TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa xử phúc thẩm vụ ông HMK (tiến sĩ luật, giảng viên thỉnh giảng tại một trường đại học) kiện trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai yêu cầu hủy quyết định xử phạt ông 5,5 triệu đồng và bồi thường 50 triệu đồng cho ông.
Bị tước bằng lái do chạy quá tốc độ
Nội dung vụ án, 8 giờ 10 ngày 22-11-2019, trên quốc lộ (QL) 20, khu vực khu dân cư xã Phú Cường, huyện Định Quán, Đội (CSGT) số 2, thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai lập biên bản ông K. điều khiển ô tô lưu thông chạy quá tốc độ cho phép (71 km/giờ).
Ảnh minh họa
Ngày 27-11-2019, trưởng phòng CSGT ra quyết định xử phạt ông K. 5,5 triệu đồng do lỗi điều khiển xe chạy vượt quá tốc độ cho phép, hình phạt bổ sung tước hai tháng bằng lái B1 + A2 (bằng tích hợp) từ ngày 27-11-2019 đến 27-1-2020.
Ngày 9-12-2019, ông K. khiếu nại nhưng bị bác đơn. Do đó, ông đã khởi kiện, yêu cầu hủy các quyết định, buộc bồi thường 50 triệu đồng cho những thiệt hại về vật chất và tinh thần do các văn bản trên đã gây ra đối với ông.
Người bị kiện cho rằng các quyết định hành chính bị kiện được ban hành đúng quy định pháp luật nên không đồng ý yêu cầu khởi kiện.
Ngày 15-1-2021, TAND tỉnh Đồng Nai xử sơ thẩm, tuyên bác các yêu cầu của ông K. Ông K. kháng cáo.
Tại phiên phúc thẩm, ông K. đề nghị hủy án, xem xét lại trách nhiệm bồi thường do việc thu giữ sai trái giấy phép lái xe (GPLX) trong thời hạn hai tháng theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Ông K. cho rằng việc lập biên bản xử phạt là không đúng vì cơ quan xử phạt không chứng minh được vi phạm, không cung cấp được hình ảnh. Bản ảnh màu mà cơ quan xử phạt cung cấp cho tòa án sau khi sự việc xảy ra một năm nên ông nghi ngờ tính xác thực…
Hai cấp tòa đều bác yêu cầu khởi kiện
HĐXX phúc thẩm cho rằng căn cứ vào hình ảnh ghi, thu được thể hiện tại Km18+800 QL20 có đặt biển “Bắt đầu khu đông dân cư” và tại Km23+090 QL20 có đặt biển “Hết khu đông dân cư”. Biển được đặt ở nơi thông thoáng, dễ nhìn thấy, hình ảnh hiển thị rõ ràng. Khu vực này nằm trong khu đông dân cư, không có dải phân cách, ô tô chỉ được lưu thông với tốc độ 50 km/giờ. Hình ảnh qua máy ghi hình tốc độ thể hiện xe do ông K. điều khiển chạy quá tốc độ quy định...
Như vậy, ông K. đã vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và Điều 7 Chương 2 Thông tư 31/2019 của Bộ GTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy, xe chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ, bị xử phạt 5,5 triệu đồng về hành vi chạy vượt tốc độ là phù hợp.
Đối với hình phạt bổ sung, GPLX của ông K. ghi hạng bằng A2 + B1 là tích hợp của GPLX có thời hạn và GPLX không thời hạn. Căn cứ vào điểm a khoản 3 Điều 77 Nghị định 46/2016 thì hành vi vi phạm của ông K. bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng GPLX hạng B1.
Do đó, nội dung quyết định xử phạt “tước hai tháng... hạng bằng A2 + B1” là không chính xác. Tuy nhiên, sai sót này đã được khắc phục nên quyết định giải quyết khiếu nại cũng đúng quy định pháp luật.
Đối với yêu cầu bồi thường, do trưởng phòng CSGT ban hành các quyết định hành chính là đúng pháp luật nên không gây thiệt hại cho ông. Hơn nữa, ông không cung cấp được chứng cứ chứng minh có thiệt hại do quyết định hành chính bị kiện gây ra.
HĐXX nhận định ông K. kháng cáo nhưng không chứng minh được không có vi phạm tốc độ nên giữ nguyên án sơ thẩm, bác các yêu cầu của ông K. Ngoài ra, ông K. sinh năm 1961 nên được miễn án phí.