Chuyện lạ trái phiếu của ngân hàng
Thụy Lê
(KTSG) - Vì sao lại có nhà đầu tư chấp nhận mua trái phiếu của ngân hàng với lãi suất phát hành rẻ đến thế, chỉ bằng hoặc thậm chí thấp hơn trần lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn dưới sáu tháng. Phải chăng lợi ích về tài chính không phải là mục tiêu chính của các nhà đầu tư này?
VPBank đã có 15 đợt phát hành trái phiếu với trị giá 8.900 tỉ đồng. Ảnh: HỒNG TÂN |
Lãi suất phát hành trái phiếu thấp kỷ lục
Sau giai đoạn trầm lắng trong quí 1-2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trở nên sôi động trở lại từ đầu quí 2. Số liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho thấy, trong tháng 5-2021 có 46 đợt phát hành TPDN riêng lẻ trong nước với tổng giá trị phát hành 28.410 tỉ đồng, trong đó nhóm ngân hàng tiếp tục dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 18.485 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng vượt trội hơn 65%.
Theo đó, chỉ trong hai tháng đầu quí 2 các ngân hàng đã phát hành tổng cộng 33.674 tỉ đồng, trong đó có 5.574 tỉ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2, còn lại phần lớn trái phiếu tổ chức tín dụng phát hành có kỳ hạn 2-3 năm, với lãi suất thấp chỉ từ 3,7-4,2%/năm. Các ngân hàng phát hành nhiều nhất có thể kể đến như VPBank 15 đợt với giá trị 8.900 tỉ đồng, TPBank sáu đợt với 5.000 tỉ đồng, ACB ba đợt 5.000 tỉ đồng và VIB ba đợt 4.000 tỉ đồng.
Hai ngân hàng có thể thỏa thuận đầu tư trái phiếu kỳ hạn 2-3 năm lẫn nhau thông qua ủy thác vốn cho các tổ chức khác để giúp tăng nguồn vốn trung, dài hạn, đồng thời cùng nhau chấp nhận lãi suất phát hành ở mức thấp hơn tiền gửi để kéo giảm chi phí vốn đầu vào. |
Nhưng điều đáng chú ý nhất không phải là lượng trái phiếu phát hành nhiều hay ít, mà là mức lãi suất phát hành thấp kỷ lục ở các trái phiếu kỳ hạn 2-3 năm của một số ngân hàng.
Như TPBank có ba đợt phát hành trái phiếu kỳ hạn ba năm với tổng giá trị 2.600 tỉ đồng, lãi suất 3%; 3,8%; 4,1%/năm. SHB hôm 18-5 phát hành 1.000 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn hai năm với lãi suất cố định 3,8%/năm.
Trước đó vào tháng 4, VIB cũng đã có đợt phát hành 1.000 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn ba năm, lãi suất 4%/năm; ACB phát hành 2.000 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn ba năm cùng ở mức lãi suất 4%/năm.
Điểm ngạc nhiên thứ nhất là vì sao có nhà đầu tư chấp nhận mua với lãi suất phát hành rẻ đến thế, chỉ bằng hoặc thậm chí thấp hơn trần lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn dưới sáu tháng hiện nay và cách xa mức lãi suất 6-7% đối với tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Phải chăng lợi ích về tài chính không phải là mục tiêu chính của các nhà đầu tư này?
Thứ hai là trong khi các ngân hàng lớn khác như BIDV, VietinBank đang phát hành trái phiếu kỳ hạn dài để tăng vốn tự có với lãi suất theo bình quân thị trường 6,5-7%/năm, thì vì đâu mà nhóm các ngân hàng nhỏ hơn lại có lợi thế phát hành với chi phí vốn thấp hơn đáng kể, dù kỳ hạn không phải là quá chênh lệch?
Ai là người mua?
Quan sát cho thấy người mua trái phiếu trong các đợt phát hành vừa qua của các ngân hàng chủ yếu là các công ty chứng khoán (CTCK), vốn đáp ứng được điều kiện là nhà đầu tư chuyên nghiệp để có thể tham gia các đợt phát hành riêng lẻ. Thật ra, việc các CTCK chấp nhận mua trái phiếu với lãi suất thấp như trên cũng mang lại nhiều gợi ý.
Thứ nhất, trong bối cảnh thị trường chứng khoán vẫn đang diễn biến thuận lợi và tăng trưởng tích cực, vì sao các tổ chức này không dành vốn để tự doanh kiếm thêm lợi nhuận hoặc cho vay ký quỹ với lãi suất cao hơn rất nhiều? Phải chăng các tổ chức này nhìn nhận triển vọng sắp tới của thị trường chứa đựng nhiều rủi ro hơn so với lợi nhuận kỳ vọng, nên chuyển dịch bớt nguồn vốn sang các tài sản an toàn có thu nhập cố định như trái phiếu?
Nếu nhìn vào các động thái thoái vốn liên tiếp từ cuối năm ngoái đến nay của các CTCK tại các doanh nghiệp niêm yết trên sàn, nhằm tận dụng diễn biến thị trường đang tăng tốt, nghi ngờ trên không phải là thiếu cơ sở. Ngoài ra, với nguồn vốn chủ sở hữu tăng mạnh nhờ hàng loạt thương vụ phát hành thêm cổ phiếu, cũng như nguồn vốn huy động thông qua các sản phẩm hợp tác đầu tư với khách hàng, cũng giúp các CTCK càng dồi dào vốn để đa dạng hóa lựa chọn đầu tư.
Cần nói thêm, trường hợp vốn dư thừa, nếu lựa chọn gửi tiết kiệm dài hạn lãi suất tuy cao hơn nhưng nếu khi cần vốn buộc phải rút trước hạn thì lãi suất sẽ tính theo không kỳ hạn, ở mức 0-0,2%. Trong khi đó, các CTCK thường phải sử dụng vốn linh hoạt chạy theo diễn biến của thị trường chứng khoán. Do đó, lựa chọn mua trái phiếu, dù lãi suất thấp, nhưng có lẽ hợp lý hơn, vì cho phép nhóm này được bán lại cho tổ chức phát hành hoặc chuyển giao cho các nhà đầu tư khác với lợi ích không bị sứt mẻ quá lớn.
Đáng lưu ý, một số trường hợp cho thấy các CTCK mua trái phiếu ngân hàng cũng có mối liên hệ trực tiếp với ngân hàng phát hành hoặc lãnh đạo các ngân hàng này. Đơn cử như người mua trái phiếu SHB là hai CTCK trong nước và tổ chức tư vấn, đại lý phát hành và tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu đều là CTCK Sài Gòn - Hà Nội. Hay như người mua trái phiếu TPBank là hai CTCK và tổ chức đăng ký và lưu ký trái phiếu TPBank là Công ty cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (TPS),...
Cuộc chơi nhiều toan tính
Ngoài những lý do về khả năng thừa vốn và đa dạng hóa đầu tư như đã kể trên, không loại trừ khả năng các ngân hàng đang ủy thác vốn cho các CTCK để đầu tư trái phiếu chéo lẫn nhau, nhằm đẩy nguồn vốn trung, dài hạn tăng lên về mặt sổ sách, nhất là khi nhu cầu sử dụng vốn trung, dài hạn của các ngân hàng tư nhân có thế mạnh về bán lẻ luôn rất lớn, trong khi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn ngày càng bị thắt chặt và sẽ tiếp tục giảm từ 40% về còn 37% kể từ đầu tháng 10 tới.
Trong khi đó, nguồn vốn trung, dài hạn của các ngân hàng hiện nay chủ yếu nằm ở vốn chủ sở hữu, giấy tờ có giá và tiền gửi dài hạn, nhưng phần lớn cũng chỉ là tiền gửi kỳ hạn 12-13 tháng. Với quy định tính theo kỳ hạn còn lại, các khoản tiền gửi 12-13 tháng sau đó sẽ sớm bị loại ra khỏi nguồn vốn trung, dài hạn khi tính các tỷ lệ an toàn, do đó nhu cầu huy động vốn trung, dài hạn luôn thường trực tại các ngân hàng.
Cũng cần biết rằng với các trái phiếu phát hành kỳ hạn từ năm năm trở lên, các ngân hàng phát hành sẽ được tính vào vốn tự có cấp 2, nhưng đối với những ngân hàng nào mua lượng trái phiếu này đồng nghĩa với việc phải tự loại trừ giá trị vốn đã bỏ ra mua khỏi vốn tự có cấp 2 của mình. Quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo và hỗ trợ lẫn nhau để tăng vốn ảo của các ngân hàng.
Tuy nhiên, trong trường hợp trái phiếu kỳ hạn dưới năm năm thì sẽ không bị ảnh hưởng bởi quy định trên. Theo đó, các ngân hàng có thể mạnh dạn đầu tư vào trái phiếu phát hành kỳ hạn 2-3 năm của ngân hàng khác mà không sợ làm giảm vốn tự có. Vì vậy, hai ngân hàng có thể thỏa thuận đầu tư trái phiếu kỳ hạn 2-3 năm lẫn nhau thông qua ủy thác vốn cho các tổ chức khác để giúp tăng nguồn vốn trung, dài hạn, đồng thời cùng nhau chấp nhận lãi suất phát hành ở mức thấp hơn tiền gửi để kéo giảm chi phí vốn đầu vào.
Trong quá khứ đã từng chứng kiến việc các CTCK, dù mang danh là đầu tư trái phiếu ngân hàng, nhưng thực tế các công ty này chỉ là trung gian, tham gia mua trên thị trường sơ cấp để bán lại trên thị trường thứ cấp, và ngân hàng mới là người mua cuối cùng. Rõ ràng nhìn vào khả năng tạo lợi nhuận khi đầu tư vào cổ phiếu và cho vay ký quỹ của các CTCK, thật khó có lý do để họ sẵn sàng chấp nhận đầu tư trái phiếu với lãi suất thấp như thế.
Cuối cùng, nếu thật sự có tình trạng các ngân hàng sở hữu chéo các trái phiếu của nhau, điều này về bản chất đã làm sai lệch quy mô nguồn vốn trung, dài hạn trong hệ thống các tổ chức tín dụng, giảm hiệu quả của chính sách điều hành, cũng như tạo ra cung - cầu ảo về hoạt động phát hành và đầu tư trái phiếu, khiến thị trường này bị méo mó khó đoán định.
Xem thêm: lmth.gnah-nagn-auc-ueihp-iart-al-neyuhc/646713/nv.semitnogiaseht.www