vĐồng tin tức tài chính 365

Cần bao nhiêu lòng tốt cho người khuyết tật?

2021-06-25 14:43

Cần bao nhiêu lòng tốt cho người khuyết tật?

Thanh Thanh

(KTSG) - Một thanh niên khuyết tật tay không có chứng minh nhân dân được nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM góp tiền mua vé và giúp lên máy bay kịp thời về thăm bố bị tai biến. Câu chuyện về anh Quốc Phương (quê ở Hưng Yên) được lan tỏa như một sự tử tế, ấm áp tình người trong những ngày TPHCM bước vào đợt giãn cách cuối tháng 5, nhưng mặt khác, cũng phơi bày những bất công mà người khuyết tật đang gặp phải.

Bên cạnh việc tán thưởng về lòng tốt, một câu hỏi cần đặt ra: “Tại sao một người khuyết tật như anh Phương không có CMND và anh đã sống sao khi không có loại giấy tờ cơ bản này trong những năm vừa qua?”.

Anh Phương chỉ còn đúng 350.000 để mua vé máy bay. Nguồn: VnExpress

Theo Nghị định 05/1999/NĐ-CP về CMND, người khuyết tật vẫn thuộc diện được cấp CMND. Đối với những người bị khuyết tật về tay không lăn tay được, cơ quan công an sẽ căn cứ tình hình thực tế để thực hiện việc cấp CMND cho người khuyết tật. Như vậy, trái với luật định, trong thực tế, anh Phương vẫn không có CMND trong nhiều năm nên ngay cả một việc đơn giản như đi máy bay, anh Phương cũng phải cậy nhờ đến lòng tốt và sự linh động của hãng bay.

Không chỉ mất đi quyền tự do đi lại, khi không có CMND, anh Phương có thể còn bị mất đi nhiều quyền khác. Anh Phương phải đối mặt nhiều rào cản khi thực hiện các quyền lợi cơ bản của công dân như đăng ký tạm trú, làm thẻ bảo hiểm y tế, làm thẻ ngân hàng, xin việc làm hay đăng ký học nghề... Và chắc gì khi đi khám chữa bệnh hay xin việc làm... anh Phương có thể gặp được người tốt sẵn sàng giúp đỡ và linh động giải quyết như những nhân viên sân bay kia?

Thực tế, sau ba năm mưu sinh ở TPHCM để nuôi sống gia đình, cuộc sống của anh Phương vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo lời kể của nhân viên sân bay, anh móc trong túi ra xấp tiền lẻ (tờ tiền lớn nhất là 10.000 đồng) để trả tiền vé nhưng chỉ còn đúng 350.000 đồng nên anh định quay về quận 7 để mượn tiền bạn.

Bị gạt sang một bên?

Từ câu chuyện của anh Phương, câu hỏi lớn hơn cần lời giải là sự quan tâm của xã hội và các chính sách dành cho 6,2 triệu người khuyết tật ở Việt Nam (theo số liệu của Tổng cục Thống kê và UNICEF công bố ngày 11-1-2019).

Việt Nam đã ban hành Luật Người khuyết tật, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2011, với những điều khoản quy định về việc xác nhận khuyết tật, quy định về chăm sóc sức khỏe, điều kiện giáo dục, chống kỳ thị người khuyết tật... Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang thu thập ý kiến địa phương để báo cáo, đánh giá về kết quả 10 năm thực hiện luật này.

Nhưng theo một kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê và UNICEF công bố năm 2019, những hộ gia đình có thành viên khuyết tật thường nghèo hơn, trẻ em khuyết tật có nguy cơ ít được đi học hơn các bạn cùng trang lứa, cơ hội việc làm cho người khuyết tật cũng thấp hơn những người không khuyết tật. Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những bất bình đẳng về mức sống và tham gia xã hội đối với người khuyết tật.

Trên thực tế, dễ dàng nhận ra nhu cầu cơ bản của người khuyết tật vẫn đang bị gạt sang một bên trong nhiều lĩnh vực. Khi tổ chức một sự kiện, xây dựng một quy định nào đó, hiếm thấy người tổ chức lên kế hoạch cho sự tham gia của người khuyết tật để có hỗ trợ phù hợp.

Chỉ vài năm gần đây, các đài truyền hình trong nước mới bắt đầu sử dụng người dẫn chương trình ngôn ngữ ký hiệu để hỗ trợ người khiếm thính, tuy nhiên, các chương trình này còn chiếm tỷ lệ rất thấp.

Trong lĩnh vực xây dựng, dù đã có quy định về lối đi cho người khuyết tật ở các chung cư, trường học, trụ sở làm việc, nhà văn hóa, bệnh viện... nhưng theo đánh giá của Hội Người khuyết tật và Sở Xây dựng Hà Nội, số lượng các công trình triển khai áp dụng đúng quy định vẫn còn hạn chế, chỉ tập trung ở một số đô thị lớn và mới chỉ dừng lại ở mức độ tiếp cận tối thiểu.

Dễ nhận thấy, đô thị thiếu những mảng dốc để người khuyết tật đẩy xe lăn từ lòng đường lên vỉa hè. Thậm chí, để hạn chế tình trạng người điều khiển xe máy lái xe trên vỉa hè, nhiều tỉnh/ thành sẵn sàng gắn các thanh chắn trên vỉa hè mà quên rằng những thanh chắn này cản trở lối đi của người khuyết tật vận động và dễ khiến người khiếm thị vấp ngã.

Mới đây, trong khi người dân cả nước được vận động đi bầu cử thì người khiếm thị hầu như không thể tiếp cận quyền cơ bản này vì nhiều bất cập như không được cung cấp thông tin về ứng viên bằng các tài liệu dành cho người khiếm thị, cũng không có những cuộc họp phổ biến vì nhiều nơi phải thực hiện giãn cách xã hội không được tụ tập đông người. Theo VTV, chỉ có một nơi ở Hà Nội người mù được cấp các file âm thanh thông tin về ứng viên để nghe qua điện thoại.

Việc tạo điều kiện để người khuyết tật tham gia vào các hoạt động xã hội là vấn đề dường như không nằm trong tư duy của nhiều cá nhân, tổ chức có thể do sự e ngại về chi phí tài chính và khâu tổ chức mất nhiều thời gian. Ở khối hệ thống công, dù đã có một số quy định để đảm bảo quyền lợi cho người khuyết tật, nhưng việc thực thi trong thực tế còn cách xa các quy định, thiếu sự giám sát cần thiết.

Sự thiếu quan tâm hoặc cố tình lờ đi những nhu cầu chính đáng của người khuyết tật sẽ tạo ra những bất công, gạt một cộng đồng yếu thế ra khỏi những chính sách xã hội. Vì vậy, ngay từ bây giờ, nếu bắt đầu xây dựng những quy trình hay tổ chức một sự kiện, các tổ chức, cá nhân nên dành thời gian để trả lời câu hỏi: “Nếu người khuyết tật tham gia thì cần chuẩn bị những gì?”. Đặc biệt, yêu cầu này cần phải áp dụng cho khối dịch vụ công để sự quan tâm dành cho người khuyết tật không chỉ dừng lại ở những văn bản, khẩu hiệu như hiện nay mà hiện hữu trong hành động thiết thực.

Trên truyền thông, người khuyết tật vẫn hay thường xuất hiện như những tấm gương về nghị lực vượt khó, vươn lên với câu nói quen thuộc “tàn nhưng không phế”. Những tiếng nói về nhu cầu, các phản ánh về sự bất tiện thường gặp hay yêu cầu, nguyện vọng về quyền lợi của nhóm này hầu như không xuất hiện.

Những câu chuyện về nghị lực của người khuyết tật có thể làm công chúng khâm phục, cảm thông hơn với cộng đồng này. Những câu chuyện giúp đỡ người khuyết tật như cõng bạn đến trường, cõng con đi học... có thể làm xã hội xúc động. Tuy nhiên, xét cho cùng, nghị lực phi thường hay lòng hảo tâm cũng chỉ là nỗ lực đơn lẻ của cá nhân đi cùng sự may mắn.

Lòng tốt của các nhân viên sân bay có thể giúp anh Phương kịp về nhà thăm bố. Tuy nhiên, lòng tốt đó chỉ giúp anh một lần, lòng tốt đó không thể bù đắp hết cho những thiệt thòi, bất công mà anh Phương và nhiều người khuyết tật khác đã gặp phải. 

Xem thêm: lmth.tat-teyuhk-iougn-ohc-tot-gnol-ueihn-oab-nac/266713/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Cần bao nhiêu lòng tốt cho người khuyết tật?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools