Suốt hơn 20 năm, từ năm 1950 đến trước 1975, giới võ thuật Sài Gòn không những đánh giá cao, mà còn nể sợ trước những đòn quyền cước của dòng võ Thiếu Lâm Nững Xị, mà đại diện cho nó là võ phái Long Hổ Hội với sáng tổ Lâm Hữu Hội. Võ sư Long Phi Thanh (tên thật là Phạm Văn Thanh), chính là truyền nhân cuối cùng, cũng là truyền nhân ưng ý nhất của người sáng lập ra Long Hổ Hội, xiển dương Thiếu Lâm Nững Xị khắp lục tỉnh Nam Kì.
Với lối đánh trực diện, không đỡ đòn, thay vào đó là né và ra đòn, cũng như đánh theo tổ hợp đòn, phần lớn là đòn hiểm và sát thương cao khiến những cao thủ thành danh từ Thiếu Lâm Nững Xị phần lớn đều khiến đối thủ "rớt" ngay từ hiệp đấu đầu tiên, tổ hợp đòn đầu tiên. Từ Moustaza, Long Mouse, Chà Và Hương, Mã Sơn Ba, Tôn Ngọc Lực, cho đến Hải Huỳnh, Ruby "lớn", Ruby "nhỏ"... đều là những nhà vô địch, những võ sĩ gieo rắc nỗi kinh hoàng một thời của giới võ thuật Sài Gòn.
Môn đồ Long Hổ Hội thượng đài từ Bắc chí Nam với tỷ lệ thắng nhiều đến mức bị người ta đồn thổi là dùng bùa ngải. Lý giải điều đó, nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra rằng sở dĩ Thiếu Lâm Nững Xị "bá đạo" đến thế, là bởi tính thực chiến của dòng võ này là cực kỳ lớn, đem lại hiệu quả cực cao trong thực chiến, khác với nhiều dòng võ cổ truyền mang đậm "tính quy ước".
Võ sư Long Phi Thanh vốn có năng khiếu võ thuật từ bé, năm 11 tuổi đã bộc lộ rõ rệt tư chất và niềm đam mê với võ cổ truyền. Dù ngoại hình thấp bé, song cậu tiếp thu cực nhanh những chiêu thức Thất Sơn thần quyền mà người chú họ truyền dạy, và sau đấy là môn võ dân tộc Bình Định, và sớm được giới võ thuật biết đến.
Gần năm mươi năm trước, ở cái tuổi đẹp nhất của đời người, một biến cố lớn đưa tài năng võ thuật này đến với "ông thầy Tàu" có ảnh hưởng cực kỳ lớn lao đến con đường võ thuật và sự nghiệp của ông. Ngày ấy, chàng trai người Việt cùng "cao nhân" gốc Hoa bất đắc dĩ phải sống cùng nhau suốt gần ba năm trời, trong điều kiện vô cùng thiếu thốn.
"Ông thầy Tàu" của võ sư Long Phi Thanh từng khiến ông tức điên khi đưa ra lời nhận xét về võ thuật Việt Nam: "Ăn chậm lẹ, ăn mạnh yếu". Vốn đang mang đầy mình tuyệt học của võ Bình Định, chàng trai Phạm Văn Thanh ngày ấy chỉ thiếu điều "ăn tươi nuốt sống" gã "thầy Tàu" ngạo mạn, miệng đầy "khẩu nghiệp" này.
Song số phận run rủi khiến họ phải chịu đựng nhau gần 3 năm trời. Dần dà, với kiến thức võ học của mình, ông thầy người Đài Loan (Trung Quốc) này chỉ dẫn cho "người đồng hành" của mình những kiến thức cơ bản về võ thuật liên quan đến quy luật của hệ thống cơ thể, sự logic về toán học hình khối và lực vật lý trong võ thuật. Với tư chất thông minh và độ cảm nhận sâu sắc về võ học, những lý thuyết ấy ngấm vào "cậu học trò" Phạm Văn Thanh lúc nào chẳng hay, dù cho "ông thầy" suốt gần 3 năm trời không dạy bất kỳ đường quyền hay thế đánh nào, tất cả chỉ là lý thuyết.
Mãi ngày rời xa nhau, võ sư Long Phi Thanh mới biết "ông thầy Tàu" của mình thực ra là một cao nhân, xuất thân từ Trường võ bị Hoàng Phố, tên là Trần Thế Hào.
Chia tay "cao nhân", võ sư Long Phi Thanh tiếp tục với con đường võ thuật khi mở lò dạy võ Bình Định ở Sài Gòn. Song dù dạy võ, nhưng ông vẫn luôn trăn trở với sự lấn cấn trong đầu rằng thứ võ mình đang dạy nặng về tính trình diễn, như Kinh kịch, trong khi đó rất ít tính thực chiến, và quan trọng nhất là thiếu tính "khoa học" so với những gì cảm thụ được từ "ông thầy Tàu".
Đã là cơ duyên, thì dẫu có đến muộn thì rồi cũng phải đến. Ngày ấy, dù đã thành danh và mở lò dạy võ khá tiếng tăm ở Bình Thạnh, song chưa bao giờ võ sư Long Phi Thanh thôi trăn trở khi dòng võ cổ truyền mà mình đang theo đuổi dường như vẫn "thiếu một cái gì đó", khiến ông không thể chạm được đến những "bí kíp" mà ông thầy truyền dạy. Cho đến khi ông "chạm cửa" Thiếu Lâm Nững Xị của Long Hổ Hội.
Cái ngày sư phụ Lâm Hữu Hội kêu Long Phi Thanh về lò võ của mình trên đường Nguyễn Văn Công ở Gò Vấp để chỉ cho cậu học trò trong tương lai sự khác biệt của Long Hổ Hội với các phái võ khác, ông như bừng tỉnh khi nhận ra có rất nhiều điểm tương đồng giữa những bài học lý thuyết đã được học trong suốt gần 3 năm đằng đẵng cùng "ông thầy Tàu" với những đòn thế thực chiến cực kỳ thực dụng của Thiếu Lâm Nững Xị. Không cần cân nhắc, ông lập tức bỏ qua tất cả phái võ mình đã từng học để đi theo Long Hổ Hội. Năm ấy, võ sư Long Phi Thanh đã bước qua tuổi 36.
Đến với môn võ mới, Long Phi Thanh như "cửu hạn phùng cam lộ". Tố chất thông minh và những bài học lý thuyết đầy tính khoa học ngấm sâu trong đầu giúp ông tiếp thu cực kỳ nhanh tính ưu việt ở khả năng thực chiến của Long Hổ Hội, đến nỗi chính bản thân ông cũng không ngờ đến.
Một buổi chiều đi tập võ từ Gò Vấp về, ông vướng vào một vụ ẩu đả kinh hoàng. "Lúc đó, tôi đang đi thì có một phụ nữ bị hai thanh niên tông ngã xe để định giở trò cướp giật. Thấy vậy, tôi liền dừng xe khuyên can. Thấy động, bọn chúng lớn tiếng quát: 'Liên quan gì tới mày, biến mau!'", võ sư Long Phi Thanh kể lại.
Không những không 'biến đi', mà ông còn lao vào ngăn cản. Từ đằng sau, một tên cướp lao vào tung cước, nhưng ông tránh được. Ngay lập tức tên thứ hai cũng lao vào. Long Phi Thanh né người tránh đòn và tung ra cú đá. Đòn đá mạnh đến mức tên cướp lập tức văng ra đường, ngất xỉu. Thêm một chiêu nữa, tên cướp thứ hai ôm bụng nằm rên la trên đường.
"Tưởng như thế là đã hết, ai dè trong bụi rậm có hai tên khiêng chiếc xe đạp ném thẳng vào người tôi. Lấy tay đỡ chiếc xe đạp văng ra, tôi tung hai cú đá liên tiếp vào hai tên này. Chỉ trong chớp mắt, chúng nằm lăn lóc giữa đường. Chỉ cần có 4 cú đá, 4 tên đã không thể gượng dậy", ông nhớ lại.
Ngày ấy, ông chỉ mới theo sư phụ Lâm Hữu Hội được một thời gian. Trên đường về, ông cứ suy nghĩ mãi không biết tại sao mình lại có thể hạ gục bốn tên giang hồ có võ gọn ghẽ đến thế. Những ngày tiếp theo, ông liên tục tự vấn mình, và cuối cùng quyết định hỏi thầy.
"Thầy Lâm Hữu Hội nói rằng, tôi được Quan Công nhập vào người nên mới đánh được như vậy. Tuy nhiên, mãi đến sau này tôi mới biết đó là lời nói đùa của sư phụ. Lúc ấy, tôi ngộ ra rằng nhờ những thế võ của Long Hổ Hội mà mình đã tập luyện nên mới tung ra những có đá nhanh, mạnh đến thế. Đó là những phản xạ có điều kiện. Cũng từ đó tôi mới hiểu rằng vì sao trước những trận thắng vang dội của các sư huynh, nhiều người đã thêu dệt, đồn thổi rằng Long Hổ Hội dùng bùa ngải".
Có rất nhiều tên tuổi của Long Hổ Hội thành danh, thậm chí "bất khả chiến bại" trên võ đài. Hầu hết trong số họ đều chỉ được sư phụ Lâm Hữu Hội luyện cho vài trong số 36 đường quyền của Long Hổ Hội, tập trung vào đó là đủ sức dương danh với đời, trên đài đấu. Song với riêng Long Phi Thanh, sư phụ Lâm Hữu Hội dốc sức truyền dạy tất cả 36 đường quyền, bởi ông nhìn thấy tố chất sư phạm, cũng như khả năng truyền dạy và xiển dương võ phái này ở người học trò có phần đặc biệt của mình.
Ba sáu đường quyền của Long Hổ Hội không giống kiểu đi quyền của các môn phái võ thuật cổ truyền khác, bởi mục đích của nó là phát triển thể lực và xây dựng đòn thế. Thể lực của Long Hổ Hội được rèn luyện và hình thành từ 5 yếu tố: Nhanh, Mạnh, Bền, Biến (khả năng thay đổi đòn thế) và Nhu (năng lực thực hiện đòn thế với biên độ khớp mở rộng). Mỗi bài quyền là sự phát triển chủ yếu của một trong năm yếu tố này, đồng thời kéo theo sự nâng dần các yếu tố còn lại.
"Các đệ tử trong môn phái phải thiết lập tình huống và xây dựng phản ứng trả lời cho tình huống đó. Khi gặp một đối thủ sẽ phải xây dựng tình huống trả lời làm sao để hạ đối thủ nhanh nhất. Còn gặp hai hay ba đối thủ thì phải xây dựng tình huống hạ ai trước, ai tiếp và ai là người cần hạ cuối cùng", võ sư Long Phi Thanh tiết lộ.
Dù học phí phải trả cho thầy ngày ấy được tính bằng vàng, và ông phải xin vàng của vợ để đi học, song võ sư Long Phi Thanh chưa từng thấy đủ dù đã học trọn 36 đường quyền của môn phái. Cho đến một ngày, võ sư Lâm Hữu Hội cho gọi ông đến. Khác với mọi ngày, ông thầy không dạy võ nữa mà để trên bàn hai gói giấy, trong đó có một bài thuốc và một bài kệ để đọc mỗi lần cúng tổ. Rồi ông chỉ nói gọn lỏn: "Tao xong với mày rồi". Cuộc "xuống núi" chỉ đơn giản như thế để xác lập vị truyền nhân cuối cùng của võ phái Long Hổ Hội.
Trong khi các cao thủ Long Hổ Hội phần lớn đều thành danh trên võ đài, thì võ sư Long Phi Thanh chỉ có hai lần phải "xuất chiêu" thực chiến. Lần đầu tiên là đánh ngã 4 tên cướp những ngày đầu nhập môn. Còn lần thứ hai - cũng là lần cuối cùng cho đến tận bây giờ, là để bảo vệ võ đường Long Hổ Hội.
"Đó là vào năm 1986, khi sư phụ qua đời chưa lâu, có 5 cao thủ võ lâm không hiểu gốc gác từ đâu tới, đầu cạo trọc chuyên đi thách đấu các võ đường ở Sài Gòn. Chúng ngạo nghễ bước vào võ đường Long Hổ Hội thách đấu, nói rằng nếu thắng thì võ đường này phải thuộc về chúng, nếu thua thì chấp nhận bái tôi làm sư phụ. Biết không thể tránh được, tôi nhận lời thách thức", võ sư Long Phi Thanh lần giở lại ký ức của 36 năm về trước.
Trận đấu bắt đầu, tên sừng sỏ nhất trong số năm tên bước ra giao đấu, một chọi một với ông. Cú đá sấm sét lập tức được hắn tung ra nhằm hạ knock-out đối phương. Nhanh như chớp, Long Phi Thanh cúi lẹ lách sau người của đối phương và tung đòn độc vào huyệt vị. Tên võ sĩ nằm lăn ra sàn đau đớn. Thấy thế, bốn tên còn lại lập tức xin thua và lẳng lặng chuồn mất, quên cả lời giao hẹn bái sư ban đầu.
Sở hữu trong mình một pho bí kíp thực chiến khổng lồ, song với võ sư Long Phi Thanh, võ thuật không phải là thứ dùng để phân định thắng thua trên võ đài, như cái cách mà võ phái Long Hổ Hội cùng Thiếu Lâm Nững Xị trở nên khét tiếng, bởi theo đại võ sư này "Nếu con mắt chỉ không nhìn quá được bốn dây đài, thì bản lĩnh cũng chỉ gói gọn trong sàn đài mà thôi".
Thứ ông muốn, điều ông mong mỏi không phải là tên tuổi được dương danh trên bầu trời võ thuật hay môn võ Thiếu Lâm Nững Xị được xiển dương như đã từng một thời, mà ý nghĩa hơn nhiều.
Cuối tháng Mười năm ngoái (2021), ông cùng các đệ tử của mình đã nhận lời tổ chức khóa đào tạo võ thuật cho lực lượng kiểm lâm, với sự tham gia tập luyện của hơn 30 học viên và lãnh đạo thuộc 9 trạm kiểm lâm trực thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên.
Tại chương trình huấn luyện này, ông đã nhấn mạnh môn võ của mình là môn võ có hệ thống, có bài bản, mang nhiều đặc điểm độc đáo. Thứ nhất là chủ trương không kéo dài trận đánh, nên các đòn tấn công đều rất gọn, hiểm, dứt khoát để dễ dàng hạ gục đối phương.
Thứ hai là lối giao thủ khác hẳn với thông thường, thay vì đỡ đòn hoặc tránh né, người học võ sẽ có kỹ thuật xác định chính xác tầm đánh hiệu quả nhất, biết thu ngắn khoảng cách với đối thủ nhanh nhất để nhập nội và phản đòn. Mặc dù đòn ra sau mà tới trước, tấn công liên tục cho đến khi hạ gục đối thủ.
Thứ ba là các đòn thế được hình thành có quy luật, dựa trên sự sắp xếp của hệ thống cơ thể và tâm lý con người, vận dụng triệt để sự logic về toán học hình khối và lực vật lý trong khi tiếp chiêu đối phương tạo thành những kỹ thuật vững chắc, chính xác và có lợi nhất trong thực tế chiến đấu.
Những điều trên mang đậm tính thực chiến, rất có lợi trong tình huống chiến đấu thực tế của lực lượng kiểm lâm hoặc bộ đội, công an.
Trước đó, đã có không ít những cao thủ võ thuật của các ngành thuộc lực lượng vũ trang tìm đến võ đường Long Phi Thanh để học, tập luyện, tạo nên những "đòn tủ" thực chiến cho mình.
Song đấy vẫn chưa phải là đoạn cuối con đường võ học của vị đại võ sư là truyền nhân ưu tú nhất của dòng võ thực chiến khét tiếng Long Hổ Hội ngày nào. Mong muốn lớn nhất của ông là được ngồi lại với những võ sư đại diện cho các môn phái võ thuật cổ truyền Việt Nam khác, để cùng nhau bàn bạc, gom góp, thống nhất xây dựng nên một môn võ riêng của người Việt với tính hiệu quả và thực tế cao.
Ông hi vọng môn võ ấy sẽ được đưa vào trường học, để các học sinh được tập luyện nâng cao sức khỏe, nâng cao tính tư duy, tìm được tình yêu với võ thuật, từ đó tạo nên nền tảng vững mạnh để dệt nên giấc mơ võ thuật cổ truyền Việt Nam đủ sức mạnh sánh vai với những karatedo, taekwondo, judo... vang danh năm châu.
https://soha.vn/tu-duyen-ky-ngo-ong-thay-tautruyen-nhan-cuoi-cua-vo-phai-khet-tieng-det-giac-mo-vo-viet-20220703233633843.htmTheo Kim Thiền
Trí Thức Trẻ