vĐồng tin tức tài chính 365

Có là nghịch lý thì vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu nông sản

2021-06-26 19:44

Có là nghịch lý thì vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu nông sản

Nguyễn Đình Bích

(KTSG) - Trong bài viết Nguồn lực ưu tiên không đúng chỗ - nông sản cần giải cứu triền miên, đăng trên Kinh tế Sài Gòn số ra ngày 3-6-2021, tác giả Bùi Trinh đã có đóng góp mới về việc định hướng chính sách phát triển nông nghiệp khiến không chỉ các nhà quản lý, mà hết thảy những ai quan tâm đến khu vực kinh tế tạo nền tảng ổn định cho đất nước phát triển cũng phải suy ngẫm. Thế nhưng, vị tất thị trường nông sản trong nước có thể giúp nông nghiệp phát triển mạnh hơn trong những năm tới?

Một vùng trồng thanh long ở Long An. Ảnh: H.P

Cái lý của “nghịch lý”

Trước hết, theo như tác giả, “trong khi tiêu dùng sản phẩm nông, thủy sản trong nước lan tỏa đến giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm hơn xuất khẩu, nhưng hầu như mọi chính sách đều hướng tới xuất khẩu..., nhóm ngành lan tỏa đến giá trị tăng thêm thấp nhất trong các yếu tố của cầu cuối cùng”.

Cho dù đó có là nghịch lý đi chăng nữa, nhưng tăng tốc xuất khẩu nông sản là để mở rộng đầu ra tương ứng với sự phát triển trong những năm qua của ngành nông nghiệp.

Các số liệu thống kê cho thấy, xu thế tăng tiêu dùng nông sản trong nước đã tăng chậm dần rất rõ ràng, nên gia tăng xuất khẩu giữ vai trò ngày càng lớn trong việc giải tỏa đầu ra cho nông dân.

Cụ thể, nếu căn cứ vào tỷ trọng của nhóm hàng lương thực, thực phẩm trong “rổ hàng hóa tiêu dùng” trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng và số liệu thống kê xuất khẩu hàng nông sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì có thể thấy, tiêu dùng trong nước trong thập kỷ trước tăng từ 96 đô la Mỹ/người/năm lên 432 đô la/người năm, tức là tăng bình quân 16,2%/năm, còn ba con số tương ứng trong xuất khẩu nông sản là 51 đô la, 221 đô la và 15,8%. Đến năm 2020, tiêu dùng trong nước chỉ đạt 800 đô la/người, chỉ tăng 6,4%/năm, còn xuất khẩu đạt 435 đô la/người, tăng bình quân 6,9%/năm.

Trong những năm tới, thị trường trong nước chắc chắn không thể có đột biến, vì dù là thị trường với gần 100 triệu dân, nhưng chúng ta vẫn chỉ đứng trong nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp, đồng nghĩa với sức mua vẫn còn rất thấp.

Trong điều kiện đó, nếu chuyển hướng chính sách tới nhân tố cầu tiêu dùng nông sản trong nước, đồng nghĩa với việc không tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, thì e rằng vấn đề tiêu thụ nông sản sẽ rơi vào bế tắc, bởi thị trường trong nước chắc chắn sẽ lại rất nhanh chóng đầy ắp, giá cả chắc chắn sẽ lại “tụt dốc không phanh” có lẽ là hậu quả không thể tránh khỏi.

Cái khó là bài toán hiệu quả xuất khẩu nông sản

Có thể khẳng định việc giải bài toán nâng cao hiệu quả xuất khẩu nông sản, cho đến nay, vẫn là “khúc xương khó gặm”, bởi vô vàn những lý do khác nhau.

Trước hết, xét trên bình diện toàn cầu, với diện tích đất nông nghiệp chỉ đứng thứ 57 thế giới, còn dân cư khu vực nông thôn đứng thứ 8, cho nên xếp theo diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người thì chúng ta chỉ đứng thứ 164 thế giới. Trong điều kiện như vậy, hai số liệu thống kê khác của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy tuy “rổ giá trị gia tăng nông, lâm nghiệp và thủy sản” của nước ta năm 2019 đạt 36,55 tỉ đô la Mỹ (theo giá hiện hành), đứng thứ 14 thế giới, nhưng bình quân người lao động chỉ đạt 1.313 đô la (theo giá cố định năm 2010), đứng thứ 131.

Trong khi đó, theo các số liệu tổng điều tra nông, lâm nghiệp và thủy sản của Việt Nam, ở thời điểm năm 1994, tổng số hộ khu vực nông thôn là 9,53 triệu và năm 2016 vẫn còn 9,28 triệu hộ, tức là sau hơn hai thập kỷ chỉ giảm 250.000 hộ, tương ứng 2,6%. Đây đương nhiên là nguyên nhân khiến cho quy mô sử dụng đất nông nghiệp bình quân mỗi hộ tuy tăng 16,5%, nhưng con số tuyệt đối thì cũng chỉ là 5.805 mét vuông so với 4.984 mét vuông.

Trong điều kiện lực lượng sản xuất như vậy, cho đến nay, nói như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thị trường trong nước của chúng ta cho đến nay vẫn còn trong tình trạng “trồng mù, bán mù, mua mù” (mù ở đây là mù thông tin). Có thể nói, cho đến năm 2018, Trung Quốc vẫn là thị trường chấp nhận tình trạng “mua mù” đối với không ít nông sản của nước ta, nhưng sang năm 2019, khi nước này bắt đầu thay đổi chính sách thì không ít nông sản của chúng ta lao đao.

Rõ ràng, cho dù đến nay Việt Nam đã có những vùng nông sản nguyên liệu là nền tảng không thể thiếu, nhưng “xóa mù” đối với hàng nông sản là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Bởi lẽ, để xây dựng được cơ sở dữ liệu thông tin về nông sản, có cả núi công việc phải giải quyết. Đó là, liên kết được hàng trăm, hàng ngàn, còn trên quy mô cả nước thì là hàng triệu hộ nông dân trong những mô hình liên kết ngang để sản xuất hàng nông sản theo những quy trình sản xuất tiến bộ, để bảo đảm sản xuất ra những nông sản chất lượng và từ đó xây dựng các chuỗi liên kết dọc, tạo ra những chuỗi cung ứng nông sản bền vững cho cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.  

Tựu trung lại, thay vì mạnh ai nấy làm, tốt xấu lẫn lộn, cải tổ hệ thống tổ chức sản xuất, thiết lập các chuỗi cung ứng để bảo đảm cung ứng cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu những nông sản an toàn là chìa khóa để nông nghiệp có thể tiếp tục phát triển mạnh, đồng nghĩa với nỗ lực để gia tăng thu nhập vẫn còn rất “hẻo” của nông dân trong những năm tới.

Xem thêm: lmth.nas-gnon-uahk-taux-hnam-yad-cut-peit-iahp-nav-iht-yl-hcihgn-al-oc/946713/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Có là nghịch lý thì vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu nông sản”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools