Những ngày qua báo Tuổi Trẻ nhận được rất nhiều cuộc gọi từ bạn đọc phản ảnh về việc họ nhận được các cuộc gọi từ số điện thoại lạ, tự xưng là tổng đài của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), thông báo có biên lai 'phạt nguội' rồi yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, chuyển tiền để 'xác minh, điều tra, xử lý vi phạm'.
Đây là hình thức lừa đảo đã được Cục CSGT (Bộ Công an) và các cơ quan chức năng cảnh báo trước đó, tuy nhiên hiện nay tình trạng này lại tiếp tục xảy ra.
Sáng 26-6, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại tá Nguyễn Quang Nhật, trưởng phòng tuyên truyền, hướng dẫn giải quyết tai nạn giao thông Cục CSGT, cho biết thời gian qua trung bình mỗi ngày đường dây nóng của Cục CSGT cũng nhận được hàng chục cuộc gọi của người dân phản ánh về tình trạng trên.
Theo đại tá Nhật, Cục CSGT đã tuyên truyền, cảnh báo rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng về hình thức lừa đảo này và khẳng định Cục CSGT, CSGT toàn quốc không gọi điện thoại, nhắn tin cho người dân để xử lý vi phạm.
CSGT chỉ có các hình thức như gửi thông báo phạt nguội về địa chỉ nơi chủ xe đăng ký hộ khẩu thường trú, gửi thông báo cho công an cơ sở để mời người vi phạm lên tiếp nhận thông báo vi phạm. Hoặc khi đi đăng kiểm phương tiện sẽ được cơ quan đăng kiểm thông tin về trường hợp vi phạm và đề nghị tới đơn vị CSGT phát hiện vi phạm để xử lý.
"Bên cạnh việc cảnh báo, Cục CSGT đã phối hợp, thông tin đến Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về hình thức lừa đảo này để đơn vị xem xét, sàng lọc và xử lý những kẻ lừa đảo này", đại tá Nhật nói.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang, phó cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), cho biết đơn vị đã tiếp nhận thông tin về hình thức lừa đảo này từ Cục CSGT.
Theo thiếu tướng Giang, kẻ lừa đảo thường dùng sim rác hoặc gọi điện qua mạng Internet rồi tự xưng là tổng đài viên của CSGT thông báo đến người dân về vi phạm giao thông có biên lai 'phạt nguội'… yêu cầu cung cấp tên, tuổi, địa chỉ, số CMND, CCCD, số hộ chiếu, số tài khoản ngân hàng… Đây là hình thức lừa đảo mới nhưng thủ đoạn thì giống với các hình thức lừa đảo trước đây.
"A05 đang triển khai lực lượng xác minh, điều tra về hình thức lừa đảo này. Khi có đơn khiếu nại, tố giác của người dân về vụ việc cụ thể thì đơn vị sẽ xem xét xử lý. Nếu vụ việc có gây hậu quả lừa đảo thì chúng tôi sẽ truy tìm và xử lý đối tượng lừa đảo", thiếu tướng Giang nói.
Tuy nhiên, theo thiếu tướng Giang, việc xử lý tội phạm lừa đảo qua mạng khá khó khăn vì không gian mạng có nhiều dịch vụ ẩn danh, kẻ lừa đảo gọi điện từ các ứng dụng, tổng đài máy chủ đặt ở nước ngoài nên rất khó truy vết cuối cùng.
Thời gian qua, A05 đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn công an các đơn vị địa phương tăng cường nắm bắt thông tin để tuyên truyền cho người dân biết và tránh bị "sập bẫy" kẻ lừa đảo. Vì vậy, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác đối với loại tội phạm này.
Cục CSGT khuyến cáo người dân cần cảnh giác với các cuộc gọi thông báo liên quan đến biên lai "phạt nguội". Không cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân, lai lịch, chứng minh nhân dân, số điện thoại, thông tin tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng (tên người dùng, mật khẩu đăng nhập, mã xác thực OTP, địa chỉ email) cho bất kỳ ai.
TTO - Lý Quang Thái khai nhận giấy giới thiệu của lãnh đạo Bộ Công an, thẻ đảng viên, chứng minh công an nhân dân và một số giấy tờ khác là giả được đặt làm trên mạng.