Tại một diễn đàn ngân hàng trung ương ở Bồ Đào Nha, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết vẫn chưa rõ đến bao giờ nền kinh tế Mỹ mới khôi phục trở lại tình trạng trước đại dịch. Điều quan trọng là ngân hàng trung ương phải thích ứng được với những thay đổi đó.
Ông nói: "Động lực của nền kinh tế xuất phát từ nhiều thế lực rất khác nhau. Điều chúng ta không biết đó là liệu chúng ta có quay trở lại hoàn toàn hoặc phần nào giống trước đây hay không".
Diễn đàn có sự hiện diện của bà Christine Lagarde là Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Thống đốc Ngân hàng Anh Quốc (BOE) Andrew Bailey. Những người đứng đầu các ngân hàng trung ương, nắm giữ trong tay tổng khoảng 20.000 tỷ USD trên bảng cân đối kế toán, thảo luận về cách "các thế lực mới" đang thay đổi động lực lạm phát và bối cảnh kinh tế toàn cầu mãi mãi.
Bà Lagarde nói: "Tôi cho rằng chúng ta sẽ không trở lại thời kỳ lạm phát thấp trước Covid". Bà cũng lưu ý rằng xung đột tại Ukraine sẽ thay đổi bức tranh và bối cảnh trước nay của nền kinh tế.
Bên cạnh vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch, ông Powell cho biết cuộc xung đột tại Ukraine đã gia tăng áp lực lên lương thực và lạm phát. Điều đó đã khiến vai trò của Fed trong việc ổn định giá cả và tối đa hoá việc làm trở thành một hoạt động khác với cách mà Fed đã thực hiện trong suốt 25 năm qua.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thực hiện vai trò của mình bằng việc nâng lãi suất để đối phó với lạm phát. Đồ hoạ: KLy
Cả 3 ngân hàng trung ương đang phải chống chọi với lạm phát gia tăng trong nền kinh tế của mỗi quốc gia. Đầu năm nay, Fed đã mở một cuộc họp bàn về việc tăng lãi suất và chống lại lạm phát Mỹ ở mức tệ nhất từ thập niên 1980.
Đầu tháng 6, các quan chức Fed đã bỏ phiếu thông qua việc tăng lãi suất 0,75%. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1994 Fed nâng lãi suất ở mức này. Lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện dao động trong khoảng 1,5% - 1,75%.
Nhiều nhà phân tích và nhà kinh tế lo ngại những động thái như vậy có thể đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái trong vòng 12 tháng tới. Nhưng Powell cho biết ông tin rằng nền kinh tế Mỹ đủ mạnh để chịu được mức tăng lãi suất vừa phải. Các hộ gia đình và doanh nghiệp đều có tình hình tài chính vững mạnh.
Song, chủ tịch Fed cảnh báo rằng lạm phát cố thủ hoặc kéo dài sẽ là một kết cục tồi tệ hơn so với suy thoái kinh tế. Chính vì lo ngại lạm phát, Fed đã hạ dự báo tăng trưởng Mỹ trong năm nay. GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể giảm từ mức dự báo 2,8% hồi tháng 3 xuống còn 1,7%.
Chủ tịch Jerome Powell nói rằng chắc chắn sẽ có rủi ro khi Fed đi quá xa trong việc tăng lãi suất. "Nhưng tôi không đồng ý rằng đó là rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế. Sai lầm lớn nhất là thất bại trong việc khôi phục sự ổn định giá cả", Powell nói.
Xem thêm: nhc.75835214103602202-0202-man-oc-neib-ut-iod-yaht-neiv-hniv-ad-et-hnik-nen-def-hcit-uhc/nv.fefac