Tờ South China Morning Post đưa tin, người tiêu dùng tại Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khu vực Đông Nam Á vẫn đang tìm cách tiết kiệm nhiều hơn, sau khi đại dịch Covid-19 đã tác động đáng kể đến thu nhập của họ. Đây có thể là tin xấu đối với các nhà bán lẻ hay chủ nhà hàng đang tìm cách vực dậy hoạt động kinh doanh.
AIA Group mới đây đã công bố khảo sát trong phạm vi 7.400 người tại Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan về dự định tăng tiết kiệm trong năm nay. Theo dữ liệu của Bloomberg, AIA là tập đoàn bảo hiểm lớn thứ 2 thế giới, sau Công ty Bảo hiểm Bình An (Trung Quốc).
Báo cáo nhấn mạnh, các biện pháp thắt lưng buộc bụng trong bối cảnh thu nhập và việc làm bị giảm sút đã làm giảm hy vọng cho các doanh nghiệp. Lý do là nhiều doanh nghiệp kỳ vọng có thể tận dụng việc gia tăng nhu cầu do bị dồn nén trong thời gian giãn cách của người dân hậu Covid-19.
Song, những nỗ lực nhằm mở cửa lại nền kinh tế tiếp tục bị cản trở bởi sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19, sự xuất hiện của các biến thể virus mới và tiến độ các chương trình tiêm chủng còn tương đối chậm.
Kenny Ng Lai-yin, chiến lược gia chứng khoán tại Everbright Sun Hung Kai cho hay: "Xu hướng chi tiêu ở Trung Quốc hiện nay cho thấy, có vẻ như mọi người không hứng thú với việc chi tiêu bù đắp những nhu cầu dồn nén trước đó. Người tiêu dùng nhìn chung vẫn lo ngại về những bất ổn kinh tế".
Bên cạnh đó, hiệu ứng của cải trên thị trường chứng khoán đã khiến các thị trường khác trở nên ảm đạm hơn. Hiệu ứng của cải là lý thuyết kinh tế hành vi cho thấy mọi người chi tiêu nhiều hơn khi giá trị tài sản của họ tăng lên. Hiệu ứng xảy ra khi người tiêu dùng cảm thấy an toàn hơn về tài chính, khi nhà cửa hoặc danh mục đầu tư của họ tăng về giá trị. Hiệu ứng tạo nên cảm giác giàu có hơn, ngay cả khi thu nhập và chi phí cố định của họ vẫn giống như trước đây.
Trong khi các chỉ số chứng khoán tại Singapore và Thái Lan tăng hơn 9%, thì ở Trung Quốc và Malaysia lại giảm. Theo báo cáo AIA cùng với báo cáo của Citigroup công bố vào tháng trước, hơn 70% người được hỏi cho biết họ cần xem xét kỹ lưỡng trong việc chi tiêu. Như vậy, người dân sẽ vẫn chưa thể quay về xu hướng mua sắm thoải mái cho đến khi đại dịch thực sự kết thúc.
Theo khảo sát của AIA, 2/3 số người được hỏi trên 8 thị trường đã phải chịu mức thu nhập thấp hơn trước giai đoạn đại dịch. Tại Hồng Kông (Trung Quốc), tỷ lệ này là 62%. Tỷ lệ thất nghiệp tại đây đạt cao nhất trong 17 năm, ở mức 7,2% trong giai đoạn từ tháng 12/2020 đến tháng 2/2021.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam, từ đầu năm 2021 đến nay, dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của hơn 9 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên. Nếu dịch được khống chế trong thời gian tới, vẫn có khoảng 2,5 triệu lao động bị ảnh hưởng.
Stuart Spencer, Giám đốc Marketing của AIA. Ảnh: Edmond So
Stuart Spencer, Giám đốc Marketing của AIA cho hay, trong bối cảnh đầy bất định, người dân tập trung phân bổ tiền để tiết kiệm, đề phòng trong các trường hợp khẩn cấp hơn là tiết kiệm cho những mục tiêu chung trong cuộc sống như trước.
Trên khắp các thị trường được khảo sát, khoảng 55% chia sẻ, họ có kế hoạch tiết kiệm nhiều hơn trong năm nay. Trong khi 29% khẳng định họ sẽ tiết kiệm như năm 2020, 16% mong rằng họ sẽ tiết kiệm ít hơn.
Philippines có tỷ lệ người dân lên kế hoạch tiết kiệm nhiều hơn trong năm nay lớn nhất, ở mức 65%. Con số này với Thái Lan là 45%. Tiền gửi ngân hàng tiếp tục là lựa chọn tiết kiệm phổ biến nhất, với 90% người được hỏi lựa chọn phương án tiến kiệm này.
Theo Cơ quan Bảo hiểm, doanh số từ các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mới tại Hồng Kông (Trung Quốc) tăng 16% trong quý đầu năm, ở mức 5,25 tỷ USD. Bảo hiểm liên kết đầu tư (loại hình đặc biệt của bảo hiểm nhân thọ, cho phép chủ sở hữu đầu tư vào một số đơn vị trong quỹ liên kết) tăng trưởng ở mức 153%/năm, lên mức khoảng 811 triệu USD.
Tham khảo: SCMP
Hà Trần
Doanh nghiệp và Tiếp thị