vĐồng tin tức tài chính 365

2 vợ chồng 10 năm bị oan mỏi mòn chờ xin lỗi, bồi thường

2021-06-28 08:57

Từ ngày 10-8-2020, vợ chồng bà Ngô Thùy Lan và ông Phạm Văn Hổ được xác định bị oan do hành vi không cấu thành tội phạm. Bằng quyết định đình chỉ của VKSND tỉnh Đồng Nai, họ kết thúc chuỗi ngày oan trái sau hơn 10 năm vướng vòng lao lý. Ấy thế nhưng sau gần một năm đình chỉ, vợ chồng bà Lan, ông Hổ vẫn chưa được cơ quan tố tụng nào đứng ra công khai xin lỗi và thụ lý bồi thường.

Yêu cầu bồi thường oan, bị bắt giam tiếp

Vợ chồng chủ doanh nghiệp vướng vòng lao lý từ năm 2012. Thời gian đó, Công ty TNHH Minh Khiêm do bà Lan làm tổng giám đốc kiêm chủ tịch HĐTV và ông Hổ làm phó giám đốc, đóng tại thị xã Long Khánh (nay là TP Long Khánh). Vợ chồng bà Lan huy động vốn của nhiều người, tổng cộng 4 tỉ đồng.

Ngày 23-2-2012, Công an thị xã Long Khánh khởi tố và tạm giam bà Lan để điều tra về hành vi lừa đảo, đồng thời chuyển hồ sơ lên Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai điều tra theo thẩm quyền. 

2 vợ chồng 10 năm bị oan mỏi mòn chờ xin lỗi, bồi thường - ảnh 1
Sau 10 năm tù tội, ông Hổ mong cơ quan tố tụng sớm xin lỗi công khai và bồi thường cho vợ chồng ông. Ảnh: VH

Ngày 15-7-2013, VKSND thị xã Long Khánh đình chỉ vụ án. Vợ chồng bà Lan yêu cầu bồi thường oan thì tháng 12-2013, VKSND tỉnh Đồng Nai phục hồi điều tra và giao Công an thị xã Long Khánh khởi tố, bắt giam bà Lan.

Còn ông Hổ cũng tương tự giống vợ, ông bị bắt tạm giam từ tháng 5 đến tháng 8-2012 thì được cho tại ngoại, sau đó được đình chỉ. Đến tháng 1-2014, cơ quan điều tra (CQĐT) phục hồi điều tra.

Tháng 4-2015, TAND tỉnh Đồng Nai xử bà Lan 16 năm tù, ông Hổ 10 năm tù. Tòa ra lệnh bắt giam bà Lan ngay tại tòa và buộc ông bà bồi thường 3,75 tỉ đồng cho các bị hại.

Đình chỉ, xác định hai vợ chồng bị oan

Tháng 10-2015, TAND Cấp cao tại TP.HCM hủy án, giao hồ sơ cho VKSND tỉnh Đồng Nai điều tra lại với lý do cấp sơ thẩm chưa làm rõ các tài liệu còn mâu thuẫn, chưa thu thập các tài liệu xác định hành vi của các bị cáo là giao dịch dân sự hay hình sự.

Sau khi có kết quả điều tra lại thì VKSND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu CQĐT điều tra bổ sung bốn lần.

Cả hai lần điều tra bổ sung ban đầu, CQĐT đều chuyển hồ sơ qua VKS đề nghị truy tố nhưng VKS tiếp tục trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

Điều tra bổ sung lần ba và lần bốn, CQĐT không ra kết luận điều tra bổ sung mà có văn bản trao đổi với VKS. CQĐT cho rằng các nội dung mà VKS yêu cầu đã được CQĐT xác minh, làm rõ trong kết luận điều tra bổ sung lần một và lần hai.

Nhận thấy hành vi của vợ chồng bà Lan không đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên VKS không truy tố. Đến ngày 10-8-2020, VKSND tỉnh Đồng Nai căn cứ khoản 2 Điều 157 BLTTHS, ban hành quyết định đình chỉ vụ án và quyết định đình chỉ vụ án đối với các bị can vì xét thấy hành vi của bà Lan và ông Hổ không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Chiều 25-6, trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Kim Long, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Sau khi nhận được văn bản của Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản xin ý kiến dự thảo gửi các thành viên UBND tỉnh để xác định cơ quan giải quyết bồi thường đối với vợ chồng bà Lan. Hiện UBND tỉnh đang tổng hợp các ý kiến”.  

Chờ 10 tháng vẫn chưa được xin lỗi, bồi thường

Sau khi nhận các quyết định đình chỉ, vợ chồng bà Lan gửi đơn đến các cơ quan tố tụng yêu cầu xin lỗi công khai và bồi thường oan hơn 62,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, các cơ quan này đều chỉ qua chỉ lại.

Đến ngày 22-12-2020, TAND tỉnh Đồng Nai hướng dẫn vợ chồng bà Lan nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường đến Sở Tư pháp tỉnh đề nghị hỗ trợ xác định cơ quan giải quyết bồi thường.

Theo khoản 4 Điều 41 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (TNBTCNN) năm 2017 thì trong thời hạn năm ngày làm việc, Sở Tư pháp có trách nhiệm xác định cơ quan giải quyết bồi thường và chuyển hồ sơ đến cơ quan giải quyết bồi thường...

Sau đó, Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai gửi văn bản đến Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp), xin ý kiến hướng dẫn xác định cơ quan giải quyết bồi thường.

Ngày 14-5, Cục Bồi thường nhà nước có văn bản trả lời Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai, nêu rằng cục đã phối hợp với TAND Tối cao, VKSND Tối cao và Bộ Công an để trao đổi nghiệp vụ.

Cục Bồi thường nhà nước cho rằng khoản 3 Điều 34 Luật TNBTCNN 2017 thì Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm giải quyết bồi thường. UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan có trách nhiệm xác định cơ quan giải quyết bồi thường.

Vì vậy, ngày 9-6, Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai đã có văn bản tham mưu UBND tỉnh xác định cơ quan giải quyết bồi thường. Hiện UBND tỉnh Đồng Nai đang xem xét, chưa có trả lời cụ thể vấn đề này.

Đến nay, vợ chồng bà Lan vẫn chưa nhận được lời xin lỗi từ cơ quan tố tụng nào. Tính ra bà Lan bị bắt giam oan 1.650 ngày, ông Hổ chồng bà bị giam oan 873 ngày.

Phải kịp thời chủ động công khai xin lỗi người bị oan

Bà Lan, ông Hổ được xác định bị oan bằng quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can ngày 10-8-2020 của VKSND tỉnh Đồng Nai. VKS thừa nhận hành vi của ông bà không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây là một trong những căn cứ đình chỉ thuộc trường hợp không bị khởi tố vụ án hình sự theo Điều 157 BLTTHS.

Theo khoản 2 Điều 9, khoản 3 Điều 18 Luật TNBTCNN 2017 thì trường hợp của ông bà đủ điều kiện được bồi thường oan (bị tạm giam mà có quyết định của VKS xác định không có sự việc phạm tội). Về nguyên tắc bồi thường, theo Điều 4 Luật TNBTCNN thì việc giải quyết yêu cầu bồi thường trong tố tụng hình sự được thực hiện tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại. Việc này phải được thực hiện kịp thời, công khai, bình đẳng, thiện chí, trung thực, đúng pháp luật…

Tòa phúc thẩm đã hủy án sơ thẩm để điều tra lại theo thủ tục chung. Hồ sơ vụ án đã được tòa phúc thẩm chuyển về cho VKSND tỉnh Đồng Nai, sau đó VKS đình chỉ. Do đó, vấn đề bồi thường oan trong vụ án này thuộc một trong hai trường hợp sau:

Trường hợp thứ nhất: Sau khi nhận hồ sơ từ tòa phúc thẩm, VKS đình chỉ vụ án hoặc VKS trả hồ sơ cho CQĐT yêu cầu điều tra bổ sung và sau đó đình chỉ thì TAND tỉnh Đồng Nai là cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết bồi thường theo điểm b khoản 1 Điều 36 Luật TNBTCNN 2017.

Trường hợp thứ hai: Sau khi nhận hồ sơ từ tòa phúc thẩm, VKS trả hồ sơ cho CQĐT yêu cầu điều tra bổ sung. CQĐT có kết luận điều tra bổ sung, tiếp tục đề nghị truy tố. Sau đó, VKS đình chỉ thì CQĐT Công an tỉnh Đồng Nai là cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường theo khoản 3 Điều 34 Luật TNBTCNN 2017.

Theo nội dung vụ án này thì việc đình chỉ vụ án của bà Lan, ông Hổ thuộc trường hợp hai, nên Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai là cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường.

Ths NGUYỄN TRƯƠNG TÍN,
giảng viên Khoa luật dân sự  Trường ĐH Luật TP.HCM

Xem thêm: lmth.050699-gnouht-iob-iol-nix-ohc-nom-iom-nao-ib-man-01-gnohc-ov-2/taul-pahp/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“2 vợ chồng 10 năm bị oan mỏi mòn chờ xin lỗi, bồi thường”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools