Thông điệp của Chính phủ ngay từ đầu đã xác định "chống dịch như chống giặc" để cho thấy sự quyết liệt trong bộ máy khi xử lý mọi vấn đề liên quan phải trên tinh thần cấp bách, không thể chậm trễ trong mọi tình huống.
Chính vì vậy, bên cạnh mặt trận phòng chống dịch, mặt trận thứ hai là rà soát các lĩnh vực bị ảnh hưởng, đánh giá lại các giải pháp hỗ trợ thời gian qua, từ đó có phương án "bốc thuốc" phù hợp cũng vô cùng quan trọng và cấp bách. Đòi hỏi các giải pháp cũng phải thần tốc, cấp bách không kém so với mặt trận thứ nhất.
Ở góc độ an sinh, Bộ Chính trị vừa đồng ý chủ trương hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi làn sóng COVID-19.
Riêng tại TP.HCM, kỳ họp thứ nhất HĐND TP khóa X cũng thông qua đề xuất của UBND TP về gói hỗ trợ COVID-19 với 886 tỉ đồng cho người dân bị ảnh hưởng bởi đợt dịch này.
Nhưng vấn đề không chỉ hỗ trợ trực tiếp bằng tiền. Đối với doanh nghiệp, để tồn tại và phát triển, hai vấn đề mà ông chủ nào cũng phải quan tâm đó là thuế và vốn.
Trong đó, có thể một số doanh nghiệp trong giai đoạn này không hoạt động nên không phát sinh doanh thu, nhưng họ vẫn phải nộp các khoản thuế cho những giai đoạn hoạt động trước. Và chỉ cần chậm nộp, doanh nghiệp không chỉ bị phạt mà rất có thể sẽ bị bêu tên bất kỳ lúc nào.
Tương tự, câu chuyện vốn, với tình hình hiện nay chắc chắn sẽ có rất nhiều doanh nghiệp vay vốn ngân hàng đến kỳ trả nợ gốc và lãi sẽ khó lòng trả đúng hạn. Vậy điều gì xảy ra?
Theo quy định, nếu chậm trả gốc và lãi, ngoài việc phải chịu trả lãi suất trả chậm và phí phạt trả chậm đối với khoản vay, doanh nghiệp còn bị xem xét đánh giá xếp hạng tín nhiệm.
Điều này có nghĩa doanh nghiệp sẽ bị đưa vào các nhóm nợ xấu và bị ghi nhận trên Trung tâm thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.
Một doanh nghiệp làm ăn chân chính mà bị đưa vào danh sách chậm nộp thuế và bị bêu tên thì chẳng khác nào đẩy họ vào con đường cùng! Tương tự, việc doanh nghiệp bị đưa vào nhóm nợ xấu và ghi nhận trên Trung tâm thông tin tín dụng cũng xem như chặn đường làm ăn của họ.
Chính vì vậy, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thuế nên sớm có chỉ đạo để rà soát, phân loại những khó khăn của doanh nghiệp, hộ kinh doanh... trên cơ sở đó sớm có hướng dẫn các địa phương, ngân hàng, các tổ chức tín dụng, qua đó hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp.
Chẳng hạn, với các khoản nợ đến kỳ hạn phải trả gốc và lãi, cho phép các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19, có hợp đồng tốt và lịch sử trả nợ tốt, đúng hạn, đến kỳ trả nợ gốc và lãi, được đề xuất khoanh lại đến tháng 12-2021 mà không bị phạt và đưa vào nhóm nợ xấu.
Doanh nghiệp đã đến hồi kiệt quệ, thậm chí phải phá sản. Do đó, chỉ cần chậm một ngày cũng có thể đẩy hàng ngàn doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn hơn. Ngược lại, nếu nhanh được một ngày cũng có thể giúp hàng ngàn doanh nghiệp đứng vững và vượt qua giai đoạn khốn khó này.
TTO - Gói hỗ trợ mới phải thực hiện theo phương châm "5 dễ". Đó là dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ thực hiện và dễ triển khai. Gói hỗ trợ cũng phải được triển khai nhanh, thần tốc và kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn ngặt nghèo.
Xem thêm: mth.78110628082601202-peihgn-hnaod-nagn-gnah-uuc-yagn-tom-hnahn/nv.ertiout