Tốt nghiệp loại ưu ngành Kỹ thuật điện - điện tử và Khoa học máy tính tại Đại Học UC Berkeley (Mỹ), mục tiêu của Huy Nguyễn gần 15 năm trước là làm việc tại "gã khổng lồ" công nghệ Google. Sau 2 lần chinh phục và rất nhiều cuộc phỏng vấn, cuối cùng anh cũng thực hiện được mơ ước của mình.
Ở tuổi 30, Huy Nguyễn trở thành một trong những quản lý cấp cao trẻ nhất của Google. Anh cũng sở hữu nhiều bằng sáng chế và công trình nghiên cứu tại Mỹ trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng mạng.
Khi đang có cơ hội thăng tiến cùng mức lương nhiều người mơ ước, Huy Nguyễn quyết định rời Thung lũng Silicon để về Việt Nam khởi nghiệp. Huy hiện là CEO KardiaChain, nền tảng blockchain do anh đồng sáng lập năm 2018 khi vẫn còn làm việc tại Google.
Nhà sáng lập sinh năm 1987 này cũng là Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam. Anh là người trực tiếp đối thoại với CEO Binance CZ khi tỷ phú tiền ảo giàu nhất thế giới tham dự một sự kiện tại Việt Nam vào tháng 6 vừa qua.
Đi đường vòng để đến Google
- Tôi nghe nói con đường đến Google của anh không hề dễ dàng?
- Có thể nói là vậy. Tôi tốt nghiệp vào giai đoạn suy thoái kinh tế 2008-2009. Lúc đó, tôi đã được mời vào Google làm việc nhưng lại đúng vào thời điểm họ đang có những sự thay đổi về cơ cấu và họ hoãn lại việc tuyển dụng mình. Tôi chấp nhận đi đường vòng làm việc ở Cisco trước, đến 2 năm sau, khi tình hình kinh tế ổn định hơn Google mới mời mình quay lại.
Lần này trở lại với tư cách là người đã đi làm nên quy định phỏng vấn khắt khe hơn. Tôi trải qua hơn 20 vòng phỏng vấn liên tục mới được nhận vào làm. Đó là quá trình rất dài và có đôi lúc mình cảm thấy nản, vừa đi làm vừa phải tham gia phỏng vấn liên tục. Nhưng tôi vẫn tiếp tục vì lúc đó Google chính là mục tiêu của tôi. Với tôi, một khi đã đặt ra mục tiêu cho mình thì sẽ theo đuổi bằng được. (cười)
- Làm việc tại một trong những "gã khổng lồ" công nghệ hàng đầu thế giới, điều anh thấy tâm đắc và áp lực nhất là gì?
- Google là công ty có văn hóa rất đặc biệt, tầm nhìn của họ là thay đổi thế giới, họ muốn thực hiện những thứ điên rồ nhất mà không ai tin sẽ làm được. Họ có thể bỏ hàng tỷ USD cho việc thử nghiệm những ý định hay dự án không tưởng. Đây là điều tôi thực sự tâm đắc, khi bản thân có thể là một phần của hành trình "thay đổi thế giới" từ tầm nhìn của Google.
Ở Google, họ không hỏi mình sẽ mang được bao nhiêu tiền về cho công ty mà họ sẽ hỏi kết quả công việc mình làm mang lại giá trị thế nào. Áp lực đến từ việc phải chứng minh cho họ thấy rằng các ý tưởng điên rồ của mình là khả thi và quan trọng là nó phải tạo ra giá trị cho người khác.
- Cụ thể trong thời gian ở Google anh đã tham gia các dự án nào?
- Ở Google từng có một chương trình đề xuất làm ra các dự án tạo ra "Một tỷ người dùng tiếp theo" (Next Billion Users Initiative). Trong những chương trình đó, tôi đã tham gia quản lý và dẫn dắt những dự án tạo ứng dụng trải nghiệm cho Google Pixel Buds - tai nghe không dây của Google, Google Access Wireless Platform và Google Fiber Network Infrastructure, dự án Loon dùng kinh khí cầu phát wifi để có thể đưa Internet đến với những vùng có địa lý phức tạp và cả những đất nước còn nhiều khó khăn.
Bỏ vị trí quản lý cấp cao ở Mỹ để về Việt Nam khởi nghiệp
- Vậy tại sao anh lại quyết định từ bỏ môi trường làm việc rất nhiều người mơ ước để trở về Việt Nam khởi nghiệp?
- Trong 10 năm làm việc ở Google, tôi luôn biết ơn rằng mình đã học hỏi và tích luỹ được nhiều thứ từ những dự án và những con người rất tài giỏi. Tuy nhiên có một điều vẫn luôn khiến tôi trăn trở là càng tạo nhiều giá trị trong thời gian làm việc tại đây, càng có nhiều bằng sáng chế và dự án thành công trên khắp thế giới nhưng ở chính quê hương của mình, tôi lại chưa thể góp phần tạo nên giá trị.
Đó là lúc tôi cảm thấy cần phải mang những kiến thức, kinh nghiệm mà mình đã học được để phục vụ quê hương. Dù đã luôn nung nấu ý định về việc quay trở lại và làm được điều gì đó lớn lao ở chính quê hương Việt Nam, câu hỏi về việc khi nào và bắt đầu từ đâu, ứng dụng công nghệ nào phù hợp thì ngay bản thân tôi cũng không thể nào mà dự liệu được.
Khi ấy công nghệ blockchain đến với tôi rất tình cờ nhưng ngay lập tức khiến tôi bị thu hút. Và khi nhìn ra được những tiềm năng to lớn từ công nghệ này, tôi đã quyết định nghiên cứu sâu hơn nữa và bắt đầu nhận lời làm cố vấn công nghệ cho một startup blockchain tại Việt Nam, chính là KardiaChain.
Thế rồi giống như một định mệnh được sắp đặt từ trước, đặc biệt là do đại dịch Covid-19 mà tôi ở lại Việt Nam dài hạn để tập trung việc phát triển "đứa con" của mình. Rồi cái gì đến cũng phải đến, tôi quyết định nghỉ việc ở Google sau tròn 10 năm cống hiến để toàn tâm toàn ý cho dự án khởi nghiệp này.
- Nếu không về Việt Nam, anh nghĩ hiện nay mình có thể thăng tiến đến vị trí nào ở Google?
- Trước khi nghỉ việc ở Google tôi đã có 4 năm làm quản lý cấp cao và cũng đã có đủ những quy chuẩn để lên được vị trí cao hơn. Tuy vậy, theo cách tôi nhìn nhận thì sự thăng tiến ở Google nó nằm ở một khía cạnh khác.
Khi mình đã ở một vị trí cao, thì ngoại trừ những giá trị mình tạo ra từ những sản phẩm, điều quan trọng nhất là định hình được giá trị của bản thân tại một môi trường làm việc vừa đầy rộng mở vừa có tính cạnh tranh cao như vậy. Chính giá trị của bản thân đó trong việc mình quản lý các đội ngũ và làm ra sản phẩm có giá trị mới là thứ giúp mình có sự thăng tiến.
Tôi cũng mang trong mình tư tưởng tạo dựng giá trị bản thân đó và muốn làm được những điều mới mẻ hơn, đặc biệt là đóng góp cho quê hương và thực hiện được một kế hoạch đã chờ đợi từ lâu, nên tôi đã quay trở về Việt Nam và tiếp tục hoạt động cho đến hôm nay.
- KardiaChain – công ty do anh đồng sáng lập hiện hoạt động ra sao?
- 2021 là một năm mà blockchain đã phát triển rất mạnh mẽ, nhất là ở Việt Nam. Vì vậy mà KardiaChain đã đạt được rất nhiều thuận lợi, đẩy mạnh được số lượng giao dịch và người dùng trong thời gian đó. Ngoài điều đó ra là sự kết hợp với rất nhiều đối tác doanh nghiệp truyền thống. Đây cũng là minh chứng về sự thành công trong việc phổ biến hóa blockchain.
KardiaChain cũng đã từng trải qua những "mùa đông" kéo dài. Nhưng công ty vẫn luôn tin vào hành trình của mình, luôn tiến bước, luôn tiếp tục xây dựng những ứng dụng và tiếp tục với nhiệm vụ trở thành nền tảng blockchain hàng đầu bất kể thị trường đang ở thời điểm thăng trầm ra sao.
Những giá trị của nền tảng blockchain phải được suy xét trên những sự đóng góp cho các lĩnh vực khác nhau và lợi ích của ứng dụng về lâu dài, chứ không phải chỉ là giá trị về mặt tài chính.
- Giữa làm việc cho một Big Tech như Google và startup, anh thấy điều gì khó hơn?
- Nếu như phải chọn thì chắc chắn lĩnh vực startup thử thách hơn. Bởi vì ở Google mình chỉ cần tập trung đúng lĩnh vực kỹ thuật là chuyên môn còn về mọi mặt khác đã có đội ngũ "khủng" hỗ trợ, khi đó thử thách chủ yếu nằm trong vấn đề kỹ thuật, làm sao để mình tìm ra giải pháp, tạo được giá trị.
Nhưng với một startup như KardiaChain thì mình phải đối mặt với nhiều thử thách hơn. Gần như mình phải lo mọi mặt kể cả những cái không phải chuyên môn. Có quá nhiều thứ phải để tâm mà không thật sự có đầy đủ nhân sự, đây là điều tôi khiến cảm thấy vô cùng áp lực nhưng cũng là thử thách thú vị nhất (cười). Lúc đó phải cố gắng hết công suất, hoạt động nhiều hơn rất nhiều so với ở Google mới có thể vượt qua được.
Nhớ lại lúc KardiaChain chỉ vừa thành lập vào năm 2018, thị trường khi ấy không khác giai đoạn hiện tại 2022 là mấy, kêu gọi đầu tư không có, không có một sàn nào hỗ trợ và mọi người có vẻ đang dần bỏ thế giới blockchain mà đi ngay khi nó vẫn đang bước đầu xây dựng và khẳng định giá trị. Nhiều startup mới nổi lúc ấy và cũng như bây giờ, có lẽ sẽ rất hoang mang lo lắng liệu bao giờ mới là "thời điểm vàng" để mình có thể chứng minh giá trị. Và kết quả như thế nào thì có lẽ KardiaChain đã chứng minh được chuyện đó.
Đừng đánh đồng blockchain với tiền mã hóa
- Cơ duyên nào đã đưa anh đến với vị trí Phó Chủ tịch Blockchain Việt Nam?
- Trong giới blockchain hay là crypto thì có thể tạm miêu tả là một cái miền viễn tây hoang dã và ở đó có rất nhiều loại người khác nhau. Có một số người họ ủng hộ tự do tài chính, phi tập trung, ẩn danh… đến một cách khá cực đoan nên họ không muốn có những cơ quan nào nắm quyền hành cả. Ở chiều ngược lại, thì các cơ quan lại cho rằng sự phi tập trung sẽ dẫn đến những hệ quả khó nói cho người dùng.
Tôi lại là một người vốn làm ở thế giới truyền thống chuyển qua làm về blockchain. Và tôi có niềm tin rằng để mọi người có thể thật sự hiểu được những công dụng của blockchain, thì chính công nghệ phải là cầu nối giữa truyền thống và giới phi tập trung, ở đó blockchain sẽ giải quyết các hạn chế của doanh nghiệp truyền thống. KardiaChain ban đầu đã đi những bước như vậy để mang giá trị đến các doanh nghiệp truyền thống nhưng như vậy là chưa đủ.
Thế nên, tôi và các anh chị trong Hiệp Hội hiện nay (Blockchain Việt Nam) đã rất nỗ lực trong việc kêu gọi thành lập một ủy ban chính danh dành riêng cho blockchain tại Việt Nam nhằm đưa tới những giá trị tốt nhất cho sự phát triển của công nghệ tiềm năng này. Sau những lần giải đáp và chất vấn của các ban ngành, mọi người đã hiểu rõ mục tiêu của việc thành lập Hiệp hội Blockchain Việt Nam và chấp nhận đi những bước tiếp theo. Tôi cũng được mọi người tin tưởng và bầu làm Phó Chủ tịch Hiệp hội để cùng giúp đỡ định hướng khung pháp lý cũng như các hoạt động phổ cập phát triển blockchain tại Việt Nam.
- Hiện nay nhắc đến blockchain, nhiều người nghĩ ngay đến tiền mã hóa. Thực tế, hai khái niệm này khác nhau như thế nào?
- Blockchain là một công nghệ lưu trữ, còn tiền mã hóa là ứng dụng nổi bật nhất về tài chính của blockchain nên mọi người thường hay đánh đồng chúng với nhau.
Blockchain có rất nhiều ứng dụng khác chứ không chỉ là có tiền mã hóa, hay thậm chí vận dụng vào các hoạt động mà chẳng cần phải có đồng-token mã hóa. Trào lưu gần đây nhất có thể thấy chính là tài sản số NFT cũng dùng blockchain.
- Theo anh, Việt Nam có thể ở vị trí nào trên bản đồ blockchain thế giới?
- Có lẽ câu hỏi đúng hơn nên là: "Việt Nam đã sẵn sàng cho vị trí nào trên bản đồ blockchain thế giới?"
Từ trước đến nay, về mặt sản phẩm công nghệ nói chung thì Việt Nam không được đánh giá cao, mọi người vẫn thiên về công nghệ nước ngoài hơn. Nhưng chỉ tính riêng trong trường hợp blockchain, do công nghệ này cũng chỉ ở những bước khởi đầu, Việt Nam có cơ hội cao để thăng tiến vì đang có cùng xuất phát điểm với cả thế giới về tất cả mọi mặt, như nền tảng công nghệ, nhân sự, sản phẩm đã được khẳng định. Có rất nhiều dự án ở Việt Nam đã đạt được sự thành công được công nhận trên cả thế giới, tạo được niềm tin cho người dùng và cả các nhà đầu tư.
Đó là những tiền đề để thấy rằng nếu được đầu tư và phát triển đúng hướng, được phổ cập và ủng hộ, tôi tin rằng Việt Nam hoàn toàn có khả năng đứng đầu khu vực Đông Nam Á và sẽ có thứ hạng cao ở cả châu Á.
- Khi CZ – CEO Binance đến Việt Nam, anh là người trực tiếp đối thoại với tỷ phú này. Điều gì hoặc chia sẻ nào của CZ khiến anh ấn tượng nhất?
- Về phương diện cá nhân, tôi cảm nhận CZ là một người rất cởi mở và thân thiện trong việc chia sẻ.
Còn điều tôi cảm thấy tâm đắc nhất theo phương diện một người làm blockchain chính là những chia sẻ của CZ cho tôi thấy được là ông ấy và Binance có chung chí hướng với những việc tôi và Hiệp hội Blockchain Việt Nam đang thực hiện, đặc biệt là về mặt giáo dục và phổ cập blockchain đến cho mọi người. Chính sự tương đồng đó sẽ là một cơ sở tốt để cả blockchain Việt Nam và các đối tác lớn như Binance có thể phát triển công nghệ này và mang đến cho hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ người dùng.
Một điều nữa mà tôi nghĩ những người làm công nghệ blockchain tại Việt Nam nên chú ý và cảm thấy tự tin hơn đó là trong cuộc trao đổi với tôi, chính CZ đã dành những lời khen về định hướng mà Việt Nam đang đặt ra cho blockchain và ghi nhận Việt Nam đang đi tiên phong trong thị trường. Tất cả giờ chỉ còn phụ thuộc vào việc chúng ta có sẵn sàng nắm lấy cơ hội để vươn mình hay không mà thôi.
- Cảm ơn anh.
Theo Diệu Tuyết
NĐH