Khoảng 30 khoản phí, lệ phí được giảm với nhiều mức giảm cao trong Thông tư 47/2021/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành. Các chuyên gia đánh giá, khi doanh nghiệp đang bị “đuối sức” thì việc miễn giảm các loại thuế, phí được xem là “liều thuốc” quý giá giúp doanh nghiệp “hồi sức”.
Giảm chứ không phải gia hạn
Nhìn vào số liệu của Tổng cục Thống kê trong 5 tháng đầu năm nay hiện rõ được rất nhiều vấn đề. Trong đó, thấy rõ nhất là cộng đồng doanh nghiệp (DN) đang ở giai đoạn bấp bênh, vất vả… Số liệu cho thấy cả nước có 59.800 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2019, bao gồm: 31.800 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước; 20.000 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 20,7%; 8.000 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 32,3%. Như vậy, trung bình mỗi tháng có gần 12.000 DN rút lui khỏi thị trường.
Ông Nguyễn Trung Tiến - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê - cho biết, những tháng đầu năm 2021, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, do đó việc DN buộc tạm dừng, chờ phá sản, hoàn tất thủ tục giải thể gia tăng ở hầu hết các ngành kinh tế là điều không tránh khỏi.
Ngay từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát và ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều DN, đặc biệt từ đầu năm 2020 đến nay, Chính phủ cùng các bộ, ngành và các địa phương đã triển khai một loạt chính sách hỗ trợ cho cộng đồng DN vượt qua khó khăn. Điển hình, Bộ Tài chính đã chủ động, tích cực, chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát để ban hành 21 Thông tư điều chỉnh giảm nhiều khoản phí, lệ phí.
Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ của nhà nước để giúp DN, người dân vượt qua khó khăn. Do đó, sau khi xin ý kiến các bộ, ngành, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 47/2021/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Trong đó, có nhiều mức phí, lệ phí giảm cao như: Giảm 50% lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng; giảm 50% mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp Căn cước công dân; giảm 50% lệ phí đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh… Theo tính toán trước đó của Bộ Tài chính, số giảm thu từ việc giảm các khoản phí, lệ phí này ước tính khoảng 1.000 tỉ đồng. Thông tư có hiệu lực từ 1.7.2021 đến 31.12.2021.
Tháo nút thắt hỗ trợ doanh nghiệp
Chia sẻ với Lao Động, PGS-TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) - cho rằng, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ nền kinh tế và DN vượt qua khủng hoảng do dịch bệnh, bao gồm các gói hỗ trợ về tài khóa, tín dụng và an sinh xã hội… Việc ra đời và triển khai các chính sách hỗ trợ của Chính phủ được cộng đồng DN đánh giá rất cao, thể hiện sự quan tâm và quyết liệt trong thực hiện mục tiêu kép đó là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Tuy nhiên, quá trình triển khai chính sách chúng ta phải làm quyết liệt, sâu sát hơn.
“Điểm nghẽn ở đây chính là khâu thiết kế thực hiện chính sách còn nhiều vấn đề vướng mắc; cách thức tổ chức, triển khai chính sách còn cồng kềnh chưa phù hợp với thực tiễn, từng DN, người lao động cần hỗ trợ. Đặc biệt là các quy định về thủ tục hành chính còn rườm rà, chồng chéo… tạo thành nút thắt cản trở cơ hội thụ hưởng trong bối cảnh cần tiếp sức nhanh của DN, người dân” - ông Long chỉ rõ.
Để tiếp sức cho các DN “vượt bão” COVID-19, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các gói hỗ trợ chính sách xây dựng phải tương đối đa dạng, ngoài hỗ trợ tài khóa về thuế, giãn, hoãn thuế cần có thêm những gói chính sách mới với điều kiện tiếp cận rộng hơn, nhanh hơn, thủ tục cần đơn giản hơn để vực dậy hoạt động của DN cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN.
Xem thêm: odl.758429-hcid-gnohc-peihgn-hnaod-puig-couht-ueil-peit-curt-ihp-maig/et-hnik/nv.gnodoal