Sôi động cuộc đổ bộ vào thương mại xã hội
Hoàng Việt
(KTSG) - Xuyên qua đại dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh trên các nền tảng truyền thông mạng xã hội (sau đây gọi ngắn là “thương mại xã hội”) ngày càng tăng trưởng mạnh. Dự báo thị trường này sẽ đạt mức 604 tỉ đô la Mỹ vào năm 2027. Châu Á là nơi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, và Việt Nam là một phần trong đó.
Các buổi livestream trên nền tảng mạng xã hội để bán hàng là hoạt động được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để thúc đầy doanh số trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Ảnh: Đức Nhân |
Thương mại xã hội đã xuất sắc giải bài toán khó về bán hàng, mua hàng qua các nền tảng thương mại điện tử. Instagram, Facebook, TikTok, YouTube và Pinterest là những người chơi đang thống trị thị trường thương mại xã hội. Trên thực tế, các doanh nghiệp, các công ty bán lẻ lớn nhỏ đã đưa thương mại xã hội vào chiến lược kinh doanh đa kênh (omni/multi-channel) của họ.
Theo OptinMonster, có tới 91% số thương hiệu bán lẻ lớn sử dụng ít nhất hai nền tảng truyền thông xã hội để tạo ra doanh số bán hàng.
Có thể thấy hình thức mua sắm trực tuyến trên thị trường thương mại xã hội khá đặc biệt. Trong khi việc bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử thường gặp vấn đề về niềm tin nơi khách hàng (báo cáo gần đây của Bain & Company cho rằng sự thiếu tin tưởng là yếu tố lớn nhất ngăn cản khách mua hàng trực tuyến) thì việc sử dụng thương mại xã hội giúp các doanh nghiệp dần tái lập niềm tin. Trong thương mại xã hội, các thương hiệu đã hợp nhất thành công những gì tốt nhất của cả hai thế giới - sự thoải mái khi sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và mô hình thương mại điện tử đã được chứng minh hiệu quả. Điều này thu hút mạnh người tiêu dùng và chính là nguyên nhân làm cho thị trường mới này bùng nổ. Khi nhiều người đam mê tiêu dùng chuyển sang các mạng xã hội để khám phá sản phẩm, việc lắng nghe xã hội của doanh nghiệp là một yếu tố quan trọng khác, vì người bán sử dụng nó để thu thập dữ liệu về các dịch vụ và sản phẩm của mình được người tiêu dùng trao đổi trực tiếp lên tài khoản mạng.
Trước đây, các thương gia cỡ vừa và nhỏ (SME) ít quan tâm đến thương mại điện tử vì nó khá khó đối với họ. Nhưng nay, việc mở tài khoản bán hàng trên các mạng xã hội đã dễ dàng hơn và người bán thấy được doanh thu ngay trước mắt. Việc cạnh tranh để được chú ý trong thương mại điện tử thường rất khốc liệt, và thương mại xã hội là một cách tuyệt vời với chi phí thấp để người bán mở rộng kinh doanh và tăng cường sự hiện diện trực tuyến. Nhưng không chỉ các SMB, những thương hiệu lớn, từ Sephora, Nike đến Gucci, Armani cũng thành lập cửa hàng trên mạng xã hội. Như Sephora (thuộc tập đoàn xa xỉ phẩm LVMH) ra mắt cửa hàng trên tài khoản Instagram hồi tháng 6 năm ngoái, và 20 triệu người theo dõi trên đó có thể tìm và mua các sản phẩm làm đẹp trực tiếp thông qua ứng dụng mà không cần phải chuyển sang trang web của nhà bán lẻ.
Tốc độ tăng trưởng trên 31% giữa đại dịch
Thống kê cập nhật hồi tháng 3-2021 cho thấy giá trị bán hàng của thương mại xã hội năm 2019 tại Mỹ là 19,42 tỉ đô la, trong khi con số này tại Trung Quốc là 186,04 tỉ đô la.
Có thể thấy khi phương Tây vẫn bảo thủ việc mua bán trực tuyến phải được thực hiện trên các trang thương mại điện tử thì phương Đông sớm nhận ra chỗ mua bán hàng tốt nhất là môi trường xã hội. Influencer Marketing dự báo doanh số bán hàng trên nền tảng truyền thông xã hội tại Trung Quốc sẽ lên đến 474,81 tỉ đô la Mỹ vào năm 2023 nhờ các ứng dụng như WeChat Mini Program của Tencent. Bản thân ứng dụng này đã tạo doanh số 115 tỉ đô la trong năm 2019.
Báo cáo gần đây của Insider Intelligence, Social Commerce Report cho biết thương mại xã hội tại Mỹ sẽ đạt mức 36 tỉ đô la vào cuối năm 2021, chiếm 4% doanh số bán hàng trực tuyến, trong khi tỷ lệ này tại Trung Quốc đã lên đến 13%. Cuộc cạnh tranh giữa thương mại điện tử và thương mại xã hội mới nổi sẽ rất ngoạn mục bởi tốc độ tăng trưởng của thị trường mới này lên đến 31,04% trên quy mô toàn cầu giữa lúc diễn ra đại dịch Covid-19. Tại Mỹ, những cảnh báo được đưa ra cho nền tảng thương mại điện tử Amazon khi giá trị thương mại xã hội trên Facebook có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Ở Trung Quốc, các nền tảng thương mại điện tử của Alibaba phải cạnh tranh với thương mại xã hội trên Tencent. Và tại Việt Nam, những Lazada, Shopee, Sendo, Tiki phải dè chừng Facebook, Zalo, Instagram, nơi mỗi ngày một nhiều người mua bán hàng tập trung về đó.
Cuộc đổ bộ vào thương mại xã hội đang diễn ra sôi động từ nhiều hướng: từ những thương hiệu nổi tiếng đã có các trang thương mại điện tử độc lập, từ các nhà kinh doanh omni-channel hay multi-channel, cho đến những người bán hàng nhỏ lẻ - có thể là một tiệm tạp hóa, một nông dân hay ngay cả những tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ. Kiểu thương mại vừa làm vừa nói chuyện đang tỏ ra thời thượng và có thể sẽ là hình thức tương lai của thương mại điện tử khi các công cụ bán hàng đang được chuyển vào đó.
Cuối cùng, người bán hàng phải quan tâm đến tỷ lệ đặt mua (conversion rate) trên mỗi mạng, cũng như trong bóng đá không chỉ là tỷ lệ chuyền bóng mà còn là tỷ lệ ghi bàn. Tại Mỹ, tỷ lệ này với Facebook hiện là 9,21%, YouTube 14%, Pinterest 0,54%, Twitter 0,77%, Instagram 1,08%, LinkedIn 6,1%. Hy vọng những thước đo như thế cũng sớm được công bố tại Việt Nam.
Xem thêm: lmth.ioh-ax-iam-gnouht-oav-ob-od-couc-gnod-ios/556713/nv.semitnogiaseht.www