Trong 12 tháng qua, thời gian dường như bị ai đó bấm nút tua vậy. Vèo một cái đã hết 12 tháng mất rồi. Tôi cảm thấy mình sắp không chịu nổi nữa rồi. Rất may sau đó, tôi đã đọc được một cuốn sách của giáo sư Michael Easter. Cuốn sách này nói về cách làm chậm thời gian mà không cần sử dụng những mánh khóe giả tạo. Michael đã dành thời gian phỏng vấn các nhà nghiên cứu của Harvard, các Đức Lạt ma, các nhà di truyền học người Iceland và những người lính đặc nhiệm SEAL. Tất cả các cuộc phỏng vẫn đó là nền tảng để ông viết nên cuốn sách "The Comfort Crisis".
Michael từng nói như thế này: "Một khi chúng ta đã làm đi làm lại một việc gì đó, thì đầu óc của chúng ta không còn sáng suốt nữa".
Đó là cách ông giải thích về chuyện chúng ta có cảm giác thời gian trôi qua quá nhanh.
Người ta vẫn hay nói làm đi làm lại là cách tốt nhất để hoàn thiện một kỹ năng. Nhưng sự lặp lại có thể khiến bạn tự mặc định rằng thời gian đang trôi qua quá nhanh. Thói quen là một thứ rất hữu ích nhưng khi bạn không thay đổi chúng, bạn sẽ chẳng khác gì một con robot tự động làm việc.
Có lẽ bạn đã trải qua cảm giác này. Bạn lên xe. Bạn lái xe đi làm. Bạn đi lên thang máy và đến bàn làm việc của mình. Sau đó, bạn nghĩ: "Thế quái nào mà mình lại đến được đây. Mình đã lái xe đến đây ư? Sao mình không nhớ nhỉ."
Đó không khác gì một cơ chế tự động. Thói quen của bạn ăn sâu vào tâm trí của bạn đến mức các bước nhỏ nhưng cần thiết bạn đều bỏ qua. Nếu bạn là người chú trọng vào năng suất thì có lẽ bạn rất thích điều này. Nhưng nếu bạn muốn tận hưởng cuộc sống, thì đó không hẳn là một chuyện tốt.
Bạn muốn làm được nhiều việc hơn hay bạn muốn thời gian sống của mình dài hơn?
Mặt tối của thói quen
Thực tế, thói quen chưa hẳn là "đồ" tốt. Thói quen vẫn có những mặt tối mà chưa một ai nói đến. Giáo sư khoa học thần kinh David Eagleman là một người nghiện nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến thói quen. Tôi đã lướt qua hàng loạt nghiên cứu của ông để tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi tại sao tôi lại có cảm giác thời gian trôi nhanh hơn. Và đây là câu trả lời của ông: "Ký ức càng chi tiết thì thời gian dường như càng được kéo dài hơn."
Thế giới càng trở nên quen thuộc, bộ não của bạn càng ghi ít thông tin hơn và thời gian dường như trôi qua nhanh hơn.
Bộ não của bạn không khác gì một chiếc máy tính siêu cấp. Nó cũng có một ổ cứng. Những thói quen học tập tốt khiến não của bạn thu thập ít thông tin hơn. Hay nói cách khác não của bạn có cơ chế tự động chọn lọc những thông tin cần thiết và loại bỏ những thông tin khác. Khi bộ não của bạn thu thập ít thông tin hơn đồng nghĩa với việc đồng hồ sinh học của bạn sẽ khiến thời gian có vẻ như trôi nhanh hơn.
Thu thập các điểm dữ liệu từ những trải nghiệm của cuộc sống sẽ làm cho hình ảnh chân thực của bạn sâu sắc hơn, có ý nghĩa hơn và có cảm giác thời gian trôi lâu hơn.
Cách tắt chế độ tự động và làm thời gian chậm lại trong nhận thức của bạn
Khi cuộc sống của tôi trở nên nhàm chán vì thời gian có vẻ như đang trôi qua quá nhanh. Những lúc như vậy, tôi thường cố gắng tìm kiếm một thứ mà tôi gọi là "dấu mốc cuộc đời".
Tôi đã học được phương pháp này từ chương trình truyền hình Seinfeld. Khi chương trình đang trên đỉnh cao, Jerry Seinfeld đã quyết định kết thúc tất cả. Mọi người hoàn toàn bị sốc bởi quyết định đó. Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu, Jerry muốn tạo ra một dấu mốc trong cuộc đời mình. Ông muốn nghỉ việc trong khi mọi thứ vẫn tốt đẹp.
Tôi lấy ý tưởng này và áp dụng nó vào cuộc sống của mình. Tôi từ bỏ những mối quan hệ lãng mạn khi chúng đang còn tốt đẹp. Tôi từ bỏ cuộc sống trong một ngôi nhà mà tôi đã rất thích thú khi được ở đó. Tôi đã nghỉ việc khi đạt doanh thu cao nhất tháng. Tôi từ bỏ tình bạn tốt đẹp khi chúng còn mãnh liệt nhất. Và không phải lúc nào tôi cũng rạch ròi về những gì tôi đang làm. Tôi đã nghĩ rằng mình đã làm đúng nhưng rất may Michael Easter đã kịp dội lên đầu tôi một gáo nước lạnh và giúp tôi tỉnh táo lại. Với Michael Easter dấu mốc cuộc đời không phải vậy.
Cuộc sống trở nên nhàm chán khi thời gian trôi qua quá nhanh. Cách tốt nhất để ngắt chế độ tự động này là đặt một dấu mốc cuộc đời. Đó là bỏ các thói quen cũ và bắt đầu những thói quen mới, ngay cả khi bạn nó đang giúp bạn đứng trên đỉnh cao. Bạn phải làm và học những điều mới để phá vỡ chuỗi "công thức" hiện tại của bạn. Đó là cách giúp giúp bạn có thể khiến thời gian chậm lại trong nhận thức và bước vào một giai đoạn mới.
Hãy bỏ một thói quen cũ. Và đặt một dấu mốc cho cuộc đời mình.
Mộc Dương
Theo MD