Số ca mắc bệnh và tử vong ở Mỹ đều đang giảm. Theo các chuyên gia, điều này chứng tỏ vắc xin có hiệu quả dù chúng có thể gặp một vài hạn chế khi đối mặt với những biến thể "hung hãn" hơn. Biến thể Delta, vốn lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ với đặc tính lây lan mạnh và khiến tình trạng người bệnh nghiêm trọng hơn, đang là mối quan ngại hàng đầu của các chuyên gia y tế.
Hiện tại, biến thể Delta đã có mặt tại 49 bang và thủ đô Washington của Mỹ. Tuy nhiên, với những người đã được tiêm chủng đầy đủ, biến thể này ít có khả năng gây hại hơn. Ngay cả khi nhiễm bệnh, triệu chứng cũng nhẹ hơn và tính mạng người bệnh ít bị đe dọa nếu đã tiêm đủ cả 2 mũi.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tiêm phòng đầy đủ, bác sĩ Rochelle Walensky, giám đốc trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Đài phát thanh Quốc gia: "Xin hãy tiêm mũi vắc xin thứ 2. Với những gì chúng tôi biết, việc tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin sẽ mang lại khả năng bảo vệ lớn hơn và có thể đối phó được với biến thể Delta này và nhiều biến thể khác".
Lời năn nỉ của bác sĩ Walensky được đưa ra khi số liệu của CDC cho thấy 1/10 số người Mỹ được tiêm vắc xin Pfizer / BioNTech hoặc Moderna đã không chịu tiêm mũi thứ 2. Riêng tại Los Angeles, 99,8% trong số 12.234 ca tử vong vì Covid-19 kể từ tháng 12/2020 là những người không được tiêm phòng.
Người đứng đầu cơ quan ý tế ở Los Angeles cũng nói rằng mọi người nên duy trì khoảng cách với những người không phải thành viên trong gia đình, đặc biệt là nếu họ chưa được tiêm phòng vắc xin. Người chưa tiêm phòng cũng được xác định là những người dễ tổn thương nhất ở Mỹ khi có nguy cơ mắc bệnh và tử vong cao hơn, ngay cả khi họ là người trẻ tuổi.
Ở thời điểm hiện tại, biến thể Delta chiếm khoảng 21% số ca mắc Covid-19 được ghi nhận trong 1 tuần kết thúc vào ngày 19/6. Trong khi đó, có 151,6 triệu người Mỹ đã được tiêm phòng đầy đủ, tương đương 45,7% dân số và 65,8% người trưởng thành ở Mỹ đã tiêm ít nhất 1 liều vắc xin. Ông Biden muốn 70% dân số Mỹ được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin vào ngày 4/7 nhưng có thể không thành công.
Ở thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn là ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh tiêm chủng đã giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm thiểu số ca mắc cũng như hạn chế số người tử vong. Việc dịch bệnh bùng phát ở Ấn Độ và các quốc gia ít được tiêm chủng cho thấy vắc xin, vốn được tiêm nhiều ở Mỹ và châu Âu, thực sự rất có tác dụng.
Tuy nhiên, tâm lý e dè với vắc xin cũng là điều mà Mỹ và nhiều quốc gia khác phải đau đầu tìm cách giải quyết. Mỹ là quốc gia có nhiều vắc xin Covid-19 nhất thế giới nhưng tốc độ tiêm chủng đang gặp trở ngại khi ngày càng có ít người tới các điểm tiêm chủng. Trong khi đó, ở phần còn lại của thế giới, vắc xin luôn trong tình trạng thiếu hụt và không đủ đáp ứng nhu cầu tiêm phòng.
Xem thêm: nhc.75492833182601202-2-uht-91-divoc-nix-cav-ium-meit-id-nad-iougn-in-nan-ym-cuhc-ioig/nv.fefac