Chính sách được ban hành trên cơ sở xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ, mức hỗ trợ phù hợp, bảo đảm chặt chẽ, công bằng, công khai, minh bạch, hiệu quả, thiết thực.
Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến dự thảo Báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021 để trình Chính phủ quyết định chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.
Dự thảo Báo cáo đề xuất Bộ Tài chính xây dựng giải pháp giảm nhiều loại thuế, lệ phí cho doanh nghiệp; đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho phép cơ cấu nợ vay, giãn nợ đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020 - 2021, giảm lãi suất cho vay…
Chính sách hỗ trợ phải linh hoạt
Tờ Thanh niên bình luận, mọi hỗ trợ cho doanh nghiệp lúc này đều rất đáng quý, chẳng hạn như: giảm, giãn thuế, phí, lãi vay ngân hàng ngay thời điểm giãn cách là điều cần thiết bởi doanh nghiệp không hoạt động, lấy gì để đóng thuế, tiền thuê nhà hay lãi ngân hàng…
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đang lấy ý kiến các bộ, ngành để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các chính sách hỗ trợ lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Gói hỗ trợ lần này dự kiến hơn 27.300 tỷ đồng.
Sớm đưa các gói hỗ trợ vào đời sống
TP Hồ Chí Minh đã thông qua gói hỗ trợ 886 tỷ đồng dành cho người dân bị tác động bởi dịch COVID-19. (Ảnh minh họa: NLĐ)
Tờ Người Lao động dẫn lời Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng: "Xây dựng chính sách cần có tính khả thi và nhanh đi vào cuộc sống. Nếu các điều kiện đưa ra quá cao, hoặc thủ tục rườm rà, xác định trách nhiệm không rõ và phân cấp không mạnh cho các địa phương thì đối tượng thụ hưởng sẽ rất khó tiếp cận chính sách và việc triển khai chính sách bị ách tắc".
Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn đề xuất, các chính sách hỗ trợ nên hướng tới việc giảm, tạm dừng đóng các khoản quỹ phải nộp, giảm được nguồn tiền doanh nghiệp phải chi ra trong bối cảnh không có hoặc rất ít nguồn tiền vào.
TP Hồ Chí Minh đề xuất hỗ trợ 80.000 lao động phải nghỉ việc do dịch COVID-19
Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh trong tuần này đã thông qua gói hỗ trợ 886 tỷ đồng dành cho người dân bị tác động bởi dịch COVID-19. Kinh phí từ nguồn ngân sách của thành phố sẽ dành để hỗ trợ 80.000 người lao động phải nghỉ việc do dịch COVID-19.
Gói hỗ trợ cũng tập trung vào khoảng 230.000 lao động tự do bị mất việc làm, thu nhập giảm sâu hoặc không có thu nhập trong thời gian TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, khoảng 10.000 hộ kinh doanh phải dừng hoạt động theo yêu cầu của chính quyền thành phố để kiểm soát dịch COVID-19 cũng nằm trong danh sách được nhận hỗ trợ, theo báo Lao động.
Bình luận về gói hỗ trợ 886 tỷ đồng của TP Hồ Chí Minh, tờ Người Lao động cho rằng, đây là quyết định nhanh chóng, kịp thời, không chỉ thể hiện trách nhiệm của bộ máy quản lý mà còn cho thấy tầm nhìn của nhà quản trị trong việc tích lũy khi thuận lợi, tạo nguồn dự phòng, có các phương án ứng phó ngắn hạn và dài hơi khi khó khăn.
Tờ báo này cho rằng, không chỉ trung tâm kinh tế như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương..., mà các tỉnh, thành khác cũng sớm khởi động các chương trình của riêng mình, hạn chế xin ngân sách từ trung ương, khi nguồn ngân sách quốc gia có hạn và phải cấp tập lo hàng loạt công việc quan trọng khác.
VTV.vn - Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đề xuất chi gần 890 tỷ đồng phục vụ công tác phòng chống COVID-19 và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!