Sau hơn một năm rưỡi hoành hành, đại dịch COVID-19 đã lấy đi sinh mạng của hơn 3,9 triệu người trong số hơn 181,2 triệu ca nhiễm.
Dù còn nhiều điều chưa rõ ràng, giới khoa học thế giới thống nhất rằng các giọt bắn mang virus SARS-CoV-2 từ người nhiễm là một trong những đường lây. Việc hạn chế tiếp xúc, cách ly nguồn lây được coi là yêu cầu hàng đầu để chặn đứng chuỗi lây nhiễm.
Điều trị tại nhà - giảm áp lực cho hệ thống y tế
Theo bác sĩ April Baller, chuyên gia kiểm soát bệnh truyền nhiễm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một bệnh nhân COVID-19 có thể được điều trị tại nhà nếu người đó có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, đồng thời không có bệnh lý nền.
Bà Baller cũng lưu ý, trường hợp hệ thống y tế chịu áp lực lớn do số ca nhiễm tăng đột biến thì cách ly và điều trị người nhiễm tại nhà là giải pháp có thể áp dụng.
Hướng dẫn của WHO được các nước áp dụng ở các mức độ khác nhau. Các nước châu Âu, Mỹ, Anh, Trung Quốc, New Zealand... đều cho phép người nhiễm không triệu chứng điều trị tại nhà và chỉ yêu cầu điều trị tập trung đối với các ca bệnh nặng. Riêng Trung Quốc bắt buộc bệnh nhân phải nhập viện ngay nếu có triệu chứng, trong khi các nước còn lại trong nhóm này không yêu cầu các ca bệnh có triệu chứng nhẹ phải nhập viện.
Singapore phản ứng ở mức cao hơn, yêu cầu tất cả các ca nhiễm phải cách ly và điều trị trong bệnh viện. Đài Loan hay Campuchia từng có quy định tương tự nhưng đã lần lượt cho phép các ca bệnh nhẹ được điều trị tại nhà để giảm áp lực lên hệ thống y tế, sau khi số ca nhiễm tăng vọt do sự lây lan của biến thể Delta.
Một phòng chăm sóc đặc biệt điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm Các bệnh truyền nhiễm Singapore. Ảnh: THE STRAITS TIMES
Hôm 24-6, chính quyền Singapore đã công bố kế hoạch về cuộc sống “bình thường mới” theo hướng “sống chung với dịch” khi hơn 36% dân số được tiêm đủ hai liều vaccine, các ca bệnh nhẹ cũng sẽ được phép điều trị tại nhà.
Bác sĩ Baller nhấn mạnh rằng yêu cầu tiên quyết của việc khi điều trị tại nhà là bệnh nhân phải ở một khu vực riêng, thông thoáng và tách biệt với không gian sinh hoạt của các thành viên khác cùng nhà, cũng như hạn chế di chuyển trong nhà.
Bệnh nhân chỉ được xuất viện hoặc kết thúc giai đoạn điều trị tại nhà khi đã bình phục hoàn toàn và hai lần liên tiếp cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.
Hai “trường phái” về cách ly, xét nghiệm F1
Bên cạnh việc điều trị các ca nhiễm, WHO nêu rõ rằng “truy vết tiếp xúc là một chiến lược quan trọng để cắt đứt chuỗi lây truyền virus SARS-CoV-2 và giảm tỉ lệ tử vong do COVID-19”.
Trong tài liệu hướng dẫn hôm 25-6, WHO tiếp tục khuyến cáo rằng tất cả các trường hợp tiếp xúc với người nhiễm cần được cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà. WHO xác định các trường hợp tiếp xúc gần (F1) là người tiếp xúc trực diện với người nhiễm trong khoảng cách 1 m (trong khi nhiều nước quy định là 2 m) và từ 15 phút trở lên, người có tiếp xúc vật lý như ôm, hôn, sử dụng chung đồ dùng cá nhân… hoặc chăm sóc ca nhiễm mà không trang bị bảo hộ phù hợp.
Trung tâm Penny Bay (Hong Kong) dành riêng cho những người cách ly y tế vì COVID-19. Ảnh: SCMP
Đài Loan và các nước Mỹ, Anh, Nam Phi… hướng dẫn tất cả các ca F1 cách ly tại nhà. Quy định cách ly với F1 cũng tương tự hoặc được nới lỏng không đáng kể so với quy định với người nhiễm điều trị tại nhà. Trong khi đó, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, New Zealand… triển khai các trung tâm cách ly tập trung cho các trường hợp F1 thuộc nhóm nguy cơ cao.
Hai nhóm trên còn khác nhau về quy định xét nghiệm cho trường hợp F1. Mỹ, Anh, Nam Phi không bắt buộc xét nghiệm đối với người cách ly không có triệu chứng nhưng những người này có thể chủ động xét nghiệm để giảm thời gian cách ly. Trung Quốc, Singapore, New Zealand xét nghiệm một đến hai lần để xác nhận kết thúc cách ly.
Tuy nhiên, điểm chung là các nước đều yêu cầu người F1 tự cách ly tại nhà giữ liên lạc với các lực lượng y tế để đảm bảo tuân thủ quy định cách ly và cập nhật thân nhiệt và tình trạng sức khỏe hằng ngày.
Chuyên gia nói về quy định cách ly cả nhà F1 ở Singapore Hôm 30-5, Singapore ban hành quy định bắt buộc cả hộ gia đình cách ly tại nhà nếu có một thành viên là trường hợp F1, để đối phó với tình trạng lây nhiễm gia tăng trong không gian gia đình, kênh Channel New Asia cho hay. GS Dale Fisher, cố vấn cấp cao tại khoa bệnh truyền nhiễm của bệnh viện Đại học Quốc gia (NUH, Singapore), cho rằng đây là một cách tiếp cận “rất thông minh và có mục đích cụ thể”. GS Teo Yik Ying, Hiệu trưởng trường Y tế công cộng Saw Swee Hock (thuộc Đại học Quốc gia Singapore), cũng tán thành cách tiếp cận này. Ông Teo lý giải rằng biến thể Delta đang làm thời gian ủ bệnh ngắn đi nên nếu một đối tượng F1 vô tình bị nhiễm COVID-19, các thành viên trong gia đình có thể bị nhiễm bệnh và sau đó, cùng trở thành nguồn lây trước khi ngành y tế phát hiện các chuỗi lây nhiễm liên quan. Tuy nhiên, ông Teo hy vọng rằng đây chỉ là biện pháp tạm thời và sẽ được dỡ bỏ khi tỉ lệ dân số Singapore được tiêm vaccine ngừa COVID-19 “đủ cao”. GS Teo cũng chỉ ra thách thức từ việc các gia đình cách ly theo quy định này sẽ gặp nhiều bất tiện do hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác từ bên ngoài. Đặc biệt, giới chức Singapore cần thuyết phục người dân đồng ý thực hiện do biện pháp này không được pháp luật quy định - GS Fisher lưu ý. Còn GS Paul Tambyah, chủ tịch Hiệp hội Lâm sàng vi sinh và bệnh truyền nhiễm châu Á - Thái Bình Dương (APSCMI), lo ngại quy định bị siết chặt như vậy có thể khiến một số thành viên trong gia đình F1 miễn cưỡng hoặc từ chối cách ly do lo ngại mất việc. |