Thời gian gần đây, tại các cuộc tiếp xúc cử tri đã có nhiều ý kiến đề đạt đến đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh về tình hình thiếu thuốc tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Đây là vấn đề bức xúc của người dân và cũng là băn khoăn chung của các cấp chính quyền, ngành Y tế.
Thiếu thuốc, vật tư y tế vấn đề nan giải
Bà Đường Thị Chín rất bức xúc ý kiến lên Đại biểu Quốc hội về việc cấp thuốc bảo hiểm y tế |
Bà Đường Thị Chín ( 62 tuổi, xã Bình Quới, huyện Châu Thành) tại buổi tiếp xúc cử tri Đại biểu Quốc hội sau kỳ họp thứ 3, rất bức xúc: “Toa thuốc của tôi do Bệnh viện Đa khoa Long An cấp sau khi đến khám tại bệnh viện... thay vì được cấp thuốc theo BHYT ở quầy thuốc nhưng lại nói không có, thuốc hết. Tôi phải tự bỏ tiền mua thuốc bên ngoài. Tôi mong muốn các cơ quan hữu quan nhanh chóng giải quyết tình trạng thiếu thuốc để người dân an tâm”.
Ông Dương Văn Vui người dân Xã Lợi Bình Nhơn, Thành phố Tân An bức xúc cho biết: “Để người ta đi mua ở ngoài cũng kẹt, sao ở ngoài có mà ở trong không có. Ở ngoài có thuốc là thế nào, rồi những thuốc đó có đảm bảo chất lượng của ngành y tế hay không, lỡ thuốc giả rồi sao? Tôi thấy bức xúc chỗ đó”.
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đang là vấn đề nan giải |
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Tấn Hòa, nguyên nhân khách quan chủ yếu là các hướng dẫn về pháp lý đang có sự chồng chéo, hết hiệu lực nên gây khó khăn trong công tác thực hiện. Cụ thể, thứ nhất, việc mua sắm thuốc được thực hiện theo Thông tư 15/2019/TT-BYT, ngày 11/7/2019 của Bộ Y tế (Thông tư 15).
Theo đó, Thông tư 15 có quy định tại khoản c, điểm 4, Điều 14 “Khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đơn vị phải tham khảo giá thuốc và dược liệu trúng thầu trong vòng 12 tháng trước của các cơ sở y tế do Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) công bố trên trang thông tin điện tử để làm cơ sở xây dựng đơn giá của từng thuốc, dược liệu”.
Trong khi năm 2021 do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên không có gói thầu thực hiện và phần lớn các địa phương đang sử dụng nguồn thuốc từ kết quả đấu thầu năm 2019 nên không thể có giá để tham khảo.
Đối với việc mua sắm vật tư y tế, sinh phẩm, từ ngày 31/12/2021 trở về trước, việc mua sắm được thực hiện theo Thông tư 14/2020/TT-BYT, ngày 10/7/2020 của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, ngày 08/11/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022. Nghị định này bãi bỏ các Nghị định số 03/2020/NĐ-CP, ngày 01/01/2020; Nghị định số 169/2018/NĐ-CP, ngày 31/12/2018 và Nghị định số 36/2016/NĐ-CP, ngày 15/5/2016 của Chính phủ (các Nghị định này Thông tư 14 hướng dẫn).
Vì vậy, hiện nay, chưa có Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 98/2021/NĐ-CP nên việc đấu thầu mua sắm vật tư y tế, sinh phẩm ở các đơn vị rất lúng túng vì không có cơ sở để làm căn cứ thực hiện.
Thứ hai, do tác động bởi đại dịch Covid-19 và các yếu tố khác khiến cho chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, giá cả vật tư, nguyên liệu đầu vào gia tăng dẫn đến các mặt hàng vật tư y tế, sinh phẩm, thuốc cũng tăng cao. Bên cạnh đó, đến ngày 19/4/2022, Bộ Y tế mới gia hạn cấp phép lưu hành 6.251 mặt hàng thuốc. Khi Long An tổ chức phê duyệt và đấu thầu thì không có các đơn vị tham gia do yêu cầu về giá và các quy định khác theo Thông tư 15 của Bộ Y tế không bảo đảm.
Về lý do chủ quan, tỉnh cũng nhìn nhận là thời gian qua, việc thực hiện Thông tư 15 đầu thầu mua thuốc đối với các cơ sở khám, điều trị bệnh tại bệnh viện và Trung tâm y tế thì lực lượng chuyên môn chưa đảm đương được. Cũng như tập trung chống dịch ưu tiên hàng đầu nên khi mua sắm thuốc cũng có ảnh hưởng".
Giải pháp, bảo đảm quyền lợi cho người dân
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An-Phạm Tấn Hòa chủ trì tại điểm cầu tỉnh Long An ngày 29-6. |
Ông Phạm Tấn Hòa– Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An khẳng định: “Trước thực trạng này, UBND tỉnh cũng có nhiều giải pháp linh động để xử lý. Ví dụ như chỉ đạo cho ngành y tế cho điều chuyển thuốc giữa các Trung tâm Y tế, giữa các bệnh viện với nhau, giữa các địa phương với nhau. Vấn đề thứ 2 là trong thời gian phê duyệt gói thầu, ít nhất cũng 3 tháng, nên trong thời gian này tỉnh cũng cho phép các nơi thiếu thuốc cấp bách tổ chức chỉ định thầu những loại có giá, có lưu hành ở thị trường để mua sắm, làm sao phục vụ tốt nhất việc khám chữa, bệnh, đặc biệt là bệnh nhân khám BHYT. Song song đó, UBND tỉnh có văn bản kiến Bộ Y tế, Bộ Khoa học đầu tư, Bộ Tài chính, sớm có những hướng dẫn cụ thể về pháp lý để ngành y tế có đủ điều kiện tổ chức mua sắm đúng quy định pháp luật”.