Báo cáo từ Tổng cục Thống kê vào ngày hôm qua (29/6), tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2021 ước tính tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng 0,39% của quý II/2020, nhưng thấp hơn tốc độ tăng 6,73% của quý II các năm 2018 và 2019.
Mức tăng 6,61% được xem là rất ấn tượng khi mà kinh tế Việt Nam chịu tác động tiêu cực lớn bởi làn sóng COVID-19 thứ 4 từ cuối tháng Tư.
Đề cập về mức tăng trưởng 6,61% so với cùng kỳ năm 2020, ông Lê Trung Hiếu - Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho biết không có sự bất thường nào trong con số này.
“Vào thời điểm quý II 2020, chúng ta bị ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19. Nền của năm 2020 rất thấp khi mà ngành dịch vụ tăng trưởng âm, tăng trưởng công nghiệp rất thấp…”, ông Hiếu nói.
Cũng theo quý ông Hiếu, dù chịu tác động lớn bởi COVID-19 nhưng 6 tháng đầu năm nay nhiều động lực của kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt như ngành chế biến, chế tạo tăng trưởng tới 11,42%.
“Nếu làn sóng COVID-19 không tác động tới các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp như Bắc Ninh, Bắc Giang thì tăng trưởng sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm sẽ tăng đến 11 - 12%, chứ không phải 8,91% như hiện tại”, ông Hiếu nói thêm.
Mục tiêu tăng trưởng 6,5% là khó khăn
Nói về mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% theo Nghị quyết 01 của Chính phủ, theo Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia để đạt được mốc này là khó khăn.
Theo đó, tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt 5,64% thấp hơn 0,58 điểm phần trăm so với kịch bản đề ra trong Nghị quyết 01.
“Để đạt mục tiêu tăng trưởng theo Nghị quyết 01 thì tăng trưởng 6 tháng cuối năm phải đạt 7,2%. Hiện dịch đang tấn công trực tiếp vào lĩnh vực, địa bàn động lực tăng trưởng của đất nước. Đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo được xem là động lực tăng trưởng đang có xu hướng giảm dần”
Theo ông Hiếu, chỉ số sản xuất công nghiệp trong quý II có dấu hiệu giảm dần. Cụ thể, tháng 4 chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 26%, sang tháng 5 chỉ còn 11,4%, tháng 6 chỉ còn tăng hơn 8%.
Theo Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm 2021 là khó khăn
Tuy nhiên, ông Hiếu nhấn mạnh rằng kịch bản tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm phụ thuộc lớn vào việc kiểm soát dịch bệnh cũng như các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2021, có 70,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó bao gồm, 35,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước; 24,7 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,7%; 9,9 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33,8%.
Tính trung bình mỗi tháng có 11,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Khảo sát của Tổng cục Thống kê cho biết, dự kiến quý III, có 39,2% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II/2021; 22,2% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 38,6% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.56854741103601202-gnouht-tab-gnohk-166-pdg-gnourt-gnat/et-hnik/nv.vtv