Theo định nghĩa của Bộ Y tế, TPCN là những sản phẩm kết hợp giữa thực phẩm và các chất bổ sung như axit amin, enzyme, khoáng chất... nhằm thực hiện "chức năng" tăng cường sức khỏe. TPCN còn có nhiều tên gọi khác như thực phẩm bổ sung, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng y học. Tại Việt Nam, nhiều người chọn dùng TPCN vì tin rằng nó giúp phòng ngừa và điều trị bệnh, kể cả ung thư giai đoạn cuối.
Bức xúc của các bác sĩ theo dõi, điều trị cho bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, tuyến giáp... là các bệnh nhân đang được kiểm soát tình trạng bệnh tốt thì bỗng ngưng uống thuốc theo toa, chuyển hẳn sang sử dụng TPCN khiến tình trạng bệnh chuyển nặng. Nhiều bệnh nhân trước quảng cáo "có cánh" của các tư vấn viên bán TPCN về "siêu công dụng" của nó đã tống đủ loại TPCN, collagen... dẫn đến suy thận.
Trào lưu sử dụng TPCN chữa bệnh, làm đẹp... đang lan rộng trong cộng đồng. Nguồn cung cũng rất đa dạng: từ người thân, trên các trang mạng chuyên bán hàng online, hàng xách tay... với giá cũng vô chừng, rẻ từ vài trăm cho đến vài triệu đồng/sản phẩm. Nguồn có khi đến từ con làm ở công ty kinh doanh TPCN đem sản phẩm về cho cha mẹ dùng hay ngược lại, cha mẹ mang về cho con cái dùng. Điều đáng nói, với kiến thức hạn hẹp về y học, họ lại khuyên người thân của mình ngưng sử dụng thuốc điều trị theo toa của bác sĩ để chuyển hẳn sang dùng TPCN. Mới đây, lực lượng chức năng phát hiện nhiều vụ kinh doanh hàng không nguồn gốc, trong đó có TPCN.
Đơn cử, tối 06-3, Đội QLTT số 5- Cục QLTT tỉnh Bình Dươngphối hợp Đội 3 - Phòng PC03 - Công an tỉnh Bình Dương khám xét kiốt chứa hàng thuộc tổ 22 (KP. Bình Phú, P. Bình Chuẩn, TP Thuận An). Tại đây, lực lượng phát hiện gần 2.500 viên thuốc Tây có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Fugacar. Số hàng hóa còn lại, trong đó trên 70.200 bao cao su cùng 2.700 viên TPCN (cường dương) có nhãn gốc bằng tiếng Ả Rập cùng 5.082 tem chống giả... Toàn bộ số hàng trên của Nguyễn Đức Lương (SN 1992, ngụ xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh). Ông này thuê kiốt để chứa hàng hóa và không xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc của sản phẩm. Đội QLTTsố 5 tiến hành lập biên bản tạm giữ và niêm phong toàn bộ số hàng để tiếp tục xác minh, làm rõ theo quy định.
Trước đó, tối 23-02, Đội QLTT số 1- Cục QLTT TP.Hà Nội phối hợp Cục cảnh sát hình sự - Bộ Công an và Công an Q.Hoàng Mai (TP. Hà Nội) kiểm tra đột xuất điểm tập kết kinh doanh hàng hóa tại Khu Đô thị Times City (P. Mai Động, Q. Hoàng Mai, TP.Hà Nội), đã tạm giữ gần 1 tấn bao bì tem nhãn và gần 2 tấn thành phẩm, nguyên liệu thuốc và TPCN. Tất cả các viên thuốc được đựng trong các túi lớn, không có bao bì nhãn mác. Chủ cơ sở cũng không xuất trình được các giầy tờ hợp pháp liên quan đến kinh doanh các loại hàng hóa trên. Bà N.T.K.A (SN 1991, Q. Hoàng Mai, TP.Hà Nội) là chủ lô hàng cho biết, đây là các loại thuốc về lợi tiểu và liên quan đến đường tiêu hóa.
Theo ông Hoàng Đại Nghĩa - Đội trưởng Đội QLTT số 1, lực lượng chức năng phải mất rất nhiều thời gian để xác minh, kiểm tra được đối tượng bởi sự tinh vi trong cách thức giao dịch. Lợi dụng sự thiếu chặt chẽ trong khâu an ninh, cộng với giá thuê nhà hiện đang xuống thấp, đối tượng thường xuyên thay đổi các điểm chứa trữ hàng hóa từ nơi này sang nơi khác để đánh lạc hướng sự chú ý của người dân cũng như cơ quan chức năng.
Mọi sự dịch chuyển đều diễn ra nhanh chóng và chuyên nghiệp bằng cách đóng thùng, sử dụng thang máy và xe tải chờ sẵn ở chân tầng hầm và chuyển sang địa điểm khác. Đối tượng sử dụng các căn hộ cao cấp làm điểm tập kết hàng hóa. Mọi thông tin, giao dịch chốt đơn đều được thực hiện thông qua mạng xã hội Facebook với tên "Kiều Anh Nguyên (Elly San)" và vận chuyển thông qua ship code nên việc xóa dấu vết rất nhanh.
Được biết, TPCN có thể mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe nếu được sử dụng đúng. Thế nhưng, ngày nay dưới sự biến tướng của các hình thức quảng cáo hiện đại, công dụng của TPCN hiện đang bị cường điệu hóa. TPCN tuy mang lại nhiều lợi ích nhưng không phải lúc nào cũng tốt. Đặc biệt, đối với những người mắc bệnh mãn tính, nếu dùng sai cách có thể khiến tình trạng bệnh thêm trầm trọng hơn.
Theo ý kiến của một chuyên gia về dinh dưỡng, không phải lúc nào cũng cần sử dụng TPCN. Nếu sức khỏe bình thường, chỉ cần cung cấp các dưỡng chất cho cơ thể bằng thực phẩm là đủ. Việc sử dụng thêm TPCN không những không mang lại hiệu quả mà đôi khi còn gây ra các tác dụng phụ không mong muốn. Đặc biệt, với những người đang trong quá trình xạ trị ung thư, việc sử dụng TPCN không đúng có thể gây dị ứng da và một vài phản ứng nghiêm trọng. Những người đang thực hiện hóa trị sẽ có nguy cơ bị tương tác thuốc cao hơn nếu họ sử dụng TPCN không đúng cách.
Chính vì vậy, các chuyên gia ung thư khuyên người bệnh nên tránh dùng các loại TPCN cho đến khi kết thúc quá trình điều trị. TPCN chỉ nên kết hợp sử dụng với các phương pháp điều trị khác, không nên lạm dụng. Trước khi sử dụng, người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ để chắc chắn sản phẩm sử dụng sẽ không gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Ngoài ra, hầu hết các loại TPCN hiện chưa được kiểm nghiệm mức độ an toàn trên phụ nữ mang thai, cho con bú hay trẻ em. Cần chọn sản phẩm của các thương hiệu uy tín, có công bố rõ ràng về thành phần/công thức, nguồn gốc, hạn sử dụng, có cam kết về độ an toàn, tác dụng phụ... cũng như hiểu rõ về công dụng, liều lượng, cách dùng và cả những tác dụng phụ trước khi bắt đầu sử dụng một loại TPCN.
Xem thêm: lmth.008441_gnan-cuhc-mahp-cuht-gnourt-iht-naol/gnourt-iht/nv.moc.nagnoc