IMF lên kế hoạch phân bổ 650 tỉ đô la để giúp các nước nghèo chống đại dịch Covid-19
Khánh Lan
(KTSG) – Trong cuộc họp hôm 25-6, Hội đồng điều hành của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhất trí ủng hộ phát hành tài sản dự trữ ngoại hối, hay còn gọi là Quyền rút vốn đặc biệt (SDR- Special Drawing Rights ) trị giá kỷ lục 650 tỉ đô la, để phân bổ cho các nước thành viên. Mục đích chính là để các nước nghèo có thêm nguồn lực tài chính để chống chọi đại dịch Covid-19, dù rằng trên thực tế, các nước thành viên giàu của IMF sẽ nhận được phần lớn SDR nói trên do tỷ lệ đóng góp vốn của họ cho IMF cao hơn.
Hội đồng điều hành của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhất trí ủng hộ phát hành Quyền rút vốn đặc biệt, trị giá kỷ lục 650 tỉ đô la, để phân bổ cho các nước thành viên. Ảnh: Affairs Cloud. |
Kế hoạch phát hành SDR có quy mô lớn nhất trong lịch sử IMF
Văn phòng báo chí IMF ra tuyên bố xác nhận kế hoạch phát hành và phân bổ SDR được thảo luận vào hôm 25-6. Các nguồn tin cho biết tất cả 24 thành viên của Hội đồng điều hành IMF từ các nước thành viên và Giám đốc IMF, Kristalina Georgieva đều ủng hộ kế hoạch này.
Người phát ngôn IMF, Gerry Rice nói rằng kế hoạch phân bổ tài sản dự trữ mới của IMF có quy mô lớn nhất trong lịch sử với mục đích giúp đỡ các thành viên dễ bị tổn thương chống đại dịch Covid-19 và cú suy sụp kinh tế do đại dịch này.
Tính đến nay, IMF mới phân bổ tổng cộng 204,2 tỉ SDR, tương đương 285 tỉ đô la. Năm 2009, IMF phát hành SDR với trị giá tổng cộng 250 tỉ đô la để hổ trợ các nước thành viên ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Kế hoạch trên vẫn còn cần sự tán thành cuối cùng của Hội đồng Thống đốc IMF, bao gồm các đại diện, thường là Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của 190 nước thành viên IMF. Trước đây, bà Georgieva nói rằng bà kỳ vọng Hội đồng thống đốc IMF sẽ phê duyệt kế hoạch trong tháng 8.
Vì SDR sẽ được chia cho các thành viên dựa vào tỷ lệ đóng góp vốn của họ cho IMF, nên các nước giàu sẽ nhận được phần lớn SDR nếu kế hoạch trên được thông qua. Theo tính toán của Bộ Tài chính Mỹ, các nước có thu nhập thấp sẽ được số SDR trị giá 21 tỉ đô la. Các nước mới nổi và đang phát triển, không bao gồm Trung Quốc, sẽ nhận được số SDR tương đương 212 tỉ đô la. Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh sẽ nhận được gần 50% SDR mới.
Theo phân tích của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc, 58 nước có thu nhập cao sẽ nhận được số SDR, tương đương 438 tỉ đô la. Tuy nhiên, các nước nghèo có thể nhận được nhiều hơn nếu các nước giàu quyết định hiến tặng một phần SDR mới của họ.
Các nhà phân tích ở Ngân hàng Citigroup ước tính nếu nhận được SDR mới từ IMF, nguồn dự trữ ngoại hối của Zambia sẽ tăng gấp đôi, còn mức tăng này của Zimbabwe sẽ hơn 6 lần. Dự trữ ngoại hối của các nước như Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Sri Lanka , Nam Phi, Pakistan và Nigeria sẽ tăng thêm 10-20% sau khi được IMF phân bổ SDR mới.
Các nước giàu sẽ phân bổ lại SDR cho các nước nghèo?
IMF xem phương án phát hành SDR mới là cách nhanh nhất để cung cấp nguồn lực tài chính cho những nước cần chúng trong đại dịch Covid-19, cho dù phần lớn SDR sẽ được phân phối cho các nước giàu. Các khoản cho vay của IMF thường mất rất nhiều thời gian đàm phán và kèm theo nhiều điều kiện. Một số nước nghèo có thể không muốn vay tiền của IMF vì lo ngại điều này sẽ tạo ra cảm nhận tiêu cực ở giới đầu tư.
IMF cho biết đang xây dựng các phương án để các nước giàu cho vay hoặc hiến tặng SDR mới cho các nước thu nhập thấp và đang bị tổn thương trong đại dịch Covid-19.
Các bộ trưởng tài chính của nhóm G7 nói rằng họ đang xem xét cách để các nước giàu có thể tự nguyện chuyển SDR của họ để hỗ trợ các nước thu nhập thấp. Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Janet Yellen kêu gọi nhóm các nền kinh tế lớn G20 chuyển số SDR dư thừa của họ cho các nước nghèo.
Hồi tháng 4, nhóm các nền kinh tế lớn G20 cũng đã tán thành kế hoạch phát hành SDR của IMF để hỗ trợ các nước nghèo giữa lúc các nền kinh tế phát triển phục hồi nhanh hơn từ đại dịch.
Một đề xuất đang được đưa vào một tài liệu thảo luận của Liên Hợp Quốc là các nước giàu chuyển số SDR không cần sử dụng của họ vào một quỹ tín dụng mới để cung cấp cho các nước thành viên khác đang cần chúng, hoặc chuyển vào các quỹ hiện tại của IMF như Quỹ tín dụng Tăng trưởng và giảm đói nghèo (PRGT), Cơ chế Ngăn chặn và Cứu trợ Thảm họa (CCRT). Theo IMF, khoảng 2/3 trong số các khoản cho vay không tính lãi suất trị giá 24 tỉ đô la của PRGT để giúp các nước chống chọi cuộc khủng hoảng hiện tại, đến từ việc sử dụng các SDR.
Tại Hội nghị cấp cao của Khối các cường quốc công nghiệp G7 ở Anh trong tháng này, các lãnh đạo đã hoan nghênh đề xuất phát hành SDR mới của IMF, đồng thời kêu gọi các thành viên phân bổ lại số SDR trị giá 100 tỉ đô la để hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch dưới hình thức hiến tặng hoặc cho vay.
Một quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết sẵn sàng đóng góp 1/5 số SDR nhận được từ IMF, tương đương 20 tỉ đô la, để hỗ trợ các nước nghèo. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang thuyết phục các thành viên khác của nhóm G7 đóng góp ở mức tương tự.
IMF phát hành SDR cho các Ngân hàng Trung ương của các nước thành viên như là tài sản dự trữ, có thể hoán đổi ra các ngoại tệ mạnh với Ngân hàng Trung ương khác. Phần lớn các Ngân hàng Trung ương sẽ tự nguyện thực hiện sự hoán đổi này. Nếu không tự nguyện, IMF sẽ ra sắc lệnh yêu cầu Ngân hàng Trung ương liên quan phải chấp nhận SDR. Trị giá của SDR được thiết lập hàng ngày dựa trên một rổ 5 ngoại tệ mạnh: đô la Mỹ (chiếm tỉ trọng 42%), euro (31%), nhân dân tệ (11%), yên Nhật (8%), bảng Anh (8%). Việc phân bổ SDR mới sẽ được tiến hành rất nhanh sau khi nhận được sự ủng hộ của ít nhất 85% tổng số phiếu từ Hội đồng thống đốc IMF . Năm 2009, IMF chính thức đề xuất phân bổ SDR lên Hội đồng Thống đốc IMF vào đầu tháng 6 và đến cuối tháng 8, các nước thành viên nhận được SDR. |
Theo Reuters, Bloomberg