Chiều 29/6, sau hai ngày xét xử và nghị án, TAND Cấp cao tại Hà Nội bác toàn bộ kháng cáo kêu oan của Đinh Văn Dũng, cựu tổng giám đốc Công ty Bình Hà và kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của vợ chồng Đoàn Hồng Dũng và Nguyễn Thị Thanh Sơn, cựu giám đốc và thành viên góp vốn Công ty Trung Dũng.
Toà phúc thẩm y án phạt Đinh Văn Dũng 12 năm tù, Đoàn Hồng Dũng 18 năm, Nguyễn Thị Thanh Sơn 3 năm, cùng về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, theo khoản 4 điều 175 Bộ luật Hình sự.
Theo toà phúc thẩm, ông Trần Bắc Hà (chết năm 2019 trong thời gian tạm giam) với danh nghĩa là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV đã lập công ty sân sau là Bình Hà để làm dự án nuôi bò với mục đích để vay vốn BIDV. Từ 18/8/2015 đến 6/11/2017, BIDV dưới sự chỉ đạo của ông Hà đã giải ngân cho Công ty Bình Hà vay 2.687 tỷ đồng với các ưu đãi về vốn tự có và tài sản bảo đảm.
Khi được giải ngân, Trần Duy Tùng (con trai Trần Bắc Hà, đã bỏ trốn) đã chỉ đạo Đinh Văn Dũng và các đồng phạm thu tiền bán bò mà không nộp về tài khoản Công ty Bình Hà. Tuy nhiên, Đinh Văn Dũng cùng đồng phạm đã gửi tiền bán bò vào các tài khoản cá nhân để góp vốn ảo, nhằm tiếp tục được BIDV giải ngân. Hành vi của ông Dũng bị cáo buộc gây thiệt hại 149 tỷ đồng.
Tại toà, ông Dũng liên tục kêu oan cho rằng không chỉ đạo việc mua bán và thu tiền bán bò trong dự án. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng Dũng cùng đồng phạm đã tổ chức bán bò của Công ty Bình Hà và chiếm đoạt khoản tiền này. Theo quy định tiền sau khi bán bò phải chuyển về BIDV để ngân hàng này kiểm soát dòng tiền.
Về dân sự, toà buộc Đinh Văn Dũng liên đới bồi thường cho BIDV 21 tỷ đồng, tiếp tục kê biên hai bất động sản của ông Dũng ở Gia Lai.
Với vợ chồng Đoàn Hồng Dũng và Thanh Sơn, HĐXX cho rằng hai bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, đã lợi dụng sự tin tưởng của BIDV để bán tài sản đảm bảo và chiếm đoạt 263 tỷ đồng. Đây là số tiền đặc biệt lớn.
HĐXX phúc thẩm đánh giá hai vợ chồng này không có tình tiết nào giảm nhẹ khác được xem xét. Về dân sự, buộc vợ chồng Dũng, Sơn liên đới bồi thường cho BIDV hơn 263 tỷ đồng tiền đã chiếm đoạt. Toà ghi nhận 100 triệu đồng đã khắc phục hậu quả cho BIDV của Sơn.
Phiên toà còn xét kháng cáo của người liên quan là chị Trần Lan Phương, con gái ông Trần Bắc Hà, là người thừa kế quyền và nghĩa vụ về kháng cáo của mẹ đẻ là bà Ngô Kim Lan (vợ ông Hà, đã chết trước phiên phúc thẩm). Chị Phương cho rằng trong những tài sản bị kê biên của vợ chồng ông Hà, có hai bất động sản ở TP HCM là tài sản riêng của bà Lan. Bởi thế chị mong được giữ lại các bất động sản để gia đình có nơi sinh sống.
Toà phúc thẩm cho rằng các tài sản đứng tên bà Lan bị kê biên đều hình thành trong thời kỳ hôn nhân nên ông Hà có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến tài sản này. Hầu hết các tài sản hình thành trước khi ông Hà có hành vi sai phạm.
Tuy nhiên bản án sơ thẩm không tuyên cụ thể trách nhiệm của ông Hà nên gây khó khăn cho công tác thi hành án. Bởi vậy toà phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo, giải toà kê biên bất động sản ở số 60A Bà Huyện Thanh Quan, TP HCM theo kháng cáo của chị Phương.
Ngoài ra, toà tuyên tiếp tục kê biên 5 bất động sản là sở hữu chung của vợ chồng ông Hà, một bất động sản đứng tên riêng bà Lan, cùng một số cổ phiếu, tiền mặt khác để đảm bảo thi hành án.
Nội dung vụ án thể hiện, từ 2015 đến 11/2018, BIDV chi nhánh Hà Tĩnh đã giải ngân cho Bình Hà (sân sau của ông Hà) vay hơn 2.600 tỷ đồng song không kiểm soát được dòng tiền. Các cổ đông của Bình Hà sử dụng vốn vay không đúng mục đích, thông qua các nhà thầu chiếm đoạt và chiếm dụng tiền giải ngân, gây thiệt hại cho BIDV gần 800 tỷ đồng.
Ông Hà cũng có vai trò chính, là người chỉ đạo xuyên suốt trong hành vi cấp tín dụng và mở phát hành L/C cho Công ty Trung Dũng. Năm 2011, Trung Dũng do làm ăn thua lỗ đã đề nghị BIDV tái cấp hạn mức tín dụng 700 tỷ đồng để mua bán thép và cấp tín dụng bằng hình thức phát hành L/C nhập khẩu hàng với số tiền hơn 22 triệu USD.
Trung Dũng không đáp ứng được các điều kiện song ông Hà đã gây áp lực để bốn bị can ở BIDV chi nhánh Hà Thành phê duyệt, giải ngân cho công ty này vay 700 tỷ đồng và mở phát hành L/C theo món. Trong 26 khoản giải ngân có 20 khoản không đáp ứng đúng tỷ lệ tài sản đảm bảo.
Sau khi giải ngân, nhóm cán bộ BIDV cũng không kiểm tra dòng tiền, tài sản đảm bảo để Trung Dũng sử dụng tiền không đúng mục đích, tự ý bán tài sản đảm bảo L/C. Hậu quả, BIDV bị thiệt hại hơn 864 tỷ đồng.
Về quan hệ dân sự giữa BIDV chi nhánh Hà Thành và công ty Trung Dũng, bản án xác định Trung Dũng phải trả nợ cho BIDV hơn 600 tỷ đồng và các khoản lãi phát sinh theo quy định. Số tiền này Trung Dũng đã sử dụng vào các hoạt động khác nhau của công ty nên buộc phải hoàn trả cho BIDV.
Liên quan vụ án còn hai cựu phó tổng giám đốc BIDV và 6 cựu cán bộ BIDV nhưng tất cả không kháng cáo, chấp nhận hình phạt từ 36 tháng tù treo đến 8 năm tù.
Xem thêm: lmth.2951034-ah-cab-nart-gno-iag-noc-auc-ahn-ial-nix-oac-gnahk-nahn-pahc-aot/ten.sserpxenv