Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc xuất hiện các mô hình đầu tư mới trong lĩnh vực khu công nghiệp (KCN) và khu kinh tế (KKT) đang đặt ra yêu cầu cần sớm bổ sung và điều chỉnh các quy định đối với lĩnh vực này. Trong đó có thể cho phép các địa phương được cấp phép đầu tư kết cấu hạ tầng KCN.
230 tỉ USD đổ vào khu công nghiệp…
Dữ liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến cuối tháng 4.2021, trên phạm vi cả nước có 575 KCN trong quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 219,5 nghìn ha.
Đến nay có 392 KCN được thành lập và trong số này có 286 KCN đang hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 85,2 nghìn ha với diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt khoảng 56,4 nghìn ha; 106 KCN đang xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 34,7 nghìn ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt khoảng 18,2 nghìn ha.
Đáng chú ý, tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê của các KCN đến nay đạt khoảng 43,1 nghìn ha (đạt tỉ lệ lấp đầy khoảng 57,8% diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê, riêng các KCN đang hoạt động đạt tỉ lệ lấp đầy khoảng 73,1% diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê).
Bên cạnh đó 26 KKT cửa khẩu cũng được quy hoạch trong thời gian vừa qua, trong đó tập trung ưu tiên đầu tư bằng nguồn vốn từ ngân sách để xây dựng đồng bộ về kết cấu hạ tầng và mô hình tổ chức quản lý, cơ chế chính sách cho một số KKT cửa khẩu hoạt động có hiệu quả cao; đảm bảo an ninh trật tự, kiềm chế, ngăn chặn có hiệu quả các loại tội phạm, các hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến KKT cửa khẩu.
Bộ KHĐT cho hay, trong thời gian qua, các KCN, KKT thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, cung cấp nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Lũy kế đến cuối tháng 4.2021, các KCN, KKT thu hút được 10.148 dự án trong nước và 10.921 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng khoảng 2,52 triệu tỉ đồng và 230,2 tỉ USD.
“Việc phát triển kết cấu hạ tầng KCN, phát triển khu chức năng trong KKT của nhà đầu tư có tác động lan tỏa, thu hút các nhà đầu tư khác đầu tư vào kết cấu hạ tầng kết nối và dịch vụ tiện ích phục vụ KCN, KKT, đồng thời tạo nguồn thu ngân sách nhà nước để tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật của các địa phương. Qua đó, từng bước thúc đẩy quá trình đô thị hóa theo hướng chuyển đổi vùng nông nghiệp lạc hậu thành khu đô thị - công nghiệp phát triển” - Bộ KHĐT đánh giá.
Và yêu cầu sửa đổi từ các mô hình mới
Tuy nhiên theo phân tích của Bộ KHĐT, trong khi mô hình phát triển các khu trên thế giới đã thay đổi đáng kể theo hướng chuyên ngành, chuyên môn hóa và phát triển bền vững, đảm bảo tính hiện đại, cạnh tranh và bắt kịp tiến trình cách mạng công nghiệp 4.0, các KCN tại Việt Nam vẫn chủ yếu phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực với mục tiêu chính là tăng diện tích lấp đầy. Dù tăng trong vài năm gần đây, một số loại hình KCN sạch, KCN chuyên ngành, KCN phụ trợ đã bước đầu hình thành tại một số địa phương, song số lượng còn hạn chế.
Bên cạnh đó, các KKT cửa khẩu chủ yếu dừng lại ở việc trao đổi hàng hóa, mua sắm phi thuế quan, chưa tương xứng với tiềm năng trao đổi thương mại giữa Việt Nam với các nước lân cận và khu vực. Trong lúc các KKT ven biển đều có chung định hướng đầu tư, phát triển đa ngành (như xây dựng cảng biển nước sâu, sân bay và thu hút đầu tư vào một số lĩnh vực như công nghiệp nặng, cơ khí, đóng tàu, dịch vụ cảng biển, du lịch biển, chế biến hải sản, điện...) mà chưa xác định rõ các ngành then chốt cần tập trung phát triển, gắn với lợi thế của từng KKT và khai thác hiệu quả kinh tế biển.
Bộ KHĐT cho hay, thực tế trên là một trong những yếu tố dẫn đến việc bộ này xây dựng một nghị định thay thế Nghị định số 82/2018 của Chính phủ nhằm giải quyết các vướng mắc trong hoạt động đầu tư phát triển KCN, KKT và hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động đầu tư phát triển lĩnh vực này trong thời gian tới.
Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, trong dự thảo nghị định thay thế vừa được Bộ KHĐT hoàn thiện, nội dung quy định về phân cấp thẩm quyền đang thu hút rất nhiều sự chú ý của giới đầu tư. Cụ thể ở nội dung này, dự thảo Nghị định ủy quyền/phân cấp việc xem xét, quyết định đối với các dự án cấp mới, điều chỉnh mở rộng dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN theo một trong hai phương án: Ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ KHĐT và phân cấp cho UBND cấp tỉnh. Theo các văn bản hiện hành, dự án phát triển kết cấu hạ tầng KCN và việc điều chỉnh dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng theo Bộ KHĐT, bản dự thảo nghị định mà cơ quan này đang lấy ý kiến cũng bổ sung các quy định nhằm đảm bảo phù hợp với các Luật mới ban hành đồng thời nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế đầu tư phát triển các KCN, KKT trong thời gian, dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung một số nội dung đáng chú ý khác.
Trong đó có quy định diện tích KCN phù hợp với khả năng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và tối thiểu là 75ha; đảm bảo dành tối thiểu 5% tổng diện tích đất công nghiệp của KCN để cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp khác thuộc diện được ưu tiên, hỗ trợ về mặt bằng sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật thuê đất, thuê lại đất.
Ngoài ra cũng không áp dụng điều kiện về tỉ lệ lấp đầy (60%) đối với các trường hợp tổng diện tích đất tự nhiên của các KCN trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư dưới 1.000ha hay KCN trước đó đã có dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng bị chấm dứt hoạt động và giao cho nhà đầu tư mới….
“Ngoài ra, dự thảo nghị định cũng quy định cụ thể, chi tiết hơn về phương án đầu tư xây dựng nhà ở và các công trình xã hội, văn hóa, thể thao phục vụ người lao động làm việc trong KCN” - Bộ KHĐT nhấn mạnh. Bộ này cũng cho hay, sau khi hoàn tất quy trình lấy ý kiến, dự thảo nghị định sẽ được trình Chính phủ để ban hành theo quy định.
Xem thêm: odl.371529-peihgn-gnoc-uhk-oav-ut-uad-gnouh-ux-uad-nod-ed-pac-nahp/et-hnik/nv.gnodoal