Ngày 28-6, TAND Cấp cao tại TP Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà và Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng.
Phiên tòa được mở do có ba bị cáo kháng cáo. Trong đó, bị cáo Đinh Văn Dũng (cựu tổng giám đốc Công ty Bình Hà) kêu oan, bị cáo Đoàn Hồng Dũng (cựu giám đốc Công ty Trung Dũng) và bị cáo Nguyễn Thị Thanh Sơn (vợ bị cáo Hồng Dũng, thành viên góp vốn Công ty Trung Dũng) xin giảm nhẹ hình phạt.
Cựu tổng giám đốc tiếp tục kêu oan
Theo hồ sơ, ông Trần Bắc Hà (cựu chủ tịch BIDV, đã chết) trao đổi với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh về chủ trương thành lập dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt ứng dụng công nghệ cao. Ông Hà cam kết BIDV là đơn vị tài trợ vốn, đồng thời giới thiệu hai nhà đầu tư là Công ty CP Tập đoàn An Phú và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.
Ba bị cáo có đơn kháng cáo tại tòa. Ảnh: TP
Do Trần Duy Tùng (con trai ông Hà, đã bỏ trốn) đang là tổng giám đốc Công ty An Phú nên theo quy định, BIDV không được cấp tín dụng cho liên danh này. Để lách luật, ông Hà chủ trương thành lập Công ty Bình Hà gồm ba cổ đông Trần Anh Quang (cháu họ ông Hà và là tài xế cho Tùng), Thái Thành Vinh (bạn Tùng) và Đinh Văn Dũng (do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai giới thiệu).
Quá trình hoạt động, Quang và Văn Dũng luân phiên giữ chức tổng giám đốc. Thực tế, Tùng trực tiếp chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động.
Cơ quan tố tụng xác định dù Công ty Bình Hà chưa đủ điều kiện xếp hạng tín dụng… nhưng BIDV vẫn giải ngân hơn 2.600 tỉ đồng cho dự án chăn nuôi bò, đến nay mất khả năng thu hồi vốn hơn 799 tỉ đồng.
Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo của Tùng, sau khi nhận tiền bán bò, thay vì đưa về tài khoản của Công ty Bình Hà để BIDV quản lý thì các bị cáo tại công ty lại chuyển vào tài khoản cá nhân để nộp tiền góp vốn. Các bị cáo chiếm đoạt hơn 149 tỉ đồng, mới khắc phục được 128 tỉ đồng.
Bị cáo Văn Dũng liên tục kêu oan rằng mình không chỉ đạo việc tiêu thụ bò cũng như thu tiền bán bò của Công ty Bình Hà, đề nghị hủy án để điều tra lại.
Tuy nhiên, đại diện VKS phân tích: Tại tòa, giám đốc Công ty CP Kỹ thuật Hantechco cho biết được Văn Dũng nhờ bán bò. Sau khi bán bò, ông chuyển tiền vào tài khoản mà bị cáo yêu cầu, trong đó có cả tài khoản của Công ty Bình Hà và tài khoản của bị cáo.
Đại diện VKS công bố một số lời khai cho thấy Đinh Văn Dũng chỉ đạo việc bán bò, chiếm đoạt 11 tỉ đồng.
VKS đề nghị bác tất cả kháng cáo
Không kêu oan như Đinh Văn Dũng, vợ chồng bị cáo Đoàn Hồng Dũng và Nguyễn Thị Thanh Sơn đều mong được giảm nhẹ hình phạt cả phần hình sự và trách nhiệm dân sự.
Theo án sơ thẩm, dù lợi nhuận sau thuế của Công ty Trung Dũng liên tục giảm, vốn đầu tư ngày một tăng cao, hoạt động chủ yếu bằng vốn vay và chiếm dụng..., tuy nhiên BIDV Chi nhánh Hà Thành vẫn đánh giá doanh nghiệp hoạt động hiệu quả để xuất vốn vay, dẫn đến mất vốn hơn 860 tỉ đồng.
Đặc biệt, vợ chồng Đoàn Hồng Dũng chiếm đoạt hơn 263 tỉ đồng của BIDV bằng việc bán các lô hàng thép lòng vòng thông qua các công ty của gia đình.
Đại diện VKS đề nghị bác kháng cáo của vợ chồng Đoàn Hồng Dũng vì không có các tình tiết giảm nhẹ mới.
Ngoài ra, một số người liên quan cũng có đơn kháng cáo, trong đó có bà Trần Lan Phương (con gái ông Trần Bắc Hà). Bà Phương là người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng của mẹ (đã mất trước phiên phúc thẩm) về việc không đồng ý với việc phong tỏa, kê biên tài sản mà cấp sơ thẩm đã tuyên.
Bà Phương cho rằng trong số những tài sản bị kê biên của vợ chồng ông Hà có hai bất động sản ở TP.HCM là tài sản riêng của mẹ bà, mong được giữ lại để gia đình có nơi sinh sống.
Ngoài ra, bà Phương còn mong HĐXX xem xét khoản tiền 7 tỉ đồng trong tài khoản của mẹ bị phong tỏa vì đây là tiền do công ty bất động sản chuyển về, không liên quan vụ án.
Về vấn đề này, đại diện VKS cho rằng ngoài bà Phương còn có Trần Duy Tùng cũng được hưởng quyền thừa kế tài sản từ mẹ. Tuy nhiên, hiện Tùng đang bỏ trốn nên cần kê biên để đảm bảo phần thi hành án đối với Tùng.
HĐXX nghị án kéo dài, 15 giờ chiều nay (29-6) sẽ tuyên án.
Mức án sơ thẩm Tháng 11-2020, TAND TP Hà Nội tuyên phạt tám bị cáo là các cựu lãnh đạo, cán bộ thuộc BIDV từ 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến tám năm tù giam, cùng về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Riêng nhóm bị cáo Đinh Văn Dũng, Đoàn Hồng Dũng, Nguyễn Thị Thanh Sơn và Trần Anh Quang (cựu tổng giám đốc Công ty Bình Hà) lần lượt bị tuyên phạt 12 năm tù, 18 năm tù, ba năm tù và 13 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. |