Ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh, nhiều chợ tại TPHCM tạm ngưng hoạt động
T.H
(KTSG Online) – Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (huyện Hóc Môn), chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10)... lần lượt được thông báo phong tỏa, tạm ngưng hoạt động do có liên quan đến ca dương tính với virus SARS-CoV-2, những khu chợ này chỉ được mở cửa trở lại sau khi cơ quan chức năng thông báo công tác điều tra dịch tễ kết thúc.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong trong cuộc họp Ban chỉ đạo chống Covid-19 thành phố chiều 25-6 cho biết điều đáng lo ngại nhất hiện nay là các chuỗi lây nhiễm tại khu công nghiệp và chợ đầu mối. Ảnh: Lê Vũ |
Trước những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, ông Dương Hồng Thắng đã ký văn bản khẩn về việc tạm dừng các hoạt động tập kết giao hàng trực tiếp tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn từ 0 giờ ngày 28-6 đến 0 giờ ngày 4-7. UBND huyện Hóc Môn cũng yêu cầu các tiểu thương thay đổi hình thức vận chuyển như giao và nhận hàng trực tuyến, giao tận nơi cho khách hàng, không thực hiện trực tiếp tại chợ, đảm bảo hàng hoá lưu thông thông suốt, đến tay người tiêu dùng.
Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn là 1 trong 3 chợ đầu mối của thành phố, bên cạnh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền và chợ đầu mối nông sản Thủ Đức. Chợ có diện tích 100.000 m2 với 360 sạp, tổng thương nhân và lao động phụ việc tại chợ khoảng 5.000 người. Số lượng xe vào chợ khoảng 10.000 lượt xe/ngày, trong đó xe hai bánh khoảng 5.000 lượt, xe tải và xe 3 bánh các loại khoảng 5.000 lượt. Số lượng người đến chợ khoảng 15.000 lượt/ngày đêm, giờ cao điểm số lượng người hoạt động tại chợ khoảng 10.000 người.
Ngày 27-6, Sở Công Thương TPHCM có công văn khẩn về việc tăng cường các biện pháp ứng phó khẩn cấp trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 đối với các chợ truyền thống trên địa bàn, trong đó có yêu cầu tạm dừng hoạt động đối với toàn bộ các quầy hàng kinh doanh hàng hoá không thiết yếu.
|
Liên quan đến chuỗi lây nhiễm tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, từ sáng ngày 22-6, tiểu thương và người dân tại khu chợ Sơn Kỳ (quận Tân Phú) được thông báo chợ tạm dừng hoạt động để phục vụ công tác điều tra dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Sau khi tiến hành truy vết những người liên quan taị chợ Sơn Kỳ, cơ quan y tế phát hiện 93 trường hợp dương tính, là tiểu thương, người nhà và người sống gần chợ.
Ngày 27-6, Trạm Y tế phường 13 (quận Tân Bình) cũng cho biết lực lượng chức năng đã đóng cửa tạm thời khu vực chợ Hoàng Hoa Thám để điều tra dịch tễ do địa điểm này liên quan tới ca nghi mắc Covid-19. Lực lượng chức năng đã yêu cầu tiểu thương ở chợ tạm ngừng kinh doanh, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho người dân và phun khử khuẩn toàn khu vực. Việc mở lại khu chợ này sẽ được cơ quan chức năng thông báo sau khi công tác điều tra dịch tễ kết thúc.
Cơ quan chức năng kêu gọi những người từng đến chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) ngày 11-6 đến ngày 25-6 cần liên hệ cơ sở y tế ở địa phương để khai báo.
Cũng trong ngày 27-6, UBND phường 6, quận 10 cho biết chợ Nguyễn Tri Phương đã được phong tỏa tạm thời từ ngày 26-6 để khử khuẩn và điều tra dịch tễ sau khi nhận được thông tin về trường hợp mắc Covid-19 ngụ quận 5 từng đến chợ. Điều tra dịch tễ tại cộng đồng, cơ quan chức năng xác định được 11 trường hợp tiếp xúc trực tiếp với F0 và đã được đưa đi cách ly tập trung. Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm 372 người là các tiểu thương và người đi chợ tại thời điểm giám sát.
Cùng ngày, UBND phường 15, quận 10 thông tin đến người dân về việc tạm ngưng hoạt động đối với toàn bộ khu vực chợ Hòa Hưng bao gồm số 539A Cách Mạng Tháng 8 (khu A) và số 24 Tô Hiến Thành (khu B) do liên quan ca nhiễm Covid-19. Thời gian tạm ngưng chợ từ ngày 27-6 đến khi nào có thông báo mới. Đối với các công việc nội bộ tại chợ Hòa Hưng phải đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Ngay khi phát hiện ca dương tính với SARS-CoV-2 làm nghề bốc vác và 19 ca mắc Covid-19 là các trường hợp tiếp xúc gần, sáng 27-6, toàn bộ chợ đầu mối Bình Điền (quận 8) đã dừng hoạt động, các nhân viên, người lao động và các tiểu thương đã được cơ quan y tế lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ. Tiểu đoàn 38, Phòng hoá Quân khu 7 và bộ đội hoá học Bộ Tư lệnh TPHCM đã huy động 7 xe chuyên dụng cùng 50 cán bộ, chiến sĩ phun khử trùng, tiêu độc khu vực chợ. Chợ Bình Điền là chợ đầu mối lớn nhất thành phố với đầy đủ các loại hình kinh doanh, buôn bán nông - lâm - thủy - hải sản đặc trưng của tất cả các vùng miền Việt Nam, với lượng cung ứng hơn 70% lượng hàng hóa thực phẩm tươi sống cho TPHCM và các tỉnh lân cận.
Để ứng phó với nguy cơ lây lan dịch bệnh và đảm bảo nhu cầu mua sắm nhu yếu phẩm cần thiết của người dân, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Ban quản lý (BQL) chợ Bình Thới (quận 11) đã triển khai phát phiếu cho người dân vào chợ. Đây là chợ đầu tiên trên địa bàn thành phố áp dụng hình thức này nhằm kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Đại diện BQL chợ Bình Thới cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, BQL chợ đã đăng ký để chợ Bình Thới thành điểm khai báo y tế cộng đồng từ ngày 27-4 đến nay. Các tiểu thương, người dân đi chợ hay cán bộ BQL đều phải khai báo y tế điện tử hằng ngày khi vào chợ.
Để việc khai báo y tế được thuận tiện, BQL chợ sẽ cấp phiếu ra vào chợ có ghi toàn bộ thông tin và mã QR định danh của từng cá nhân. Mỗi người dân được cấp 1 phiếu và có thể đi chợ hàng ngày cho đến khi có thông báo mới của BQL chợ. Đối với trường hợp lần đầu đến chợ, người dân sẽ được hướng dẫn khai báo thông tin y tế và xuất cấp thẻ, những lần tiếp theo chỉ cần xuất trình thẻ để nhân viên BQL quét mã QR xác định thời gian ra vào chợ nhằm giúp cơ quan y tế điều tra truy vết dịch tễ nhanh chóng khi có ca mắc Covid-19 đến chợ.
Trước đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố chiều 25-6, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết điều đáng lo ngại nhất hiện nay là các chuỗi lây nhiễm tại khu công nghiệp và chợ đầu mối. Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu nên có tính toán đối với chợ truyền thống và chợ đầu mối. Có thể nghiên cứu mô hình quận 8 đang áp dụng tại chợ truyền thống, cho phép các tiểu thương luân phiên bán hàng. Với chợ đầu mối, cần phải có phương án cụ thể mới được hoạt động.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố ngày 28-6, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phân nhóm quận, huyện thành các nhóm dựa theo mức độ diễn biến dịch bệnh để có các giải pháp phù hợp. Theo đó, nhóm các quận, huyện có nguy cơ lây nhiễm rất cao gồm Bình Tân, Hóc Môn, Bình Chánh, quận 8, Tân Phú và một phần của thành phố Thủ Đức (quận Thủ Đức cũ). Nơi có nguy cơ cao là Gò Vấp, Củ Chi, quận 1, Bình Thạnh, Tân Bình, quận 5, quận 4, quận 12 và một phần của thành phố Thủ Đức (quận 2 và quận 9 cũ). Các quận, huyện có nguy cơ gồm Cần Giờ, quận 10, quận 11, quận 7 và quận Phú Nhuận. Tại các khu cách ly và khu phong tỏa, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu tổ chức lấy mẫu xét nghiệm hằng ngày. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn sự tiếp xúc giữa các gia đình. Trang bị wifi, chăm lo đời sống tinh thần cho người trong các khu cách ly. Trước tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly thông qua nhà vệ sinh chung, các quận không nên bố trí khu cách ly tại các trường học; cần xem xét đưa người cách ly vào khách sạn có trang bị nhà vệ sinh riêng mỗi phòng. Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng yêu cầu Sở Y tế tăng cường năng lực xét nghiệm, xử lý và trả kết quả xét nghiệm nhanh; tiến hành thí điểm test nhanh kháng nguyên tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các ổ dịch, chuỗi lây nhiễm phức tạp; tầm soát diện rộng quanh các khu cách ly, phong tỏa, các điểm có nguy cơ cao để sớm tìm ra các F0, ngăn chặn kịp thời sự lây lan của dịch bệnh. |
Theo TTXVN, VnEpress