"Hơn 2 tháng trước, cứ dự án nào ở Bắc Giang xuất hiện đều rơi vào tình trạng "cháy hàng". Có những dự án chưa ra hàng, môi giới chỉ quảng cáo có suất ngoại giao như ở thị trấn Bích Động (Việt Yên, Bắc Giang), nhà đầu tư sẵn sàng xuống tiền mua cọc. Hợp đồng mua bán chủ yếu diễn ra giữa những người bán, mà không ký kết với chủ đầu tư. Chuyển nhượng hàng cũng chỉ thông qua suất "cọc". Nhà đầu tư chấp nhận cọc mà không cần biết mức giá chính thức của chủ đầu tư bao nhiêu" – Ông Đức Anh, một nhà đầu tư Hà Nội chia sẻ về về tình hình thị trường của Bắc Giang ở thời điểm sau Tết Nguyên đán.
Nhà đầu tư này cũng tiết lộ thêm, giao dịch bằng "cọc" không phải là hiện tượng hiếm thấy mà xảy ra phổ biến ở nhiều dự án tại Bắc Giang như huyện Việt Yên hay khu vực thành phố Bắc Giang.
Ảnh chụp khu đô thị tại Bắc Giang đã chia sẵn lô.
Ông Tuấn, một môi giới tại Bắc Giang tiết lộ, một số địa điểm như ở thành phố Bắc Giang, Việt Yên, Yên Dũng… ghi nhận tình trạng giá tăng mạnh từ 20-30%, thậm chí lên tới 50% trong những tháng cuối năm 2020, đầu năm 2021. Không chỉ có đất dự án mà đất nền thổ cư cũng được nhiều nhà đầu tư quan tâm, đặc biệt là các khu vực ven khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng.
Một khu đô thị ở thành phố Bắc Giang đang ngổn ngang cột điện nhưng theo tiết lộ môi giới, dự án đã "cháy hàng".
Báo cáo từ một số tổ chức nghiên cứu thị trường từng ghi nhận lượng quan tâm tới thị trường Bắc Giang quý I/2021 tăng 256% so với quý IV/2020. Còn theo số liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), tính đến hết quý I/2021, Bắc Giang có tổng cộng hơn 50 dự án đã, đang và chuẩn bị triển khai. Trong đó, có 27 dự án đã đủ điều kiện bán hàng. Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng nhận định, sức nóng của thị trường chủ yếu tập trung ở các dự án đang phát triển (chưa đủ điều kiện bán hàng) bởi khả năng sinh lời cao.
Cũng theo báo cáo của VARs, đất ven khu công nghiệp có diễn biến khá sôi động, đặc biệt là tại TP. Bắc Giang, huyện Việt Yên và Yên Dũng. Tại khu vực này, ven 4 khu công nghiệp Vân Trung, Đình Trám, Song Khê Nội Hoàng, Quang Châu là điểm nóng của thị trường, giá dao động khoảng 25 - 40 triệu đồng/m2, tăng khoảng 50 - 70% so với cuối năm 2020.
Sức nóng của thị trường bất động sản Bắc Giang còn kéo theo cuộc săn tìm của các nhà đầu tư với loại hình đất đấu giá. Cụ thể, vào tháng 3, giới đầu tư khá bất ngờ khi 2 phiên đấu giá tại Bắc Giang ghi nhận mức giá tăng hàng chục tỷ đồng so với giá khởi điểm. Theo đó, UBND huyện Lục Nam tổ chức đấu giá 36 lô đất tại khu dân cư mới thôn Chàng 1, thị trấn Đồi Ngô với tổng diện tích hơn 3.464 m2, giá khởi điểm hơn 18 tỷ đồng. Kết quả, tất cả các lô đất đều có khách hàng trúng đấu giá với tổng giá trị hơn 39 tỷ đồng, chênh lệch khoảng 21 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Lô đất có giá trị trúng cao nhất gần 1,23 tỷ đồng.
Cũng trong cùng ngày, UBND huyện Yên Dũng tổ chức đấu giá 43 lô đất tại khu hạ tầng đất ở và kinh doanh dịch vụ xã Nội Hoàng với tổng diện tích 3.470m2. Mức giá cũng được đẩy tăng hàng tỷ đồng so với mức giá ban đầu.
Cơn sốt đất tại Bắc Giang tưởng chừng sẽ tiếp tục kéo dài thì đến tháng 4/2021, sự bùng phát của dịch bệnh tại một số khu công nghiệp khiến tỉnh này buộc phải giãn cách xã hội, khiến mọi hoạt động giao dịch chững lại. Chính sách an ninh thắt chặt cùng tâm lý lo ngại làn sóng bùng dịch đã đẩy thị trường bất động sản tại Bắc Giang rơi vào tình trạng "đóng băng". Bên cạnh đó, việc tăng cường rà soát hoạt động kinh doanh BĐS, kiểm tra các dự án BĐS của chính quyền địa phương đã khiến thị trường nơi đây hạ nhiệt.
Đến thời điểm hiện tại, theo ông Đức Phương (môi giới ở Việt Yên, Bắc Giang) cho biết, hoạt động giao dịch đã dần quay trở lại bình thường. Một số lô đất tại khu đô thị nằm ở Việt Yên với mức giá hơn 1 tỷ đã có khách xuống tiền.
Khi được hỏi về tình trạng bán tháo, cắt lỗ, vị môi giới này khẳng định: "Tôi không rõ cắt lỗ tại đâu nhưng giá một số dự án tôi nắm thông tin vẫn giữ nguyên. Mức giá của suất ngoại giao tương đương ở thời điểm trước khi dịch bùng phát". Nếu nhà đầu tư không xuống tiền thì sẽ bỏ qua cơ hội sinh lời" - ông Đức Phương nói.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Ngọc (Bắc Giang), nhiều khu vực ở Bắc Giang ghi nhận đa phần các nhà đầu tư đều chờ đợi, theo dõi tình hình. "Nếu tình hình dịch được kiểm soát, mọi hoạt động quay trở lại quỹ đạo thông thường, thị trường Bắc Giang mới sôi động trở lại" – ông Ngô Ngọc nói.
Nguyễn Minh
Nhịp sống kinh tế