vĐồng tin tức tài chính 365

Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa tăng nhẹ

2022-07-03 18:11

Giá lúa tăng nhẹ trở lại so với tuần trước

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, nhiều loại lúa có sự tăng giá so với tuần trước như: Nàng Hoa 9 từ 6.400 - 6.500 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg; OM 18 từ 6.000 - 6.100 đồng/kg, tăng 100 đồng; IR 50404 ở mức từ 5.500 - 5.700 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; riêng OM 5451 từ 5.800 - 6.000 đồng/kg vẫn giữ ổn định.

Về giá các loại gạo ở An Giang vẫn duy trì ổn định, như: Hương lài 19.000 đồng/kg, Sóc Thái 18.000 đồng/kg, gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg, Nàng Hoa 17.500 đồng/kg, gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài từ 18.000 - 19.000 đồng/kg; Jasmine từ 15.000 - 16.000 đồng/kg; gạo thường từ 11.500 - 12.500 đồng/kg.

Mới đây, sản phẩm gạo ST25 mang thương hiệu A An được Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long đưa thành công vào thị trường Nhật Bản. Gạo sẽ được nhập khẩu bởi Công ty Suntomi International và sau đó sẽ được Công ty Spice House phân phối trong các siêu thị và cửa hàng.

Ông Nguyễn Chánh Trung, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long cho biết công ty đã đưa thị trường Nhật Bản vào kế hoạch xuất khẩu cách đây một năm khi lần đầu tiên cho ra mắt gạo ST25 tại thị trường nội địa. Khi tham gia vào thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp không đặt mục tiêu về số lượng mà muốn tiếp cận các đối tượng khách hàng cụ thể và lựa chọn đối tác thương mại phân phối bán lẻ có uy tín.

Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cũng cho biết, đơn vị đã hoàn tất việc xuất khẩu gần 500 tấn gạo mang thương hiệu riêng của tập đoàn - "Cơm ViệtNam Rice" sang thị trường châu Âu trong tháng 6/2022.

Kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực đến nay, Tập đoàn Lộc Trời đã xuất khẩu khoảng 30.000 tấn gạo sang thị trường châu Âu. Tuy nhiên, các lô gạo xuất khẩu trước đó chỉ được phân phối dưới thương hiệu của đối tác các nước sở tại và đây là lần đầu tiên gạo do Lộc Trời tham gia sản xuất, mang thương hiệu riêng được xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Tuy số lượng không lớn nhưng việc các doanh nghiệp đáp ứng tốt hơn thị hiếu tiêu dùng của từng thị trường, đặc biệt với thương hiệu riêng của chính doanh nghiệp Việt đã góp phần nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của lúa gạo và nông sản Việt trên toàn thế giới.

Về giá gạo xuất khẩu, tuần qua giá gạo 5% tấm Việt Nam chào bán ở mức từ 415 - 420 USD/tấn, giảm từ mức từ 418 - 423 USD/tấn của tuần trước. Một thương nhân nói: “Nguồn cung trong nước đang tăng khi hoạt động thu hoạch vụ Hè Thu đang diễn ra”.

Trong khi đó, nhu cầu đối với gạo Ấn Độ tăng mạnh trong tuần này do đồng rupee giảm, khiến gạo Ấn Độ trở nên hấp dẫn hơn so với gạo của Thái Lan và Việt Nam, còn Bangladesh cắt giảm thuế nhập khẩu để "hạ nhiệt" giá gạo trong nước.

Tại Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo hàng đầu, giá gạo 5% tấm trong tuần này không thay đổi so với tuần trước, ở mức từ 355 - 360 USD/tấn. Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada ở bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ cho biết: “Người mua đang ưa chuộng gạo Ấn Độ vì giá thấp hơn. Nhu cầu rất cao đối với gạo trắng 25% và 100% tấm”.

Trong khi đó, tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm đứng ở mức từ 412 - 415 USD/tấn trong tuần này, giảm so với mức từ 420 - 425 USD/tấn của tuần trước.

Một thương nhân ở Bangkok cho biết: “Nhu cầu đang tăng nhưng không nhiều. Thị trường trầm lắng trong bối cảnh giá gạo của Ấn Độ rẻ hơn gạo Thái Lan”. Thương nhân trên cho biết thêm, người nông dân đang kỳ vọng vào triển vọng sản lượng cao trong năm nay, nhưng đồng thời họ đang chịu áp lực từ chi phí phân bón tăng cao.

Bangladesh cắt giảm thuế nhập khẩu gạo từ 62,5% xuống còn 25% và giới thương nhân cho biết một lượng lớn gạo sẽ đến từ quốc gia láng giềng Ấn Độ. Lũ lụt nguy hiểm tại Bangladesh làm thiệt hại nhiều diện tích cây trồng và khiến giá trong nước tăng đột biến, mặc dù đây là mùa thu hoạch cao điểm của vụ lúa lớn nhất của quốc gia Nam Á này.

Mặc dù Bangladesh là nước sản xuất gạo lớn thứ ba thế giới, nhưng quốc gia này thường xuyên phải nhập khẩu lương thực để đối phó với tình trạng thiếu hụt do thiên tai như lốc xoáy và lũ lụt.

Lực bán mạnh kéo giá cà phê trên 2 sàn thế giới giảm sâu

Giá cà phê hôm nay 3/7 tại thị trường trong nước không có biến động mới so với hôm qua. Tuần này, thị trường cà phê trong nước giảm tới 600 đồng/kg.

Cụ thể, cà phê tại Di Linh, Bảo Lộc và Lâm Hà của tỉnh Lâm Đồng hôm nay đang thu mua ở giá 41.900 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk), giá cà phê hôm nay giữ ở mức 42.400 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk) và Buôn Hồ (Đắk Lắk), giá cà phê hiện cùng giữ mức 42.300 đồng/kg.

Tại Gia Nghĩa và Đắk R'lấp của tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay lần lượt thu mua ở mức 42.300 và 42.200 đồng/kg.

Giá cà phê hôm nay tại Chư Prông tỉnh Gia Lai đang ở mức 42.300 đồng/kg; ở Pleiku và La Grai cùng mức 42.200 đồng/kg. Còn, giá cà phê tại tỉnh Kon Tum đang thu mua với mức 42.200 đồng/kg.

Tại thị trường thế giới, giá cà phê hôm nay 3/7 duy trì ổn định ở cả 2 sàn giao dịch lớn.

Kết thúc phiên giao dịch mới nhất, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 7/2022 được ghi nhận tại mức 1.991 USD/tấn sau khi giảm 1,34% (tương đương 27 USD).

Giá cà phê arabica giao tháng 7/2022 tại New York đạt mức 228,45 US cent/pound, giảm 2,2% (tương đương 5,15 US cent) tại thời điểm khảo sát vào lúc 7h20 (giờ Việt Nam).

Giá cà phê thế giới đồng loạt giảm mạnh trên cả 2 sàn. Đồng nội tệ Real của Brazil xuống mức thấp nhất 20 tuần qua đã kéo giá cà phê Arabica rớt mạnh.

Thị trường cà phê New York giảm điểm cũng kéo theo luôn giá cà phê Robusta trên sàn London thủng mốc nguy hiểm 2.000 USD/tấn. Lực bán trên cả 2 sàn là rất mạnh.

Trước đó, giá cà phê Arabica có được sự hỗ trợ sau báo cáo tồn kho do ICE chứng nhận đã giảm xuống mức thấp 22 năm. Trong khi đó, thông tin về một cơn bão sẽ đi vào Colombia làm vụ thu hoạch Mitaca giữa năm bị chậm lại góp phần gây áp lực lên nguồn cung trong ngắn hạn. Trong khi đó nguồn cung từ các nhà sản xuất chính khu vực Mỹ Latinh có dấu hiệu cạn kiệt.

Còn giá cà phê Robusta tại London tiếp tục lún sâu, khi có báo cáo của Tổng cục Thống kê Việt Nam ước tính xuất khẩu cà phê trong tháng 6 tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước, đưa xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu năm 2022 lên đạt tổng cộng 1,03 triệu tấn, tăng 21,7% so với cùng kỳ.

Điểm sáng xuất khẩu chưa vực được thị trường tiêu trong nước

Giá tiêu hôm nay 3/7, tại thị trường trong nước ổn định ở một số địa phương, giao dịch từ 69.000 – 72.000 đồng/kg.

Cụ thể, tại Gia Lai, Đồng Nai, thấp nhất thị trường khi ở mức 69.000 đồng/kg. Tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk (70.500 đồng/kg); Bình Phước (71.000 đồng/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 72.000 đồng/kg.

Tổng kết tuần, các tỉnh Đông Nam Bộ giảm 1.000 đồng/kg, còn ở khu vực Tây Nguyên giảm trung bình 500 đồng/kg.

Ngày đầu tiên của tháng 7/2022, Cộng đồng Hồ tiêu thế giới đã niêm yết giá tiêu đen và tiêu trắng xuất khẩu của Việt Nam giảm 100 USD/tấn, tương ứng với 3.750 USD/tấn tiêu đen loại 500g/l và 5.700 USD/tấn với tiêu trắng. Cùng đà giảm có giá tiêu xuất khẩu của Brazil và Indonesia, còn các thị trường khác giữ nguyên.

Trong gần 1 tháng trước đó, giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam đã được Cộng đồng Hồ tiêu thế giới neo ở mức ổn định và ghi nhận tăng nhẹ. Tuy nhiên, với những diễn biến giảm giá liên tục của thị trường trong nước, giá tiêu xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng.

Theo thống kê sơ bộ, xuất khẩu hồ tiêu tháng 6/2022 đạt gần 25.000 tấn, cao nhất từ đầu năm, đưa giá trị kim ngạch vượt mốc nửa tỷ USD sau nửa đầu của năm 2022. Lực mua tăng từ thị trường Trung Quốc tiếp tục là động lực giúp xuất khẩu hồ tiêu phát triển.

Đầu tháng 7/2022, ngoài kỳ vọng thị trường ở quốc gia láng giềng tiếp tục mua mạnh, giá tiêu còn đang chờ đợi một đợt điều chỉnh đến từ phiên họp tháng 7 của Fed.

Bà Mester - một thành viên có quyền biểu quyết trong Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC - cơ quan thuộc Fed) - cho biết cuộc họp tháng 7 nhiều khả năng sẽ có sự tranh cãi giữa việc nâng lãi suất 50 hay 75 điểm cơ bản. Như vậy, đà tăng của lãi suất tiếp tục được Fed đưa ra nhằm kiềm chế lạm phát. Và điều này chắc chắn ảnh hưởng bất lợi đến thị trường hồ tiêu toàn cầu nói chung, Việt Nam nói riêng.

Cũng theo tổng hợp của Cộng đồng Hồ tiêu thế giới, thị trường tuần này (27/6 - 2/7) phản ứng trái chiều khi chỉ có giá tiêu nội địa Sri Lanka tăng. Mặc dù đồng Rupee của Ấn Độ suy yếu so với USD, ghi nhận mức giảm giá 1%, nhưng giá tiêu Ấn Độ vẫn ổn định trong tuần này. Bên cạnh đó, giá tiêu Indonesia cũng lấy lại được sự ổn định sau nhiều tuần giảm.

Theo The Phnom Penh Post, sản lượng hồ tiêu của Campuchia năm nay có thể tăng khoảng 1/10 so với mức ghi nhận vào năm 2021.

Trong số các giống tiêu được trồng ở Campuchia, tiêu Kampot - được trồng ở tỉnh ven biển cùng tên, là loại tiêu được đánh giá cao nhất, và vẫn là giống duy nhất của nước này được bảo hộ theo chỉ dẫn địa lý quốc gia (GI).

Được biết, những trận mưa lớn trái mùa vào tháng 2, tháng 3 và tháng 4 năm nay đã đẩy sản lượng tiêu được gắn GI trong năm tăng khoảng 10% so với năm 2021.

Tuệ Minh (tổng hợp)

Xem thêm: lmth.415855a-ehn-gnat-aul-aig-auq-naut-nas-gnon-gnourt-iht/nv.nitaudiougn.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa tăng nhẹ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools