Theo hãng tin CNN, SpaceX đã đưa hơn 1.500 vệ tinh Internet lên quỹ đạo với hơn 69.000 người đăng ký sử dụng cũng như đã kết nối với các trạm thông tin của 12 quốc gia, vậy nhưng CEO Elon Musk của hãng vẫn đặt mục tiêu tránh bị phá sản lên hàng đầu.
"Mục tiêu của chúng tôi là tránh bị phá sản", tỷ phú Elon Musk nhấn mạnh trong hội nghị MWC khi nhắc đến nhiều doanh nghiệp đã cố gắng xây dựng mạng lưới Internet vệ tinh trước đây nhưng thấy bại, phá sản hoặc phải từ bỏ.
Hãng SpaceX của Elon Musk đã bắt đầu phóng vệ tinh lên mạng lưới Starlink từ năm 2019. Trong 6 tháng qua, công ty này đã phóng hơn 780 vệ tinh và đăng tăng tốc hoàn thành dự án.
Theo kế hoạch, Starlink sẽ phủ sóng 5% dân số thế giới và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8/2021.
Mạng vệ tinh của Elon Musk hiện lưu chuyển khoảng 30 terabits dữ liệu mỗi giây. Nhà sáng lập này cho biết ông đang nhắm đến mục tiêu giảm độ trễ (thời gian phản hồi của mạng) xuống dưới 20 mili giây.
Trong khi dự án Dragon của SpaceX là đem con người lên trạm vũ trụ còn Starship là đưa người lên mặt trăng hoặc sao hoả thì Starlink của Elon Musk nhắm đến thị trường Internet toàn cầu. Ý tưởng về một mạng lưới Internet bằng vệ tinh đã có từ nhiều thập niên trước nhưng chưa bao giờ được thực hiện thành công cho đến khi SpaceX thực hiện.
Dự án mạng vệ tinh Starlink của Elon Musk sẽ phủ Internet băng thông rộng trên khắp thế giới, ngoại trừ các vùng cực vào tháng 8, ông này cho biết hôm 29/6.
Về lý thuyết, SpaceX sẽ phóng hàng nghìn vệ tinh lên tầng khí quyền thấp của trái đất để tạo nên mạng lưới phủ sóng Internet. Với việc gần một nửa thế giới chưa được tiếp cận Internet, ý tưởng này có thể làm thay đổi hoàn toàn thị trường. Tất nhiên để thành công thì luôn phải có thách thức.
Theo Elon Musk, dù nhu cầu sử dụng dịch vụ của Starlink là vô cùng lớn nhưng hãng công nghệ này cũng phải đối mặt với áp lực tài chính như bao doanh nghiệp khác. Vị tỷ phú này cho biết thiết bị đầu cuối để khách hàng có thể truy cập mạng Starlink khiến hãng tốn khoảng 1.000 USD để sản xuất nhưng công ty lại chỉ bán chúng với giá 500 USD, mức chẳng hề có lời.
"Rõ ràng việc bán thiết bị đầu cuối với nửa giá chẳng phải là quyết định mang tính cạnh tranh với số lượng lớn. Bởi vậy chúng tôi đang cố gắng phát triển hệ thống đầu cuối mới với cùng hiệu quả nhưng chi phí rẻ hơn", CEO Elon Musk nhấn mạnh.
Trên thực tế trước khi SpaceX xây dựng hệ thống vệ tinh từ lâu, nhiều chuyên gia đã cảnh báo một trong những phần khó khăn nhất của dự án là phát triển bộ phận đầu cuối khả dụng cho người dùng, vốn là rào cản công nghệ không dễ vượt qua.
Vào thập niên 1990, nhiều dự án tương tự như Starlink cũng đã được đầu tư nhưng đều thật bại, phá sản, bán tháo hoặc chuyển hướng kinh doanh. Nguyên nhân chính là các nhà đầu tư nhận ra dự án không khả thi vì rào cản công nghệ hoặc quá đắt đỏ để hoàn thành.
Hiện SpaceX là một trong số những nhà tiên phong làm sống lại phong trào này và đang có tiềm năng nhất với hệ thống vệ tinh đã xây dựng được cùng lượng lớn khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ. CEO Musk kỳ vọng khoảng 500.000 khách hàng sẽ đăng ký dùng Starlink trong 1 năm tới.
Dẫu vậy, tỷ phú Musk cũng cho biết ông đã sẵn sàng mất khoảng 5-10 tỷ USD vào dự án này trước khi chúng thực sự sinh lời. Kể cả khi đã cho lợi nhuận thì công ty sẽ tiếp tục đầu tư để tự hoàn thiện cũng như cho các công nghệ liên quan khác, ví dụ như dịch vụ viễn thông mặt đất.
Theo thời gian, số tiền SpaceX đổ vào Starlink có thể lên đến 20-30 tỷ USD.
"Rất nhiều tiền đấy", CEO Elon Musk thừa nhận.
Huyền Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị