Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 12-2019 - Ảnh: AFP
Theo Hãng tin Reuters, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã từ chối đề xuất của Đức và Pháp trong một phiên họp ngày 25-6. Thủ tướng Đức Angela Merkel là người thông báo kết quả cuộc họp được đánh giá là căng thẳng đến khuya 24-6.
Theo bà Merkel, ngay cả khi không có hội nghị thượng đỉnh, EU và Nga vẫn có thể ngồi xuống đối thoại theo một thể thức khác mà hai bên sẽ cùng xây dựng.
Tuy nhiên, Ba Lan và các nước EU từng thuộc Liên Xô cho rằng hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin là một sai lầm trong bối cảnh quan hệ hai bên ngày càng xấu đi.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố Matxcơva "phải ngừng các chính sách gây hấn", và sẽ không có thượng đỉnh nào nếu Nga tiếp tục "giữ bán đảo Crimea của Ukraine và đứng về phe ly khai miền đông Ukraine".
Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda thì ví von ý tưởng ngồi xuống với ông Putin "giống như chuyện đang đánh nhau với một con gấu để giữ bình mật ong an toàn", theo Reuters.
Pháp và Đức mong muốn có thể hợp tác với Nga về chống biến đổi khí hậu và tìm cách ổn định quan hệ với nước này. Thành công tương đối của thượng đỉnh Nga - Mỹ ở Thụy Sĩ dường như đã thúc đẩy Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Merkel đi tới ý tưởng trên.
Trước đây, trụ cột trong mối quan hệ của EU với Nga là hội nghị thượng đỉnh hằng năm giữa ông Putin và chủ tịch Ủy ban châu Âu. Nhưng các cuộc họp này đã bị gián đoạn kể từ khi Nga sáp nhập Crimea sau cuộc trưng cầu ý dân năm 2014.
Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp người đồng cấp Nga Putin tại Thụy Sĩ ngày 16-6 - Ảnh: REUTERS
Ông Sebastien Maillard, giám đốc Viện Jacques Delors (Pháp), nhận định EU không muốn bị đóng vai trò thứ yếu khi phương Tây xác định lại mối quan hệ với Nga.
Khối này muốn chủ động hơn Mỹ vì họ ở gần Nga và phụ thuộc vào khí đốt Nga nhiều hơn. "Ông Biden không phải là tiếng nói của phương Tây và EU. Chúng tôi cũng có những lợi ích, giá trị riêng cần bảo vệ trước Nga", ông Maillard nêu quan điểm với AFP.
Thêm vào đó, việc định hình lại mối quan hệ giữa EU và Nga là rất cấp thiết, do Thủ tướng Đức Merkel chuẩn bị rời nhiệm sở vào tháng 9 tới.
Ở tuổi 67 (chỉ kém ông Putin 2 tuổi), bà Merkel đã có 16 năm liên tục làm thủ tướng Đức và được xem là nhà lãnh đạo "có nhiều kinh nghiệm đối phó ông Putin nhất thế giới", theo ông Maillard.
Ukraine, một quốc gia từng thuộc Liên Xô và chưa phải là thành viên EU, cũng lên tiếng yêu cầu Đức, Pháp giải thích lý do muốn gặp Tổng thống Nga Putin. Quan hệ giữa Kiev và Matxcơva trượt dốc không phanh từ năm 2014 vì vấn đề Crimea và các nhóm ly khai miền đông Ukraine.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba lập luận rằng Nga không có ý định thay đổi thái độ và các chính sách đối với EU hay Ukraine. Theo ông Dmytro, sẽ là sai lầm và "chệch hướng nguy hiểm" khi Brussels nối lại hội nghị thượng đỉnh với Matxcơva, xa rời các lệnh trừng phạt mà EU đã áp đặt với Nga.
Phản ứng trước việc EU bác ý tưởng gặp Tổng thống Putin, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định nhà lãnh đạo Nga "vẫn quan tâm đến việc cải thiện quan hệ làm việc giữa Matxcơva và Brussels".
"Lập trường của EU thật rời rạc, không phải lúc nào cũng nhất quán và đôi khi không rõ ràng", ông Peskov nêu quan điểm của Matxcơva.
TTO - Hãng tin Reuters đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 17-6 đã dành nhiều lời khen cho Tổng thống Mỹ Joe Biden, sau cuộc hội đàm tại Geneva (Thụy Sĩ) diễn ra một ngày trước đó.