Dù chất lượng cầu thủ ra sao, xét về động lực là “49 gặp 50”, đôi lúc tinh thần vượt lên trên chuyên môn như kiểu Đan Mạch tại Euro 1992 hay Hy Lạp tại Euro 2004 vậy.
Lốc cam sa lầy trước Czech bản lĩnh và tự tin. Ảnh: UEFA
Riêng với trận Hà Lan - Czech thì phải khẳng định ngay và luôn: Hà Lan dở! Một đội bóng không biết thua ở vòng bảng trước những đối thủ bậc trung, nay gặp một đội Czech già dặn kinh nghiệm và tinh quái nên cơn lốc bị dập tắt. Czech còn có tay săn bàn Patrik Schick, cầu thủ mà nếu không ghi bàn thì đóng vai trò “chim mồi”, kéo giãn hàng phòng ngự đối phương rất hiệu quả.
Trước Czech, Hà Lan lộ nguyên hình là đối thủ chơi đúng một kiểu, còn Czech thì hiểu đối thủ của mình và lên đấu pháp, thực thi thật chặt chẽ.
Tiếp cận trận đấu, Hà Lan chơi thế kèo trên, còn Czech thì phòng ngự chặt chẽ tầng tầng lớp lớp trước cầu môn. Ở bảng D với Anh, Croatia, Scotland rất nghiệt ngã đã giúp Czech trở thành những chiến binh, lạnh lùng trong cư xử khi bước vào trận knock out. Hà Lan thắng dễ ở vòng bảng nên chưa có gì để kiểm nghiệm và cứ ngây thơ đá theo cách của mình hơn là tìm điểm yếu của đối thủ để triệt.
Ngay cả lúc Hà Lan áp đảo, Czech vẫn tạo ra những pha phản công tiếp cận cơ hội mang tính sát thương cực cao. Lối chơi đấy được duy trì đến khi De Ligt của Hà Lan nhận thẻ đỏ và Czech bắt đầu áp đảo làm khổ Hà Lan.
Chiếc thẻ đỏ của De Ligt như một tai nạn nhưng tai nạn đấy chỉ xảy ra trước đợt phản công sắc như dao của Czech.
Trên băng ghế chỉ đạo,
HLV Jaroslav Silhavy dày dạn và cư xử hơn hẳn HLV Frank De Boer đa phần chỉ thể hiện sự tức giận hơn là điều chỉnh thế trận bế tắc.
Hà Lan chủ quan với tư tưởng dùng “lốc” để cuốn phăng Czech ngay từ đầu nhưng thầy trò HLV Frank De Boer đã bị sa lầy vì những đòn độc của Czech.