Thực trạng và những lo ngại
Phát biểu tại hội thảo “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong tình hình mới” do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Trần Hữu Linh (Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường) cho biết, những năm gần đây, cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, thương mại điện tử Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể, các hoạt động kinh doanh, mua bán trực tuyến ngày càng phổ biến đã và đang đem lại những giá trị, lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, người dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ đổi mới.
Theo Sách Trắng thương mại điện tử, năm 2020, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức trên 30% và quy mô khoảng 15 tỷ USD. Dự kiến, đến năm 2025, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt mức 35 tỷ USD, tương đương với việc mỗi người dân sẽ chi tiêu khoảng 600 USD/năm thông qua mua sắm online. Điều này cho thấy, Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về phát triển thương mại điện tử, với tốc độ tăng trưởng thuộc top 3 trong khu vực Ðông Nam Á.
Ông Trần Hữu Linh nhìn nhận, dịch bệnh Covid-19 lây lan mạnh trong cộng đồng, khiến cho nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, việc kinh doanh, mua bán hàng hóa trực tiếp của người dân bị ảnh hưởng, đặc biệt bị đình trệ trong thời gian toàn.
Các tỉnh, thành phố bị giãn cách, nên việc kinh doanh, mua bán, giao nhận và vận chuyển hàng hóa qua các hình thức thương mại điện tử càng trở nên hữu dụng và được người dân sử dụng thường xuyên. Hàng hoá giới thiệu trên các ưebsite bán hàng trực tuyến, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, ứng dụng bán hàng như: shopee, Lazada, Tiki, chotot.vn, sendo… rất phong phú, đa dạng với hàng ngàn chủng loại sản phẩm, nhiều hình thức dịch vụ giao nhận, thanh toán khác nhau.
Tình trạng gian lận thương mại trên các sàn thương mại điện tử hiện đang là vấn đề nhức nhối đối với cơ quan chức năng, đặc biệt là vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước những chiêu thức ngày càng tinh vi của các trang mua bán điện tử.
“Mặc dù đã quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn, nhưng số lượng các vụ việc được phát hiện, xử lý còn thấp, trong khi đó các hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để vi phạm pháp luật ngày càng phức tạp. Việc xử lý vi phạm đối với các hành vi gian lận thương mại trên các sàn thương mại điện tử cũng gặp không ít khó khăn, do việc thực hiện kiểm tra, truy tìm được những doanh nghiệp “ảo” này không đơn giản”, ông Trần Hữu Linh nêu rõ.
Chính vì tốc độ tăng trưởng nhanh và doanh thu ngày càng lớn, các đối tượng thường xuyên tận dụng mọi kẽ hở để một mặt cung cấp thông tin về hàng hóa, thông tin giao dịch trên Internet; quảng bá trực tuyến và khuyến mại rầm rộ; mặt khác thẩm lậu hoặc đưa những hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ qua cửa khẩu, biên giới, cảng biển, sân bay… bán tràn lan trên thị trường nội địa với quy mô lớn.
Theo đó, thương mại điện tử đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế nói chung và với công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện, xử lý và ngăn chặn các hành vi vận chuyển, kinh doanh, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử nói riêng. Nhất là thương mại điện tử về thực phẩm.
Đối với công tác triển khai thực hiện, ông Trần Hữu Linh cho biết, thực hiện Quyết định số 2981/QĐ-BCT ngày 1/10/2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt Kế hoạch tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm đến hết năm 2020.
Làm sao để chống gian lận, bảo vệ người tiêu dùng?
Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tổ chức theo dõi thông tin, nắm tình hình địa bàn, thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, đôn đốc việc tuân thủ pháp luật về thương mại điện tử (TMĐT) của các thương nhân, tổ chức, cá nhân và các mô hình kinh doanh thương mại điện tử; chủ trì, phối hợp xử lý các vụ việc hoặc chuyển hồ sơ đến cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến thương mại điện tử.
Ngày 28/2/2020, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành Quyết định số 368/QĐ-TCQLTT về việc thành lập Tổ công tác về TMĐT (Tổ công tác 368). Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu, giúp việc Tổng cục trưởng trong công tác Quản lý thị trường về thương mại điện tử như: Thu thập, tiếp nhận, xác minh thông tin các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại điện tử.
Tiếp đó ngày 27/7/2021, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành Quyết định số 1988/QĐ-TCQLTT về việc thành lập Tổ công tác về Thương mại điện tử (thay thế Quyết định 368/QĐ-TCQLTT ngày 28/2/2020 của Tổng cục Quản lý thị trường). Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu, giúp việc Tổng cục trưởng trong công tác quản lý thị trường về thương mại điện tử như: Thu thập, tiếp nhận, xác minh thông tin các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Cùng ngày 27/7/2021, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành Công văn số 1621/TCQLTT-VPTC gửi các Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố về việc thành lập Tổ công tác về thương mại điện tử.
Ngoài ra, Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì thành lập Đoàn theo dõi tình hình thi hành pháp luật về kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử, tiến hành xem xét, đánh giá tình hình tuân thủ pháp luật, thống nhất trong áp dụng pháp luật về kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử và xem xét, đánh giá tình hình bảo đảm các điều kiện thi hành pháp luật về kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử tại một số Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Tổng cục Quản lý thị trường cũng thông tin về kết quả kiểm tra, xử lý, vụ việc. Cụ thể, báo cáo của Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2021 lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thực hiện kiểm tra 140 vụ việc liên quan đến thương mại điện tử, xử lý 132 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính gần 2,5 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm gần 3,5 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại.
Báo cáo 6 tháng năm 2022 cho thấy, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã thực hiện kiểm tra 45 vụ việc, xử lý 42 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 700 triệu đồng, trị giá hàng vi phạm gần 1,2 tỷ đồng (hành vi vi phạm chủ yếu kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại).
Một số vụ việc điển hình trong thời gian gần đây
Ngày 13/5/2022, Đội Quản lý thị trường số 24 (Cục QLTT Hà Nội) phát hiện và tạm giữ hàng nghìn thùng bánh bông lan nghi nhập lậu.
Cũng trong ngày 30/5/2022, Ðội Quản lý thị trường số 6, Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn đã kiểm tra và tạm giữ 01 tấn nầm lợn đang biến đổi chất, bốc mùi hôi thối. Nếu không ngăn chặn được số nầm lợn này thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ của người tiêu dùng.
Ngày 3/6/2022, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương phát hiện gần 2 tấn mỡ lỏng đựng trong nilon đang bốc mùi. Số mỡ lỏng này có màu nâu đục này nếu được xử lý qua “hóa chất chuyên dụng” nhiều khả năng sẽ được các đối tượng làm ăn phi pháp sử dụng trong chế biến các loại thực phẩm kém chất lượng để tuồn ra thị trường tiêu thụ, tiềm ẩn nguy cơ cao về mất an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm.
Tiếp đó ngày 13/6/2022, Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang đã tạm giữ hơn 1 tấn xí muội (ô mai) không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ngày 16/6/2022, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Long An đã ngặn chặn trên 100 kg bột ngọt giả mạo nhãn hiệu AJINOMOTO đang được đưa ra thị trường tiêu thụ.
Lãnh đạo Tổng Cục Quản lý thị trường nhấn mạnh, về thuận lợi, lực lượng Quản lý thị trường và các đơn vị thuộc Bộ đã tích cực, chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm, góp phần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường, góp phần ổn định thị trường, đảm bảo trật tự an toàn và an sinh xã hội.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về thương mại điện tử, ký cam kết không kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng hóa vi phạm sở hữu công nghiệp, hàng hóa không đảm bảo chất lượng được triển khai từ bước trên các địa bàn, đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong việc chấp hành các quy định pháp luật về thương mại điện tử của các tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng.
Qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý kịp thời nhiều vi phạm pháp luật trong an toàn thực phẩm, có tác dụng răn đe, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Đồng thời, thông qua công tác kiểm tra, kết hợp tuyên truyền hướng dẫn các cơ sở, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, thực hiện tốt các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm. Việc kinh doanh hàng hoá kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng và không rõ nguồn gốc đã giảm so với trước.
Ông Trần Hữu Linh cũng nêu bật những khó khăn, tồn tại, cơ cấu tổ chức của lực lượng quản lý thị trường không có đơn vị chuyên trách về lĩnh vực quản lý, kiểm tra các hoạt động liên quan đếnthương mại điện tử. Nguồn nhân lực trong lực lượng Quản lý thị trường còn nhiều hạn chế về trình độ chuyên môn khi phải tiếp cận với lĩnh vực mới như thương mại điện tử, trong khi đó, nguồn nhân lực của các Cục, Vụ thuộc Bộ cũng còn ít trong khi chức năng, nhiệm vụ được giao còn nhiều.
Không những thế các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng lậu trên mạng thường xuyên lợi dụng kho hàng, xe hàng của các hãng chuyển phát, giao nhận để cất giấu và vận chuyển hàng hóa tới tận tay người tiêu dùng nhưng lực lượng quản lý thị trường không có thẩm quyền dừng xe, mở niêm phong kiểm tra. Việc chia sẻ thông tin của các đơn vị chuyển phát trong công tác khám kho hàng, khám phương tiện vận tải hoặc ít nhất là cung cấp thông tin về đối tượng bán hàng để lực lượng quản lý thị trường kịp thời xử lý còn nhiều hạn chế.
Bên cạnh đó việc chủ động nắm thông tin, phát hiện vi phạm trên môi trường mạng gặp nhiều khó khăn, hạn chế do các đối tượng vi phạm thường giới thiệu trên website là mẫu hàng chính hãng, đầy đủ thông tin, giấy tờ nhưng khi giao hàng thì giao hàng giả hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng.
Các trường hợp vi phạm rõ ràng chưa có biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn, xử lý kịp thời mà vẫn phải thông qua nhiều quy trình phức tạp (xác minh chủ thể đăng ký, chủ sở hữu trang web, xác minh giao dịch với sàn TMĐT, kiểm tra, lập biên bản vi phạm…).
Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường nêu, việc truy xuất, lưu trữ các giao dịch thương mại điện tử, hàng hóa giao dịch còn gặp nhiều khó khăn. Các giao dịch, thanh toán trên mạng đều chớp nhoáng và vô hình; không có địa điểm kinh doanh rõ ràng, không thể kiểm tra được ngay. Có những đối tượng duy trì thường trực hàng trăm tài khoản trên các sàn giao dịch thương mại điện tử để ngay lập tức có thể thay đổi khi bị phát hiện.
Lý do khó phát hiện
“Việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng đòi hỏi phải có dấu hiệu, chứng cứ vi phạm cụ thể. Trong khi các giao dịch, thanh toán trên mạng đều có rủi ro bị hủy, xóa dấu vết rất nhanh, trong khi thẩm quyền của lực lượng quản lý thị trường không thể đề xuất lấy các sao kê ngân hàng để theo dõi giao dịch tài chính của đối tượng mà phải thông qua cơ quan công an. Các đối tượng kinh doanh hàng hóa vi phạm thường có quy mô nhỏ lẻ nên rất khó phát hiện, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm”, ông Trần Hữu Linh chia sẻ.
Ngoài ra, các website và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng và rất khó kiểm soát. Một số đối tượng lập các website TMĐT, mạng xã hội với nội dung thông tin y hệt các website, địa chỉ của các cơ sở có uy tín khác khiến người tiêu dùng bị nhầm lẫn. Những trang mạng này còn sử dụng trái phép hình ảnh của nghệ sỹ, người nổi tiếng để quảng bá các sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm... do mình tự sản xuất, gia công rồi sử dụng các mạng xã hội (Facebook, Zalo…), chào bán qua các website TMĐT nhưng không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước nên chỉ khi lực lượng Quản lý thị trường xác minh, kiểm tra theo phản ánh của báo chí, truyền thông hoặc của người tiêu dùng, qua các trang mạng xã hội mới bị phát hiện và xử lý.
Bản thân người tiêu dùng chưa nâng cao ý thức trong hoạt động mua bán thực phẩm, ý thức tố giác tội phạm còn e dè đã nhiều khi tiếp tay cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đúng theo quy định của pháp luật.
Tổng Cục Quản lý thị trường cũng kiến nghị cần cường phối hợp, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm Theo đó, Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố triển khai công tác quản lý địa bàn; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, thanh tra chuyên ngành, tăng cường kiểm tra và xử lý trong lĩnh vực thương mại điện tử; công tác phối hợp rà soát, trao đổi và cung cấp thông tin giữa các đơn vị trong Bộ Công Thương để tiến hành thanh tra, kiểm tra các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Đặc biệt là phối hợp với các đơn vị bán tên miền và cung cấp dịch vụ máy chủ, ngân hàng, viễn thông, chuyển phát trong việc xác minh đối tượng để kiểm tra và xử lý vi phạm.
Trên cơ sở đó, rà soát phân loại, kiểm soát website thương mại điện tử, kiểm tra rà soát, phân loại danh sách các website, ứng dụng thương mại điện tử kinh doanh các nhóm mặt hàng như dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền và nhóm các mặt hàng giả mạo nhãn hiệu sở hữu trí tuệ xuất hiện nhiều trên mạng như thời trang, quần áo, giầy dép, túi xách, đồng hồ… và các nhóm mặt hàng kinh doanh có điều kiện khác…
Tập trung kiểm soát website thương mại điện tử: Kiểm soát về giao kết hợp đồng của website thương mại điện tử (Cung cấp các điều khoản của hợp đồng khi sử dụng chức năng đặt hàng trực tuyến, đề nghị giao kết hợp đồng, trả lời đề nghị giao kết hợp đồng, thời điểm giao kết hợp đồng, chấm dứt giao kết hợp đông); Kiểm soát an toàn, an ninh trong giao dịch thương mại điện tử (Trách nhiệm bảo vệ thông tin cá nhận trong thương mại điện tử, trách nhiệm đảm bảo an toàn thanh toán trong thương mại điện tử).
Liên quan đến công tác nâng cao năng lực thực thi pháp luật về thương mại điện tử, thời gian tới Tổng Cục Quản lý thị trường sẽ đẩy mạnh đào tạo, tập huấn cho lực lượng quản lý thị trường về, các cán bộ thực thi công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong TMĐT của Bộ Công Thương. Đặc biệt các kỹ năng liên quan tới điều tra, thu thập chứng cứ, thông tin đối tượng.
Tập huấn, đào tạo cho các doanh nghiệp, đặc biệt các chủ sở hữu các nhãn hiệu đã được bảo hộ nhằm tạo cơ chế thuận lợi trong việc giải quyết khiếu nại, thẩm tra, xác minh và giám định các sản phẩm hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật: Mở rộng triển khai và cụ thể hóa nội dung của Lễ ký cam kết “Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử”. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để hoạt động này lan tỏa rộng rãi trong doanh nghiệp thương mại điện tử, đặc biệt là đối với các sàn giao dịch thương mại điện tử và đặc biệt là người tiêu dùng trong việc chủ động trang bị các kỹ năng mua hàng trên mạng; cảnh giác cao độ với những chào bán bám đuổi trên các thiết bị điện tử. Đồng thời bản thân người tiêu dùng cũng phải nâng cao tinh thần trách nhiệm khi mua hàng và phải nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ…
Đâu là giải pháp?
Phương hướng thời gian tới, Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới, văn bản số 168/TCQLTT-CNV ngày 10 tháng 2 năm 2022 của Tổng cục Quản lý thị trường về thực hiện Kế hoạch triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2022.
Tăng cường công tác hướng dẫn, tuyên truyền pháp luật cho tổ chức, cá nhân kinh doanh về tác hại của việc kinh doanh và sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Thông qua các phương tiện truyền thông kịp thời đưa tin tình hình kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, biểu dương các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt các quy định của luật pháp cũng như phê phán nghiêm khắc các hành vi vi phạm pháp luật.
Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương như công an, thanh tra y tế, thanh tra Sở Nông nghiệp, thanh tra Sở Công Thương… nhằm mang lại hiệu quả cao trong kiểm tra, xử lý vi phạm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; chú trọng kiểm tra các kho hàng thực phẩm đông lạnh và trong lưu thông nhằm ngăn chặn việc buôn bán các loại thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc.
Tại Công văn số 3986/VPCP-V.I ngày 28/6, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 399/KH-BCĐ389 ngày 10/10/2020 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử và các văn bản liên quan.
Đồng thời, chủ động, nắm chắc diễn biến tình hình, tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động thương mại điện tử (quảng cáo, giới thiệu, chào bán, vận chuyển, giao nhận hàng hóa); đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử.
Tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị, lực lượng chức năng trong quá trình thực thi nhiệm vụ; kịp thời phát hiện những bất cập, sơ hở, chồng chéo để thống nhất kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật và kết quả phát hiện, xử lý các vụ việc vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân; công bố, công khai rộng rãi số điện thoại, e-mail đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 các cấp, bảo đảm thu thập, xử lý kịp thời tin báo từ người dân và doanh nghiệp về hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên môi trường thương mại điện tử theo đúng Quy chế tiếp nhận, xử lý tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; có giải pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực thực thi pháp luật về thương mại điện tử cho đội ngũ làm công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về thương mại điện tử.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng yêu cầu khen thưởng kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; đồng thời, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có hành vi bao che, tiếp tay, bảo kê cho các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.
Phó Thủ tướng giao Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia theo dõi việc thực hiện và tổng hợp kết quả, báo cáo Trưởng ban; đồng thời, tham mưu Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức sơ kết 02 năm thực hiện Kế hoạch số 399/KH-BCĐ389 ngày 10/10/2020 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử, trên cơ sở đó đề xuất Trưởng ban tiếp tục chỉ đạo trong thời gian tới.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, những năm qua, hoạt động thương mại điện tử ở nước ta đã có những bước phát triển đáng kể, các hoạt động kinh doanh, mua bán trực tuyến ngày càng phổ biến đã và đang đem lại những giá trị, lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới, khu vực và trong nước diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu dùng không qua tiếp xúc trực tiếp với tổ chức, cá nhân cung cấp sản phẩm hàng hóa của người tiêu dùng tăng cao, các tổ chức, cá nhân đã triệt để lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, chủ yếu là qua hoạt động chuyển phát nhanh, qua các trang mạng để quảng cáo, giới thiệu, cung cấp thông tin sai lệch về sản phẩm, chào bán các sản phẩm hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng không có hóa đơn, chứng từ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hảng giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng, hàng kém chất lượng, hàng hạn chế kinh doanh, hàng kinh doanh có điều kiện, hàng quá hạn sử dụng...
Các lực lượng chức năng ở Trung ương và địa phương đã phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ việc vi phạm với quy mô lớn, tính chất phức tạp, nhiều đối tượng tham gia, số lượng tang vật là hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ lớn, có giá trị cao... xâm phạm đến lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, gây tác động, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế, đời sống của Nhân dân.
Dự báo trong thời gian tới, tình hình hoạt động lợi dụng môi trường thương mại điện tử để buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng không có hóa đơn, chứng từ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng, hàng kém chất lượng, hàng hạn chế kinh doanh, hàng kinh doanh có điều kiện, hàng quá hạn sử dụng... sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.
Tuệ Minh