Trong chuyến bay đến Nam Phi, tác giả của cuốn sách Kinh tế học hài hước, Stephen Dubner, đã gặp Nassim Nicholas Taleb. Trong cuộc trò chuyện, Taleb đã nói:
"Nếu bạn nhìn vào 10, 20 hay 30 quốc gia giàu nhất thế giới, thì một trong số những người giàu nhất trong đất nước ấy là người Lebanon".
Mọi người tranh luận rằng những dân tộc ở các quốc gia khác cũng có thể làm được điều đó như người Đức, người Ấn Độ, người Trung Quốc hoặc người Anh. Tuy nhiên, chúng ta phải xem xét rằng tất cả các quốc gia này đều có nền kinh tế khổng lồ hoặc dân số đông. Ngược lại, Lebanon là một quốc gia gặp khó khăn với dân số ít hơn cả Belarus.
Những người khác có thể cho rằng Nassim Taleb là người Lebanon nên ông đang khoe khoang về quê hương của mình.
Tuy nhiên, danh sách của Forbes đã xác nhận lời nói của ông. Điều này được kết luận dựa trên quan sát những người ở Brazil, Argentina, Mỹ, Mexico, và vô số những nơi khác. Và thực tế là cộng đồng người Lebanon vượt trội hơn so với những người đến từ các quốc gia khác về thành tích kinh doanh và học tập.
Trong những năm 1960, Brazil có 300 nghìn người Lebanon nhập cư hoặc công dân thế hệ thứ hai. Dân số toàn quốc là 76 triệu người. Điều đó chứng tỏ họ chỉ chiếm 0,4% tổng dân số. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Bresser-Pereira, vào cùng thời kỳ này, họ sở hữu gần 10% khu công nghiệp của Brazil.
Bên cạnh thành công về mặt kinh doanh, họ còn gây ảnh hưởng đến chính trị. Mặc dù chỉ chiếm 4% tổng dân số của São Paulo nhưng từ năm 1982 đến 2017, hơn ⅓ thị trưởng thành phố có xuất thân là người Lebanon.
Chiến thắng của cộng đồng người Levantine ở Nam Mỹ tương tự những điều chúng ta thấy ở các nơi trên thế giới. Ở lục địa Mỹ, số lượng dân nhập cư tăng, tạo nên một hiện tượng kỳ lạ. Ở đó, nhóm dân nhập cư thành công hơn nhiều so với nhóm dân còn lại trong cùng thời điểm, cùng điều kiện. Điều gì đã khiến họ thành công như vậy?
Bí mật của người Lebanon
Nassim Taleb đưa ra một câu trả lời thú vị về cách tạo nên thành công của những người đồng hương với ông.
Ý tưởng là trong một khu vực, có những thứ thuộc về tự nhiên, thuộc về hữu cơ hoặc thuộc về sinh học. Đến một thời điểm, trong môi trường có tác nhân tạo nên áp lực, mọi thứ đều có phản ứng tốt hơn so với môi trường không có tác nhân. Nghịch cảnh sẽ tạo nên hiệu suất làm việc cao hơn.
Ở Levant, những cuộc đối đầu là điều bình thường. Đây là khu vực bị đe dọa bởi các cuộc xâm lược, thảm họa thiên nhiên và sự sụp đổ kinh tế. Trong điều kiện căng thẳng, buộc người dân phải cải tiến các công cụ để phát triển mạnh mẽ. Chuyển qua Brazil trong thời kỳ thay đổi chế độ, bất ổn kinh tế hay thậm chí là nội chiến, người Lebanon cũng phải đối mặt với những vấn đề quen thuộc này. Những điều đáng sợ đối với mọi người, nhưng với họ đó chỉ là một ngày bình thường. Từ đó đã tạo nên sự thịnh vượng trong thời kỳ hỗn loạn.
Điều này tương tự với khái niệm về khả năng cải thiện nghịch cảnh của Taleb. Do các yếu tố gây căng thẳng, sốc, biến động, tấn công,... đã khiến những vấn đề, những tổ chức tăng khả năng phát triển. Những nỗ lực xây dựng khả năng cải thiện nghịch cảnh đã giúp các công ty tồn tại qua cuộc khủng hoảng COVID-19.
Hệ quả của việc cải thiện nghịch cảnh
Mặc dù không ai mong muốn xảy ra những cuộc nội chiến, xâm lược, sụp đổ kinh tế hay thiên tai. Nhưng sự hiện diện của chúng trong lịch sử của người Lebanon đã tạo nên khả năng thích ứng, định hướng thành công cho các thế hệ tiếp theo. Một số điều chỉnh và kỹ năng:
1. Những người di cư Lebanon thường nói được ba thứ tiếng, họ được giáo dục bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Ả Rập.
2. Sự hỗn loạn về những cuộc nội chiến, chính trị (thường là tham nhũng) luôn đặt người Lebanon vào những tình huống mà họ cần phải ứng biến để kiếm tiền. Nếu bạn đã quen thuộc với ma trận về "Sự tác động và những khả năng xảy ra", hãy tưởng tượng điều mà thế giới nghĩ về những thảm họa hiếm gặp thì đối với người Lebanon, đó chỉ là những thảm họa xảy ra thường xuyên hoặc thậm chí chỉ là tai nạn bình thường.
3. Những nguy cơ về nguồn nhân lực hạn chế đã làm giảm kỹ năng giao tiếp của họ. Trong những năm xung đột giáo phái, các liên minh địa phương là yếu tố giúp các công dân, gia đình và toàn thể xã hội có thể tồn tại.
4. Bản tính từ bi của người Lebanon đã phát triển qua nhiều thế kỷ, thậm chí là hàng thiên niên kỷ. Chúng ta có thể thấy qua tổ tiên người Phoenicia của họ.
Người Lebanon thường khuyến khích người dân nâng cao giá trị của mình bằng cách áp dụng các yếu tố cần thiết trong giao dịch như kiểm soát tình trạng khan hiếm, đánh giá rủi ro có thể xảy ra. Điều này giải thích cho hoạt động nổi bật của người Lebanon trong các lĩnh vực tài chính, chính trị. Một người bán hàng rong trong khu chợ Beirut có thể khiến người Argentina và Brazil nhớ đến tổng thống Carlos Menem và Michel Temer. Cả hai vị tổng thống này đều có xuất thân là người Lebanon và là bậc thầy trong việc xây dựng các liên minh chính trị.
5. Lebanon là quốc gia của ba nền văn hóa. Họ học cách thu lợi từ các cơ hội được tạo ra bởi mối quan hệ giao thoa văn hóa. Trong suốt nhiều thế kỷ buôn bán dọc Địa Trung Hải, người Lebanon trở thành bậc thầy trong việc thích ứng với những nền văn hóa mới.
6. Thái độ chấp nhận rủi ro đã tạo động lực cho các doanh nghiệp quyết định đầu tư nước ngoài. Xuất thân từ một quốc gia có nhiều rủi ro về tự nhiên, xã hội và chính trị, người Lebanon đã phát triển các chiến lược phòng ngừa rủi ro để thu lợi trong thời kỳ khủng hoảng, đồng thời giảm thiểu rủi ro sẽ xảy ra. Đó đều là những ý tưởng lâu dài như: tích lũy tiền dự trữ lưu động, hoặc lập thêm kế hoạch B và C . Suy nghĩ chấp nhận rủi ro đã đưa họ đến những dự án đầy hứa hẹn ở các nước như Mexico, Brazil và Argentina.
Khalil Salim Haddad Aglamaz rời Lebanon đến Mexico vào năm 1902, để tránh phục vụ trong quân đội Ottoman. Trong ngôi nhà mới, ông bắt đầu kinh doanh cửa hàng tạp hóa ở thành phố Mexico. Ông đã dạy con trai Carlos của mình một bài học: hãy luôn chuẩn bị cho mình một khoản dự trữ để nắm lấy những cơ hội kinh doanh tốt. Lời khuyên mà chính Khalil đã sử dụng khi mua mảnh đất với giá rẻ trong thời điểm xảy ra cuộc cách mạng Mexico.
Đó là những gì Carlos Slim đã làm. Vào năm 1990, nhà nước Mexico đã bán công ty viễn thông Telmex với giá thấp vì thua lỗ tài chính. Slim là một trong số ít các nhà đầu tư có đủ nguồn lực, và thêm cả bản tính chấp nhận rủi ro nên ông đã quyết định mua lại nó. Công ty này sau đó đã trở thành "gã khổng lồ Claro". Carlos, con trai của chủ cửa hàng người Lebanon, đã trở thành một trong những người giàu nhất thế giới.
Mộc Dương
Theo ENT