Ngân hàng đầu tư Thụy Sĩ Credit Suisse kỳ vọng tăng trưởng toàn cầu sẽ tăng tốc trong những tháng tới, khi các nền kinh tế dần mở cửa trở lại. Theo đó, sự phục hồi của tăng trưởng doanh thu và hoạt động tuyển dụng sẽ diễn ra.
Trong triển vọng đầu tư nửa cuối năm 2021, Credit Suisse dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 5,9% trong năm nay và 4% vào năm 2022. Đà tăng trưởng này sẽ được thúc đẩy bởi việc triển khai vắc-xin, kích thích tài chính và sự hồi phục quy mô lớn của ngành dịch vụ. Ngân hàng cũng cho biết, Mỹ có thể sẽ tăng trưởng với tốc độ 6,9% trong năm nay. Trong khi đó, eurozone dự kiến tăng 4,2%, còn châu Á (không bao gồm Nhật Bản) tăng 7,5%.
Theo Ray Farris – giám đốc đầu tư khu vực Nam Á của Credit Suisse, sự tăng trưởng của nền kinh tế có thể giúp tăng trưởng toàn cầu hồi phục mạnh mẽ. Đây cũng là động lực thúc đẩy thị trường chứng khoán.
Trong chương trình "Squawk Box Asia" của CNBC phát sóng hôm 24/6, ông cho biết: "Chúng tôi dự đoán thị trường chứng khoán sẽ trở thành loại tài sản vượt trội trong 6 tháng đến 1 năm tới. Khi thu nhập chung có xu hướng tăng cao hơn, thì những gì diễn ra từ quá khứ cho thấy rằng thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục đi lên."
Ông nói thêm: "Đôi khi, thị trường sẽ điều chỉnh, nhưng những thời điểm đó sẽ trở thành cơ hội."
Về thị trường chứng khoán, Credit Suisse cho biết họ ưa chuộng nhóm cổ phiếu chu kỳ như tài chính và nguyên vật liệu. Cổ phiếu chu kỳ là những công ty có hoạt động kinh doanh cơ bản thường tương tự với chu kỳ phát triển và suy thoái của nền kinh tế.
Ngoài ra, ngân hàng cũng có quan điểm lạc quan về thị trường châu Âu, ví dụ như Anh, Đức và Tây Ban Nha. Farris giải thích rằng, châu Âu là thị trường sẽ tạo ra mức tăng trưởng lợi nhuận tương tự như Mỹ vào năm 2021, nhưng đang có mức định giá thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Farris cho biết thêm, nhà đầu tư sẽ có cơ hội ở thị trường châu Âu khi khu vực này đang vực dậy khỏi đại dịch, khi nền kinh tế tái mở cửa và tăng trưởng hồi phục. Tại Anh, nhà đầu tư nên tìm đến ngành tài chính, trong khi Đức là các lĩnh vực mang tính chu kỳ.
Tại châu Á, ngân hàng đánh giá cao thị trường chứng khoán Hàn Quốc và Thái Lan. Đây là 2 quốc gia có thể được hưởng lợi từ tình trạng thiếu hụt chip trên toàn thé giới và xu hướng lạm phát toàn cầu. Chứng khoán Thái Lan nhiều khả năng sẽ khởi sắc nhờ giá dầu tăng.
Trong khi đó, ngân hàng Thụy Sĩ có quan điểm trung lập về chứng khoán Trung Quốc. Nguyên nhân là bởi đà tăng trưởng đang chậm lại sau khi hồi phục mạnh mẽ hậu đại dịch và rủi ro về quy định đang gây áp lực cho tâm lý thị trường.
Trong một sự kiện khác, Farris chỉ ra rằng, thị trường tài sản và giá tài sản vẫn đang được hỗ trợ bởi chính sách tiền tệ ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và các quốc gia khác. Ông nói: "Các NHTW lớn có khả năng tiếp tục mở rộng bảng cân đối kế toán, bơm thêm thanh khoản vào hệ thống cho đến cuối năm nay."
Theo Credit Suisse, áp lực lạm phát và rủi ro lạm phát đã tăng lên trong những tháng gần đây. Họ kỳ vọng lạm phát sẽ tạm thời vượt qua mục tiêu của các NHTW ở những nền kinh tế lớn khi lĩnh vực dịch vụ mở cửa trở lại. Áp lực giá diễn ra liên tục sẽ là yếu tố khiến Fed quyết định rút lại các biện pháp hỗ trợ sớm hơn dự kiến.
Farris cho biết ông không cho rằng Fed sẽ công bố bất kỳ quyết định nào cho đến quý III và việc siết chặt chính sách tiền tệ sẽ không diễn ra cho đến năm 2022. Hơn nữa, lãi suất cũng có thể được giữ nguyên cho đến năm 2023.
Farris nhận định: "Do đó, bối cảnh chính sách tiền tệ hiện đang rất có lợi cho các tài sản rủi ro."
Tham khảo CNBC