Theo CNBC, giới đầu tư hiện không còn “mặn mà” với các cổ phiếu công nghệ lớn của phố Wall, trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương đồng loạt tăng lãi suất “kìm cương” lạm phát. Hệ lụy từ cuộc xung đột Nga-Ukraine cùng nguồn cung gián đoạn hậu đại dịch COVID-19 cũng khiến tên tuổi các “gã khổng lồ” công nghệ bị lu mờ.
Trong phiên giao dịch sáng ngày hôm nay, chỉ số S&P 500 đã chạm đáy kể từ năm 1970. Trước đó, nó đã mất 16% giá trị sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED tuyên bố tăng lãi suất. Chỉ số Nasdaq Composite về công nghệ cũng lao dốc 22%.
CNBC cho biết nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới Tesla đang chứng kiến đà sụt giảm hàng quý lớn nhất lên tới 38% kể từ khi công ty này phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hồi năm 2010.
Chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Elon Musk thẳng thắn thừa nhận Tesla phải vật lộn rất nhiều trong suốt khoảng thời gian tăng sản lượng cho dòng xe SUV Model Y tại nhà máy Austin. Ông cũng bày tỏ sự lo ngại do hầu hết các bộ phận lắp ráp đều đang mắc kẹt tại Trung Quốc.
“Cả hai nhà máy ở Berlin và Austin đều là những “lò đốt tiền” khổng lồ”, Musk nói. “Tất cả những điều này sẽ sớm được khắc phục để nhà máy đạt mục tiêu sản lượng, tuy nhiên chúng ra sẽ phải nỗ lực rất nhiều’’.
Tesla chật vật tăng sản lượng cho dòng xe SUV Model Y tại nhà máy Austin
Trong khi đó, cổ phiếu Amazon mất gần 35% giá trị, mức sụt giảm lớn nhất kể từ quý III/2001. Doanh thu quý đầu tiên cũng không đạt kỳ vọng của giới phân tích do tốc độ tăng trưởng giảm tốc.
Hồi đầu tháng này, Amazon cũng tuyên bố Dave Clark, Giám đốc điều hành mảng kinh doanh tiêu dùng toàn cầu đã từ chức. Vị cựu lãnh đạo này sẽ chuyển sang đầu quân vào một công ty khởi nghiệp phần mềm chuỗi cung ứng có tên Flexport.
Cổ phiếu Alphabet, công ty mẹ Google cũng diễn biến kém tích cực khi giảm gần 22%, mức tệ nhất kể từ quý IV/2008. Cổ phiếu Microsoft cũng giảm khoảng 17%, mức mạnh nhất kể từ quý II/2010.
Trong khi đó, cổ phiếu Apple mất 22% giá trị trong quý II năm nay sau khi tập đoàn công nghệ này chứng kiến đà bán tháo mạnh chưa từng có. Cuối tháng 5, Apple cũng mất ngôi vương và không còn là công ty giá trị nhất thế giới sau khi bị tập đoàn dầu khí Saudi Aramco của Ả Rập Xê Út “vượt mặt” về tổng mức vốn hóa thị trường.
Đầu năm 2022, tổng giá trị vốn hóa của Apple là khoảng 3 nghìn tỷ USD, hơn Aramco đến 1 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, sự sụt giảm kỳ vọng đối với dòng doanh thu của những hãng công nghệ lớn như Apple đã khiến các Big tech phố Wall điêu đứng.
"Dù không thể so sánh cổ phiếu của Apple với Aramco do khác biệt về lĩnh vực kinh doanh song nếu xét trên phương diện vĩ mô, dầu mỏ đang được hưởng lợi từ lạm phát và nguồn cung gián đoạn", Giám đốc đầu tư James Mayer của hãng Tower Bridge Advisors nhận định.
Cổ phiếu Meta của CEO Mark Zuckerberg lao dốc 27% trong quý II/2022
Cũng theo CNBC, cổ phiếu Meta của CEO Mark Zuckerberg lao dốc 27% trong quý II/2022. Đà sụt giảm được cho là có phần giảm tốc so với quý trước, khi cổ phiếu tập đoàn công nghệ này “bốc hơi” tới 34% giá trị.
Mới đây, Meta cũng tuyên bố cắt giảm 30% kế hoạch tuyển dụng kỹ sư trong năm nay, ngay sau CEO Mark Zuckerberg cảnh báo về một cuộc suy thoái kinh tế sâu sắc.
“Nếu phải đánh cược, tôi sẽ nói đây có thể là một trong những đợt suy thoái tồi tệ nhất mà Meta từng chứng kiến trong lịch sử’’, Zuckerberg chia sẻ với đội ngũ nhân sự.
Theo đó, kế hoạch tuyển dụng 10.000 kỹ sư sẽ bị cắt giảm xuống chỉ còn khoảng 6.000-7.000 người. Tập đoàn này cũng để trống một số vị trí nhất định và cho thôi việc những nhân viên không đáp ứng đủ các yêu cầu mà Meta đặt ra.
Theo: CNBC
Vũ Anh
Theo Nhịp Sống Kinh Tế