Mức giải ngân nửa đầu năm 2022 thấp hơn cùng kỳ
Báo cáo Chính phủ tại cuộc họp sáng 4/7, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2022 đạt 1.301,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, vốn khu vực nhà nước đạt 328,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,2% tổng vốn và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài nhà nước đạt 739,3 nghìn tỷ đồng, bằng 56,8% và tăng 9,9%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 233,5 nghìn tỷ đồng, bằng 18% và tăng 8,9%.
Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước trong 6 tháng mới ước đạt 151.046,65 tỷ đồng, bằng 27,86% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn mức 29,02% của cùng kỳ năm ngoái.
Nếu không tính 24.000 tỷ đồng vốn kế hoạch đầu tư của 3 chương trình mục tiêu quốc gia mới được Thủ tướng Chính phủ giao vào cuối tháng 5/2022, thì ước tỉ lệ giải ngân 6 tháng đạt 29,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm, tương đương cùng kỳ năm 2021.
Tuy vậy, đáng chú ý, theo Bộ KH&ĐT, hết 6 tháng, vẫn còn 39/51 bộ, cơ quan trung ương và 6/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm.
Trong đó, có 25 bộ, cơ quan trung ương có tỉ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm, đặc biệt có 4 cơ quan trung ương đến nay vẫn chưa giải ngân kế hoạch vốn (giải ngân 0%). Đó là Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Liên minh hợp tác xã Việt Nam, Tập đoàn Điện lực, Hội Nhà văn Việt Nam.
Các đơn vị này, bao gồm cả các bộ ngành, địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp đã bị Chính phủ phê bình trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2022, sau đó, bị Bộ KH&ĐT công khai trên cổng thông tin về đầu tư công.
Ngược lại, 6 tháng, có 3 cơ quan trung ương và 20 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 40%. Trong đó, có một số bộ ngành, địa phương có tỉ lệ giải ngân cao, như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (71,55%), Ngân hàng Phát triển Việt Nam (49,42%), Ngân hàng Chính sách xã hội (48,3%), Phú Thọ (59,52%), Ninh Bình (55,95%), Quảng Ninh (53,27%)…
Liên quan đến tỉ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm 2022, Bộ KH&ĐT cho biết, thực tế giải ngân trong các năm 2016-2022 cho thấy, giải ngân 6 tháng đầu năm thường đạt khoảng 29-33% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, thấp nhất là năm 2021, đạt 29,02% (133,89 nghìn tỷ đồng); cao nhất là năm 2018, đạt 33,85% (130 nghìn tỷ đồng).
Xu hướng giải ngân tăng dần vào cuối năm
Theo Bộ KH&ĐT, bên cạnh nguyên nhân do tâm lý của chủ đầu tư, ban quan lý dự án và nhà thầu ngại giải ngân nhiều lần, chủ yếu thực hiện vào thời điểm kết thúc năm, thì xu hướng giải ngân tăng dần vào cuối năm còn do nguyên nhân cơ bản về tính đặc thù của đầu tư công.
Cụ thể, chi đầu tư đòi hỏi phải có quá trình thực hiện, tích lũy giá trị khối lượng hoàn thành mới thực hiện các thủ tục giải ngân tại kho bạc, đặc biệt là dự án mua sắm trang thiết bị phải hoàn thành toàn bộ gói thầu mới thực hiện thanh toán.
Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cũng cho biết, theo báo cáo của các bộ ngành, địa phương, khó khăn lớn nhất đối với các dự án đầu tư công hiện nay là biến động của giá nguyên nhiên vật liệu quá lớn và chưa có cơ chế xử lý đối với hợp đồng trọn gói.
Việc tuyển dụng lao động khó khăn, khan hiếm nhân công dẫn tới đơn giá nhân công tăng để cạnh tranh thu hút nhân lực cũng là một trong những khó khăn của giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm nay.
Để nhanh chóng khắc phục những bất cập trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần tập trung vào 6 nhóm giải pháp trọng tâm. Trong đó, tập trung chỉ đạo, thực hiện các giải pháp, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm, trong đó phân công lãnh đạo phụ trách từng dự án.
Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư.
Nâng cao năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ, gắn trách nhiệm, đánh giá mức độ hoàn thành công việc với tiến độ thực hiện giải ngân của dự án, nhất là Ban Quản lý dự án các cấp; luân chuyển, điều động, kỷ luật đối với cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ.
Nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư dự án, từ sớm, từ xa, hạn chế tối đa việc thay đổi, điều chỉnh dự án. Hơn nữa, chính quyền các cấp phải tăng cường quản lý hiệu lực, hiệu quả đất đai, nhất là nguồn gốc đất, quy hoạch sử dụng các loại đất… hạn chế tối đa việc điều chỉnh phương án đền bù, bảo đảm tiến độ thực hiện.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (hoặc Sở Xây dựng) công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo tháng phù hợp với diễn biến thị trường.
Ngoài ra, về cắt giảm, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2022, Bộ KH&ĐT đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương không có khả năng thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 đã được Thủ tướng Chính phủ giao, thì sớm đề xuất điều chuyển vốn cho các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương khác có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đã được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, các dự án có thể giải ngân ngay sau khi được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.