hàng trả tiền sau...
Động lực không tiền mặt
Có những công ty nhiều nhân viên thời vụ không đóng bảo hiểm, thường chi lương tiền mặt. Cũng có công ty vẫn mở tài khoản chi lương nhưng vẫn chi tiền mặt, lý do là tăng ca nhiều hơn quy định, không đảm bảo yêu cầu của đối tác nên phải né. Các ngân hàng đều có dịch vụ gửi tiết kiệm online khá thuận tiện, lãi suất có lúc còn cao hơn tại quầy nhưng vẫn không dễ thuyết phục khách hàng, nhất là những người tuổi trung niên trở lên có tiền nhàn rỗi, phải cầm được sổ tiết kiệm họ mới chịu (dù gửi online muốn in sổ vẫn được).
Có nhiều quán ăn lớn nhưng không lắp máy quẹt thẻ vì không muốn trả phí cũng như lại phải mất công vào ngân hàng rút tiền trong khi hôm sau họ lại cần tiền mặt để mua thực phẩm, nguyên liệu...
Nói chung mặc dù rất mệt mỏi với tiền mặt nhưng chúng tôi vẫn không thuyết phục khách hàng được vì lý do nào họ đưa ra cũng chính đáng cả. Trong tình hình dịch bệnh này, việc sử dụng tiền mặt nhiều đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động ngân hàng. Nhân viên ngân hàng phải cách ly liên tục, không đủ người phục vụ, hoạt động tín dụng cần tiếp xúc gặp gỡ trực tiếp sẽ rất khó khăn. Chúng tôi đã tính tới mọi kịch bản để đảm bảo hoạt động liên tục trong mọi tình huống nhưng không biết cầm cự được bao lâu.
Khó có thể thay thói quen dùng tiền mặt trong một thời gian ngắn. Thực tế phòng chống dịch cũng là một động lực lớn để chúng ta, toàn xã hội cùng bắt tay vào thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt khi có thể. Không chỉ vì những khó khăn trong hoạt động ngân hàng mà còn là cách giảm nguy cơ lây nhiễm cho mọi người, mọi nhà.
TTO - Sau 5 năm triển khai, đề án thúc đẩy thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam đã có nhiều tiến triển nhưng vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.
Xem thêm: mth.54522020242601202-hcid-gnohp-ed-tam-neit-gnohk/nv.ertiout