Doanh thu hơn 7,7 nghìn tỷ
Ngày 2/7, Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans), (HOSE: PVT) đã có báo cáo nội dung Biên bản và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 đến Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh.
Trong năm 2021, hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư tủa PVTrans chịu nhiều tác động do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước, đặc biệt là việc giãn cách xã hội tại Tp.Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam trong toàn bộ quý 3/2021. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính năm 2021 đã được kiểm toán, doanh nghiệp này đạt được nhiều thành tựu khả quan.
Theo đó, doanh thu đạt 7.715,8 tỷ đồng, tương đương 129% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế 1.040,2 tỷ đồng, tương đương 208% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 834,5 tỷ đồng, tương đương 207% năm. Công ty nộp ngân sách nhà nước đạt 449,2 tỷ đồng, tương đương 244% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế luỹ kế đến 31/12/2021 gần 503 tỷ đồng.
Năm 2021, Công ty mẹ PVTrans đã hoàn tất việc đầu tư 1 tàu chở dầu, hoá chất trọng tải khoảng 20.000 DWT (tàu Azura) và 1 tàu chở dầu, hoá chất trọng tải khoảng 13.000 DWT (tàu Oriana).
Các đơn vị thành viên cũng đầu tư thành công 4 tàu nâng tổng số tàu đầu tư trong năm của PVTrans là 6 tàu. Các tàu này đều được đưa vào khai thác an toàn, hiệu quả tại thị trường quốc tế ngay sau khi nhận tàu.
Về đầu tư tài chính, trong năm 2021, Công ty mẹ PVTrans đã thực hiện việc góp vốn 319 tỷ đồng tại 2 công NVTrans và Gas Shipping để 2 công ty thực hiện đầu tư mở rộng đội tàu chở dầu, hoá chất và khí dầu mỏ hoá lỏng. Theo đó, NVTrans đã thực hiện việc đầu tư 1 tàu VLGC, loại tàu chở khí hoá lỏng lạnh, có trọng tải khoảng 85.000 DWT và Gas Shipping đã đầu tư 1 tàu chở dầu, hoá chất trọng tải khoảng 20.000 DWT. Cả hai tàu này đều đang hoạt động tại thị trường quốc tế thuộc phân khúc tàu có yêu cầu cao về quản lý khai thác.
Công ty vận chuyển an toàn, kịp thời toàn bộ nguyên liệu dầu thô đầu vào và sản phẩm khí dầu mỏ hoá lỏng dầu ra của Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Vận chuyển toàn bộ sản lượng dầu sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn do PVOil tiêu thụ, đồng thời giam gia vận chuyển cho các đầu mối xăng dầu khác trong nước.
Doanh nghiệp cũng tiếp tục tham gia tìm kiếm và cung cấp tàu VLCC (tàu chở dầu thô) để vận chuyển dầu thô nhập khẩu cho Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn, làm cơ sở cho việc đầu tư tàu loại này trong thời gian tới.
Tiếp tục tham gia vận chuyển dầu thô, dầu sản phẩm, hoá chất, khí dầu hoá lỏng, hàng rời tại thị trường trong nước cũng như thị trường quốc tế để khai thác tối đa năng lực đôi tàu hiện có và tăng nguồn thu ngoại tệ, hiện chiếm gần 80% số lượng tàu của PVTrans đang khai thác thị trường quốc tế.
Doanh nghiệp cũng quản lý vận hành, khai thác an toàn hiệu quả FSO PVN Đại Hùng Queen tại mỏ Đại Hùng, duy trì dịch vụ O&M tàu FPSO Lewek Emas tại mỏ Chim Sáo và dàn CPP cho Idemitsu tại mỏ Sao Vàng Đại Nguyệt.
Hiện tại, khoảng 80% đội tàu của PVTrans đang khai thác trên các tuyến quốc tế, mang lại doanh thu chiếm tỷ trọng khoảng 60% tổng doanh thu dịch vụ vận tải. Trong đó, mảng dầu thô chiếm 15% dầu sản phẩm, hoá chất chiếm khoảng 70%, khí hoá lỏng khoảng 60% và hàng rời chiếm 100%.
Những mục tiêu lợi nhuận
Với doanh thu 2021 ấn tượng, doanh nghiệp này đặt mục tiêu tổng doanh thu năm 2022 là 6.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 480 tỷ đồng và nộp ngân sách Nhà nước 245 tỷ đồng.
Công ty cũng dự định đầu tư thêm tàu khoảng 2.915,5 tỷ đồng, đầu tư góp vốn và các đơn vị thành viên 373 tỷ đồng và mua sắm trang thiết bị khoảng 10 tỷ đồng.
Doanh nghiệp này hiện đang đảm nhận chính việc vận chuyển các sản phẩm xăng dầu đầu ra và tham gia một phần vận chuyển dầu thô của Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn. Do đó, nhiều cổ đông thắc mắc về việc thiếu hụt sản lượng từ nhà máy Nghi Sơn trong 6 tháng đầu năm đã ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của PVTrans như thế nào?
Đoàn Chủ tịch Đại hội đồng cổ đông cho rằng, Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn đã giảm công suất hoạt động từ tháng 1/2022 do sự cố kĩ thuật và vấn đề tài chính. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng trọng yếu đến kết quả kinh doanh của PVTrans trong thời gian qua do nguồn hàng của đầu mối lớn như PVOil vẫn duy trì ổn định.
Dự kiến 6 tháng cuối 2022, nhà máy sẽ đi vào hoạt động ổn định trở lại, ngoại trừ có thời điểm giảm công suất do thay thế chất xúc tác. Do đó, kế hoạch vận chuyển của PVTrans không bị ảnh hưởng nhiều.
Ngoài ra, PVTrans dự kiến phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối dựa trên báo cáo tài chính riêng Công ty mẹ năm 2021 đã được kiểm toán. Theo đó, số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành tăng vốn cổ phần hơn 32,3 triệu cổ phiếu. Mỗi cổ phiếu có mệnh giá 10 nghìn đồng.
Tổng giá trị cố phiếu dự kiến phát hành hơn 32,3 tỷ đồng. Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2022.
Đối tượng phát hành là cổ đông hiện hữu của PVTrans có tên trong danh sách cổ đông tại thời điểm chốt danh sách cổ đông. Cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 10 cổ phiếu mới.
Việc phát hành cổ phiếu này nhằm bổ sung vốn phục vụ cho kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của PVTrans.
PVTrans tiền thân là Công ty vận tải Dầu khí được thành lập 2002. Năm 2007, công ty hoàn thành cổ phần hoá và đổi tên thành Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí.
Doanh nghiệp có vốn điều lệ 3.560 tỷ đồng. Trụ sở của công ty hiện ở phường Đa Kao, quận 1, Tp.Hồ Chí Minh.