Chiều 27-6, Sở Công Thương TP HCM ban hành phương án điều tiết hàng hóa trong trường hợp tạm dừng các hoạt động tập kết giao hàng trực tiếp tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Riêng đối với các mặt hàng tươi sống (gia súc, gia cầm), Sở Công thương yêu cầu các chuỗi cung ứng của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Công ty TNHH San Hà, Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan), Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty TNHH Anh Hoàng Thy, Công ty TNHH Fredy… với hơn 112 cửa hàng chuyên cung ứng các mặt hàng gia súc, gia cầm triển khai phương án bổ sung dự trữ hàng hóa tại các điểm bán, tăng cường nhân sự, liên tục đưa hàng lên kệ, tăng thời gian phục vụ, đảm bảo cung ứng thực phẩm cho người dân.
Để bảo đảm cân đối cung – cầu hàng hoá đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng TP HCM trong thời gian chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn tạm ngưng hoạt động tập kết giao hàng trực tiếp tại chợ (từ ngày 28-6 đến 4-7), Sở Công thương đã tổ chức điều chuyển hàng hóa trực tiếp từ các tỉnh, thành vùng nguyên liệu dự kiến cung ứng cho chợ đầu mối Hóc Môn sang các chợ đầu mối Bình Điền và Thủ Đức; tăng năng lực tiếp nhận và phân phối hàng hóa của chợ đầu mối Bình Điền và Thủ Đức.
Bên cạnh đó, sở đã lên kế hoạch tăng cường nguồn cung từ các hệ thống phân phối hiện đại và doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường để bổ sung nguồn hàng hóa tạm thời bị giảm do chợ đầu mối Hóc Môn tạm ngừng hoạt động.
Cụ thể, Sở Công Thương TP HCM đề nghị các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường TP rà soát năng lực cung ứng mặt hàng thịt heo và rau củ quả của đơn vị. Song song đó là rà soát lại các nguồn cung, chủ động liên hệ với các đơn vị cung ứng để tính toán điều chỉnh tăng khả năng cung ứng hàng hóa, có kế hoạch dự phòng nâng khả năng cung ứng hàng hóa ra thị trường của đơn vị ở mức cao nhất.
Nhiều loại trái cây tại siêu thị đang có giá tốt
Các doanh nghiệp bình ổn thị trường cần nghiên cứu phương án kết nối, giao hàng hóa trực tiếp cho tiểu thương các chợ truyền thống hoặc tổ chức các điểm phân phối sỉ hàng hóa với mức giá bán buôn của đơn vị để sở – ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện kết nối cho thương nhân đến lấy hàng; thiết lập đường dây nóng để hỗ trợ việc kết nối và giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Quan trọng hơn, các doanh nghiệp cần chủ động gia tăng dự trữ nguồn hàng; sẵn sàng cung ứng kịp thời hàng hóa đến các địa bàn có hiện tượng thiếu hàng cục bộ; bảo đảm lượng cung ứng đầy đủ, không để xảy ra hiện tượng thiếu hàng, sốt giá.
Các doanh nghiệp quản lý hệ thống phân phối hiện đại được đề nghị rà soát lại năng lực cung ứng mặt hàng thịt heo và rau củ quả của đơn vị; chủ động liên hệ với các đơn vị cung ứng để tính toán nâng cao khả năng cung ứng hàng hóa của các nhà cung cấp, có kế hoạch dự phòng nâng khả năng cung ứng của đơn vị ở mức cao nhất. Bên cạnh đó, nghiên cứu phương án tiếp nhận hàng hóa đột xuất từ các địa phương chuyển về, khả năng tiếp nhận, thông tin các kho bãi...
Các ban quản lý chợ truyền thống rà soát năng lực cung ứng mặt hàng thịt heo và rau, củ, quả của các tiểu thương tại chợ; khảo sát nhu cầu tìm kiếm hoặc chuyển đổi nguồn cung thay cho nguồn hàng cung cấp từ chợ đầu mối Hóc Môn.
Mạng lưới 1.962 điểm cung ứng thực phẩm (106 siêu thị, 220 Chợ truyền thống, 1.636 Cửa hàng tiện lợi) trên địa bàn triển khai kế hoạch dự trữ, bảo đảm nguồn cung các mặt hàng lượng thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn TP.
Sở Công Thương cũng yêu cầu đơn vị quản lý chợ tổng hợp, thông tin cho sở về những trường hợp thương nhân tại chợ có nhu cầu lấy hàng từ các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường để sở kết nối, bảo đảm duy trì ổn định nguồn cung hàng hóa, không để xuất hiện tình trạng thiếu hụt hàng hóa cũng như đảm bảo an toàn phòng, chống dịch... để người dân an tâm mua sắm tại chợ.