Chiều 24-6, sau một ngày xét xử, TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên giữ nguyên án sơ thẩm ngày 12-12-2020 của TAND TP Hà Nội. Tòa bác đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Nguyễn Nhật Cảm (cựu giám đốc CDC Hà Nội) cùng năm bị cáo có đơn kháng cáo khác.
Đã xem xét hết các tình tiết giảm nhẹ
HĐXX phúc thẩm tuyên y án 10 năm tù đối với bị cáo Cảm về tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Những người còn lại y án từ năm năm đến sáu năm sáu tháng tù, cùng về tội danh trên.
HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo là rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của cơ quan nhà nước. Trong khi Chính phủ và nhân dân đang tập trung chống dịch, các cán bộ CDC Hà Nội đã không làm nhiệm vụ được giao mà còn vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước nên cần phạt nghiêm để răn đe và phòng ngừa chung.
Các bị cáo tại tòa ngày 24-6. Ảnh: TP
Bị cáo Cảm là chủ mưu, cùng các bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội. Các tình tiết giảm nhẹ như ăn năn hối cải, khắc phục hậu quả, gia đình có công với cách mạng, bị cáo có công phòng chống dịch đã được tòa sơ thẩm xem xét nên tòa phúc thẩm không xét lại.
HĐXX kết luận: Với vai trò giám đốc CDC, chủ tịch hội đồng tư vấn mua sắm, chọn giá hàng hóa/dịch vụ, bị cáo Cảm đã không thực hiện đúng các quy định về lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu và tổ chức lựa chọn nhà thầu.
Kết quả, các bị cáo móc nối với nhau, ký hợp đồng giữa CDC Hà Nội với các công ty để mua bán các trang thiết bị với tổng giá trị 9,54 tỉ đồng. Trong khi đó, theo định giá, tổng giá trị của gói thầu chỉ hơn 4,14 tỉ đồng.
CDC khắp cả nước xin giảm án
Hơn 30 CDC các tỉnh, thành, hai nhà khoa học và một số tổ chức đã nộp đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho các cựu cán bộ CDC. Trong đó, luật sư của bị cáo Cảm nộp đơn của 42 PGS, TS và 430 bác sĩ ở một số bệnh viện trên toàn quốc xin giảm nhẹ cho bị cáo.
Theo tìm hiểu của pv, trong số những người xin giảm án cho cựu giám đốc CDC Hà Nội có GS Phạm Ngọc Đính (nguyên Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) và GS Vũ Sinh Nam (nguyên Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế).
Trong đơn, hai vị giáo sư nhấn mạnh: “Không thể thanh minh hết cho những sai lầm mà ông Cảm cùng một số đồng nghiệp ở CDC Hà Nội đã mắc phải” nhưng cho rằng cựu giám đốc đã mang tác phong (có phần quan liêu) của nhà khoa học, trong điều kiện bận rộn, cùng lúc điều hành nhiều loại công việc chuyên môn.
Cùng với đó, do chưa sát sao cụ thể, chưa thấy rõ những phức tạp, lỗ hổng của việc đấu thầu mua trang thiết bị chống dịch vì chưa có được những văn bản hướng dẫn cụ thể, các cựu lãnh đạo và cán bộ CDC Hà Nội đã có những sai lầm nghiêm trọng.
Hai vị giáo sư còn khẳng định bị cáo Cảm trưởng thành từ cơ sở qua công tác thực tế phòng chống dịch, lại được đào tạo bài bản, là PGS-TS y khoa, tâm huyết với nghề, có nhiều đóng góp và thành tích đối với ngành y tế Hà Nội và hệ thống y tế dự phòng cả nước…
CDC Hà Nội được xác định là bị hại, thiệt hại hơn 5,4 tỉ đồng. Tuy nhiên, quá trình xét xử sơ thẩm cũng như trước khi mở phiên tòa phúc thẩm, CDC Hà Nội đều xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Cảm cùng các cựu cán bộ nơi đây.
“Làm việc quên mình mà bỏ qua rủi ro”
Trình bày về lý do kháng cáo, cựu giám đốc CDC Hà Nội thừa nhận hành vi phạm tội và chỉ mong được xem xét các tình tiết giảm nhẹ. Bị cáo nhiều lần nói vì nhu cầu cấp bách “chống dịch như chống giặc” nên buộc phải mua sắm máy móc.
Theo lời bị cáo, dịch COVID-19 bùng phát từ Trung Quốc, sau đó được thế giới công bố là đại dịch. Trước tính chất cấp bách, CDC Hà Nội được Sở Y tế, UBND TP Hà Nội chỉ đạo bằng văn bản phải nhanh chóng mua sắm thiết bị xét nghiệm vào đầu năm 2020.
Từ trước tới nay, CDC Hà Nội chỉ làm công tác chuyên môn, chưa có kinh nghiệm về mua sắm, đấu thầu thiết bị. Hơn thế, thiết bị này (hệ thống Realtime PCR tự động) khá khan hiếm tại thời điểm mua sắm. Bị cáo phải trực tiếp đi tham khảo về giá và chất lượng ở nhiều nơi.
Cũng giống với phiên tòa sơ thẩm, cựu giám đốc CDC Hà Nội phủ nhận thỏa thuận giá để “hưởng chênh lệch”, thậm chí khẳng định còn đứng ra đàm phán để được giá có lợi nhất cho CDC Hà Nội. Một lần nữa, bị cáo cho rằng giá 7 tỉ đồng/máy là thấp nhất thị trường khi ấy, thấp hơn nhiều so với giá mà các đơn vị khác đã mua.
Về quy trình lựa chọn nhà thầu, bị cáo Cảm nhiều lần viện dẫn do tình trạng cấp bách nên lựa chọn theo thủ tục chỉ định thầu thông thường.
“Chỉ định thầu thông thường mất thời gian, công sức hơn nhưng sẽ khách quan nên bị cáo đã chọn cách này. Trong khi cấp bách nhưng CDC Hà Nội vẫn thực hiện đầy đủ các bước nhưng không được đúng y xì như quy trình nên dẫn đến sai phạm” - bị cáo nói.
Tiếp tục phân trần, cựu giám đốc CDC Hà Nội nói bản thân không phạm tội với lỗi cố ý bởi động cơ duy nhất là vì công tác phòng chống dịch. “Những người làm chuyên môn ai cũng biết khi loại virus này lây lan nhanh sẽ gây chết rất nhiều người nên bị cáo làm việc quên mình mà bỏ qua các rủi ro” - bị cáo trình bày.
Tương tự bị cáo Cảm, các bị cáo còn lại đều thừa nhận hành vi phạm tội nhưng mong được giảm nhẹ hình phạt.
Sáu bị cáo kháng cáo Sau phiên tòa sơ thẩm, 6/10 bị cáo đã kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt gồm: Bị cáo Cảm, Nguyễn Vũ Hà Thanh (cựu trưởng Phòng tài chính kế toán CDC Hà Nội), Nguyễn Thị Kim Dung (cựu trưởng Phòng tổ chức hành chính CDC Hà Nội), Đào Thế Vinh (giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam - MST), Nguyễn Trần Duy (tổng giám đốc Công ty CP Định giá và Bán đấu giá Nhân Thành) và Nguyễn Ngọc Quỳnh (cựu trưởng Phòng kế hoạch nghiệp vụ CDC Hà Nội). |