vĐồng tin tức tài chính 365

Em gái tôi không chọn đi xe buýt nữa, vì sao?

2022-07-01 10:52
Em gái tôi không chọn đi xe buýt nữa, vì sao? - Ảnh 1.

Nhà chờ xe buýt khang trang, có mái che sẽ khiến người dân cảm thấy tiện dụng, hứng thú hơn với xe buýt - Ảnh: NAM TRẦN

Tuổi Trẻ Online giới thiệu bài viết dưới đây của bạn đọc Nguyễn Thị Liên Nhụy tham dự diễn đàn để xe buýt TP.HCM ngày càng tiện dụng?

Những năm qua, cùng với sự phổ biến của mạng lưới xe buýt tại TP.HCM, hệ thống điểm dừng, nhà chờ xe buýt cũng được bố trí, xây dựng ngày một nhiều hơn. Tuy nhiên, hệ thống này đang dần bộc lộ vô số hạn chế và bất cập. Đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều hành khách ngại ngần khi lựa chọn xe buýt.

TP.HCM đang trong những ngày mưa nắng thất thường. Thế nhưng bên cạnh một số điểm dừng đỗ xe buýt có nhà chờ, mái che, nhiều điểm chỉ có một biển niêm yết hành trình rất đơn sơ.

Việc thiếu các nhà chờ có mái che khiến không ít hành khách cảm thấy ngao ngán, nảy sinh tâm lý ngại sử dụng xe buýt do phải chờ đợi trong điều kiện mưa nắng thất thường.

Em gái tôi là sinh viên Đại học Công nghệ TP.HCM năm nhất, nên thường xuyên sử dụng xe buýt để đến trường. Sau vài tháng, em tôi cương quyết không chịu sử dụng phương tiện công cộng này mà chuyển sang xe công nghệ hoặc đi nhờ bạn bè.

Tìm hiểu nguyên nhân cặn kẽ, tôi bất ngờ khi nghe em chia sẻ ngày nào em cũng phải đi bộ khoảng 100 mét, sau đó đứng dưới lòng đường vì vỉa hè bị những người kinh doanh hàng quán chiếm dụng, cực kỳ nhếch nhác bởi thùng xốp, bịch nilông vứt đầy.

Em gái tôi khẽ thở dài kể rằng: "Do cầu đi bộ cách trạm xe buýt một đoạn quá xa nên mỗi ngày em và nhiều sinh viên đành phải băng ngang qua đường để đón xe buýt. Biết là nguy hiểm nhưng đành liều do chẳng có cách nào khác. Chính vì vậy nên em nản và quyết định đổi phương tiện khác".

Không chỉ có trường hợp của em gái tôi, nếu có dịp trải nghiệm qua một số điểm đón xe buýt, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra tình trạng "xuống cấp" trầm trọng hoặc bị lấn chiếm để chứa rác, kinh doanh.

Điển hình như điểm đón xe buýt trên quốc lộ 1, đối diện công viên Suối Tiên, nhiều người dân đứng chờ xe dưới nắng gắt. Cũng bởi tại đây có một nhà chờ nhưng dãy lều dựng tạm bợ bán hàng rong đã lấn chiếm hết diện tích khiến hành khách không còn cách nào khác phải xuống lòng đường để chờ xe.

Cách đó một khoảng không xa, tại bốn trạm dừng khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nhiều hành khách, đủ mọi lứa tuổi từ người già đến trẻ nhỏ bịt kín khẩu trang, mặc áo khoác, nhễ nhại mồ hôi chờ xe buýt.

Tại nhiều nơi khác, các nhà chờ xe buýt không chỉ xuống cấp mà còn nhếch nhác đủ loại rác thải, chẳng hạn như trạm xe buýt quốc lộ 13, 1A (TP Thủ Đức), đường Lê Văn Việt (quận 9), Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp).

Nhiều điểm chờ xe buýt được lựa chọn là nơi tập kết các thùng rác của đội ngũ công nhân vệ sinh, gây nên tình trạng bốc mùi hôi thối. Đôi khi đã mang khẩu trang nhưng hành khách ngồi đợi xe tại đây còn phải bịt mũi, nín thở vì mùi hôi thối từ các xe đẩy rác công cộng xộc ngay vào mũi.

Tệ hơn, có những nhà chờ xe buýt còn là nơi vứt bỏ rác, xà bần, nơi tiểu tiện của những người bán hàng rong hoặc chạy xe đậu gần đó, nên luôn bốc mùi hôi thối, đặc biệt là vào trưa nắng.

Điều này vừa gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường, đồng thời ảnh hưởng đến tâm lý của hành khách khi lựa chọn xe buýt là phương tiện di chuyển. Thậm chí, nhiều người do ám ảnh thực trạng trên mà từ bỏ thói quen sử dụng phương tiện công cộng này.

Bên cạnh đó, tình trạng rác quảng cáo bao vây các trạm chờ xe buýt cũng là một thực trạng gây ám ảnh cho người dân. Cũng bởi một số nhà tuyển dụng lao động tư nhân, các công ty cần tuyển nhân viên cũng như muốn quảng bá sản phẩm đã tận dụng các trạm chờ xe buýt thành nơi quảng cáo miễn phí cho họ.

Do đó trạm chờ vốn là nơi để treo bảng lịch trình, giờ chạy xe của các tuyến buýt cũng như bản đồ lưu thông trong và ngoài thành phố, nhưng lại bị biến thành nơi cho các tờ quảng cáo, rao vặt ngự trị, khiến các bảng chỉ dẫn trên mất dần tác dụng, gây nên tình trạng bối rối, khó khăn cho hành khách khi muốn tìm kiếm thông tin.

Theo thống kê, TP.HCM hiện tại đang có hơn 2.300 xe buýt hoạt động trên 128 tuyến. Với một mạng lưới xe buýt phủ khắp các quận huyện nhưng chỉ mới tiếp cận được khoảng 55% phường, xã.

Nguyên nhân chủ yếu là do hạ tầng thiếu, đặc biệt là hệ thống trạm dừng, nhà chờ xe buýt quá ít, khiến người dân cảm thấy mỏi mệt, không còn hứng thú với xe buýt. Thiết nghĩ thành phố đã và đang vận động người dân lựa chọn đi lại bằng xe buýt, hạn chế các phương tiện cá nhân lưu thông trên đường, nhưng với thực trạng các nhà chờ, điểm dừng xe buýt xuống cấp, ô nhiễm như hiện nay thì thật sự bất khả thi.

Để xóa bỏ triệt để tình trạng trên tại các điểm dừng, nhà chờ xe buýt, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần có nhiều giải pháp hữu hiệu như thu gom rác, cấm các hành vi đổ rác, phóng uế bừa bãi, mạnh tay xử phạt những trường hợp vi phạm.

Là người sử dụng xe buýt đi lại, theo bạn, đâu là những bất tiện bạn hay gặp? Bạn muốn đóng góp điều gì để xe buýt TP.HCM ngày càng tiện dụng?

Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn và dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

Cất xe máy, đi xe buýt Cất xe máy, đi xe buýt 'đối phó' xăng tăng, học phí tăng

TTO - Trong khi giá xăng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì thông báo học phí lại tăng cao khiến nhiều sinh viên chật vật xoay trở. Nhiều bạn đã lên kế hoạch cắt bớt chi tiêu, hạn chế tụ tập để cân bằng tài chính.

Xem thêm: mth.67940936010702202-oas-iv-aun-tyub-ex-id-nohc-gnohk-iot-iag-me/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Em gái tôi không chọn đi xe buýt nữa, vì sao?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools