Cơ duyên nào đã đưa ông đến với nghề bất động sản?
Tôi xuất thân từ gia đình nghèo. Năm 7 tuổi, tôi theo bố mẹ từ Bắc chuyển vào Bà Rịa – Vũng Tàu lập nghiệp. Tôi nhớ, đó là năm 1988, bố mẹ chở tôi đi xem mảnh đất rộng cách khá xa trung tâm TP.Vũng Tàu, dự tính mua để xây nhà, làm vườn. Lúc đó, tôi đã khóc vì nghĩ tới việc phải đi học quá xa, rồi nhà không có điện nếu như ở đây.
Đến năm 1991-1992, đất đai ở Vũng Tàu lên cơn sốt. Nhiều người từ miền Bắc, miền Trung vào đây mua đất. Mẹ tôi cắt bớt đất ra bán để trang trải chi phí. Trước nhà, mẹ đặt một tấm bảng bán đất. Mọi người thường lui tới để tìm mua.
Cứ thấy mẹ nói chuyện với khách mua đất, tôi ngồi nghe và "lĩnh hội" gần hết. Tôi thuộc từng vị trí, chiều ngang - dài, giá cả của thửa đất. Thi thoảng, có người đến xem, mẹ đi vắng, tôi tranh thủ giới thiệu. Lúc đó, tôi mới học lớp 5.
Và ông có từng môi giới thành công lô đất nào khi còn nhỏ?
Năm tôi 12 tuổi, gia đình có nhu cầu bán lô đất. Một buổi chiều tối, khi mẹ vắng nhà, có vợ chồng cô chú quê Quảng Ngãi vào hỏi mua đất. Tôi đã "tiếp khách" thay mẹ.
Tôi "tư vấn" cho cô chú giá cả, chỉ vị trí miếng đất, đồng thời nói rằng: "buổi sáng có người đến muốn đặt cọc mà bố mẹ cháu không có nhà, và dặn họ sáng mai đến". Thế là ngay tối hôm đó, hai vợ chồng quay lại để đặt cọc lô đất luôn.
Bố mẹ về, ai cũng bất ngờ vì khách cọc đất nhờ con trai tư vấn. Hai vợ chồng ấy còn khen tôi tấm tắc. Đấy là lô đất đầu tiên tôi bán được cho mẹ. Tôi không biết rằng câu nói buổi sáng của tôi vô tình lại là 1 "đòn tâm lý" hiệu quả, mặc dù đúng là có người đến xem và muốn mua thật (cười).
Sau thương vụ đầu tiên trong đời đó, đam mê bất động sản đã dần "ngấm" vào con người ông?
Ngày ấy, sau mẹ, tôi là người rành về mua bán đất nhất trong gia đình. Sự nghiệp bất động sản sau này của tôi cũng phần lớn ảnh hưởng từ mẹ. Dù nhỏ nhưng tôi có nhiều thông tin buôn bán lắm, có thể nói chuyện về đất đai với người lớn. Cứ nghe đến mua bán nhà cửa là tôi thấy thích.
Trước, gia đình tôi mua 1 ha đất với giá 4,5 chỉ vàng. Sau khi tách ra, mỗi lô bán được một cây vàng, gấp nhiều lần giá mua vào. Tôi đã nhìn thấy sự tăng trưởng giá trị của đất đai từ những lần giao dịch như thế.
Rồi tôi thấy ông chú họ hàng phất lên nhờ bán đất có lời, sắm được xe ô tô, nhà đẹp, tôi ham lắm, ước muốn được như chú. Nhưng thời đó, tôi hiểu về đất đai đơn giản lắm, chỉ nghĩ rằng: "cứ có nhiều đất là giàu", chưa nghĩ sâu sắc kiểu: "Có tiền là đi mua đất tiếp để sinh lời nhiều hơn. Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ theo ngành bất động sản.
Có một điều đặc biệt nữa là, khi còn nhỏ, tôi rất thích ngắm các căn nhà đẹp. Đi đến đâu, thấy nhà đẹp là nhìn rất lâu, thích thú và ao ước có được.
Sau này, khi lên Sài Gòn học đại học, sở thích nhà đẹp lại càng lớn dần. Rồi đi ra đường gặp nhân viên môi giới sang trọng, chuyên nghiệp, tôi lại càng thích. Tôi nhớ, nhân viên kinh doanh của một số công ty địa ốc như Công ty Nhà Đất Đô Thị Mới, Công ty Hoàng Quân ngày trước… nhìn rất oách.
Dần dà, sự nhạy cảm về bất động sản trong tôi lớn dần. Khát khao làm giàu, thay đổi bản thân và mong ước có thể xây được những toà nhà cao tầng đẹp cũng dần hiện hữu từ đó.
Khi trưởng thành, ông bắt đầu thực sự với nghề bất động sản khi nào?
Lên Sài Gòn, tôi chọn học nhóm trường kinh tế. Năm 2004, sau khi ra trường, tôi nộp đơn xin việc tại ngân hàng ACB nhưng chờ mãi không thấy gọi. Tình cờ đọc thông tin tuyển dụng của Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) đang tuyển nhân viên dịch vụ tín dụng và nhân viên kinh doanh BĐS trên cùng tờ báo. Tôi nộp đơn ứng tuyển.
Khi được gọi đi phỏng vấn, tôi hỏi lương nhân viên kinh doanh bất động sản thế nào, họ trả lời: 800 ngàn đồng/tháng, bán được sản phẩm là có 2 triệu đồng hoa hồng. Trong khi nhân viên tín dụng lương cố định là gần 3 triệu đồng/tháng. Lúc đó, tôi quyết định làm bất động sản với suy nghĩ đơn giản là tìm kiếm cơ hội kiếm tiền nhiều hơn.
Ông đã thuyết phục nhà tuyển dụng để trở thành nhân viên bất động sản như thế nào?
Như đã nói, bản thân tôi luôn khát khao làm điều gì đó để thay đổi cuộc đời. Khi phỏng vấn làm nhân viên bất động sản, tôi đậu vì sự máu lửa và quan điểm rằng: "Làm kinh doanh phải thích tiền và quyết tâm kiếm tiền một cách tử tế thì mới làm được".
Đến vòng phỏng vấn cuối cùng của Sacomreal, tôi gặp anh Đặng Hồng Anh, sếp Sacomreal. Vẻ bản lĩnh, lịch thiệp, thông minh từ vị sếp này khiến tôi ngưỡng mộ, nuôi ý chí trở thành người lãnh đạo như thế.
Thương vụ đầu tiên mà ông chốt thành công khi bước chân thực sự vào lĩnh vực bất động sản ra sao?
Thương vụ đầu tiên khi làm môi giới bất động sản tại Sacomreal cũng vào một buổi tối y như thời điểm tôi 12 tuổi bán đất cho mẹ. Vào một ngày, khi không còn ai ở công ty, cặp vợ chồng trẻ đến văn phòng tìm hiểu dự án. Tôi tư vấn cho khách hàng và người chồng hẹn về suy nghĩ. Lúc đó, tôi chỉ tư vấn hết mình, không nghĩ đến việc vị khách quay trở lại. Đúng hôm sau, hai vợ chồng đến công ty đặt cọc 50 triệu đồng mua căn hộ.
Nhờ thành công thương vụ này, tôi được nhận vào làm nhân viên chính thức. Sau đó, tôi có động lực chăm chỉ làm việc và cũng nhanh chóng vào hàng ngũ "best seller" khi liên tục vượt chỉ tiêu kinh doanh. 6 tháng ở Sacomreal, tôi lên trưởng nhóm. Sau đó một năm, tôi lên trưởng phòng giao dịch.
Điều gì khiến ông có bước tiến thần tốc trong công việc như vậy?
Quá trình làm việc ở công ty, tôi quyết tâm và siêng năng lắm. Bởi xuất phát từ con số 0 nên khi mới vào làm, tôi là một trong những người luôn đi sớm nhất và về trễ nhất. Khi công ty không còn ai ở đó, tôi một mình đứng trước sa bàn dự án tập tành thuyết trình tư vấn cho khách hàng. Hoặc đến giờ nghỉ là lấy xe đi tham quan hết các dự án ở Sài Gòn.
Cứ như vậy, nhờ tính chịu khó, nỗ lực, tôi vừa học hỏi thêm, vừa tăng cơ hội bán hàng, đồng thời kiên định theo đuổi nghề môi giới bất động sản.
Tôi nhớ, thời điểm năm 2004-2008, thị trường bất động sản khá tốt, nhưng sự cạnh tranh cũng nhiều. Trong khi các doanh nghiệp khác cho khách hàng vay mua dự án 9,8% còn chính sách của Sacomreal là 10%/năm. Ban lãnh đạo khá đau đầu vì không cạnh tranh lại.
Trong cuộc họp, tôi đề xuất chính sách cho vay 7%/năm. Mọi người nghĩ tôi bị điên khi đề xuất vậy. Tôi phân tích: lấy 10%-7% bằng 3%. 3% này thay vì khuyến mãi cái xe máy cho khách hàng thì dùng đó để bù lãi suất cho khách trong vòng 2 năm. Ngay lập tức, đề xuất này của tôi được sếp đồng tình.
Vì đề xuất mới, mạnh dạn, tôi được đánh giá và ghi nhận. Dần dần, tôi được đề xuất giữ các vị trí chủ chốt của công ty trong kinh doanh và nằm trong nhóm quy hoạch cán bộ của công ty.
Lý do gì khiến ông lại nghỉ Sacomreal về Himlam Land làm việc?
Sacomreal sau này phát triển mạnh hơn. Công ty tuyển dụng nhiều người và có sự khác biệt lớn giữa người quản lý mới và cũ. Tôi thấy sự phù hợp không còn nữa và tìm thử thách ở công ty mới.
Giữa năm 2009, tôi quyết định sang Him Lam Land và đảm nhiệm vị trí trưởng bộ phận kinh doanh căn hộ, chức vụ thấp hơn bên Sacomreal. Tôi bắt đầu từ nấc thang lên trưởng phòng kinh doanh, trưởng phòng kinh doanh - tiếp thị, giám đốc sàn giao dịch bất động sản, giám đốc kinh doanh - tiếp thị, và cuối cùng là Phó tổng giám đốc.
Những khó khăn nào mà ông phải đối mặt khi làm việc tại Himlam Land?
Ở Himlam Land từ 2009-2018 là một quá trình dài, chiến đấu với mảng bán hàng của công ty. Thời điểm đầu mới về, tôi phụ trách bán dự án Him Lam Riverside, nhưng dự án này lại vấp phải sự cạnh tranh trực tiếp của dự án Sunrise City tại Q.7.
Dự án của Novaland rất đẹp, nằm bên ngoài. Trong khi dự án Him Lam Riverside nằm phía trong, diện tích căn hộ lớn hơn, thiết kế nhiều điểm không lợi thế. Bài toán nan giải đặt ra là dự án đã xây dựng xong, làm thế nào để bán được hàng? Lúc này có 2 vấn đề cần phải giải quyết là: Làm cho giá căn hộ hợp lý nhất có thể và làm cho BĐS sinh lời cho nhà đầu tư.
Rồi đến giai đoạn 2009 -2013, kinh tế khủng hoảng, nhiều người có tiền nhưng đem đi gửi tiết kiệm, không dám mua nhà hoặc đợi giá nhà giảm thêm. Lúc đó, tôi nghĩ: Làm cách nào để lấy được nguồn tiền mà khách hàng đang gửi trong ngân hàng. Thời điểm đó, đầu tư căn hộ không thể sinh lợi nhiều được. Tôi đánh vào chính sách cam kết cho thuê lại căn hộ trong 2 năm, lợi nhuận gấp đôi gửi tiết tiệm ngân hàng thời điểm đó. Chính sách được ban hành và phát huy hiệu quả.
Gắn bó với Himlam Land tới 10 năm, vì sao ông lại một lần nữa quyết định nghỉ việc và "đầu quân" cho Phú Đông Group?
Tôi mất 6 tháng để đắn đo giữa Himlam Land và Phú Đông Group. Làm ở Himlam Land rất tốt, sếp tốt, môi trường tốt. Tôi nghỉ là do bản thân tôi thay đổi. Tôi cảm thấy chiếc áo mình mặc đã chật, tôi muốn thay đổi. Nếu ở lại, tôi nghĩ sẽ không tốt cho cả hai bên. Tôi có hoài bão của mình và cần thực hiện chủ động.
Lúc đó, ông có nghĩ rằng mình đã đánh đổi quá nhiều thứ cho một lựa chọn có phần mạo hiểm?
Phú Đông Group là hệ thống công ty chuyên về xây dựng, chưa có nhiều thành tích về mảng bất động sản. Nhưng, cái được lớn nhất ở đây khiến tôi lựa chọn là mình có thể chủ động lập dự án BĐS từ lúc mua đất, pháp lý, thiết kế, xây dựng, bàn giao và vận hành.
Nghỉ Himlam Land sang Phú Đông đúng là tôi phải đánh đổi nhiều chứ! Himlam Land có thương hiệu lớn hơn, tiềm lực hơn, thu nhập, địa vị cũng tốt hơn. Nhưng được thử sức, được theo đuổi khát khao cũng "sướng" mà!
Trở thành Tổng giám đốc Phú Đông Group, ông có tự cảm thấy vị thế của mình khác so với trước đây?
Kể từ tháng 3/2018, tôi chính thức làm Tổng giám đốc Phú Đông Group. Vị thế cũng không khác gì nhiều đâu, vẫn là người làm thuê và đam mê hết mình trong công việc vì hiệu quả chung của tập thể thôi.
Điều gì khiến ông đặt niềm tin vào Phú Đông Group nhiều đến vậy?
Về Phú Đông Group, tôi có niềm tin mạnh mẽ vào tiềm lực của doanh nghiệp này. Đây là một hệ thống doanh nghiệp xây dựng có bề dày 40 năm, nhưng lại chưa mạnh về bất động sản.
Khi bán một dự án BĐS, tôi nghiệm ra là phải làm đúng ngay từ đầu. Nếu BĐS sai ngay từ khâu đầu tiên thì có sửa cũng không bao giờ triệt để. Tôi luôn muốn tự mình được tham gia từ khâu đầu tiên của dự án đến giai đoạn sau cùng.
Ở Phú Đông Group, tôi được chủ động đi kiếm đất, lên ý tưởng thiết kế, làm toàn bộ pháp lý và tham gia khâu bán hàng, quản lý vận hành. Đó cũng là khát khao, nung nấu của tôi từ hồi mới ra trường.
Trong một môi trường lớn, mọi thứ đã sẵn sàng, sẽ dễ làm hơn. Còn ở một nơi chưa có gì nhưng tiềm năng, mình sẽ được tạo lập, phát triển những thứ mà bản thân muốn gây dựng, theo đuổi.
Và ông đã định hướng Phú Đông sẽ phát triển như thế nào?
Tôi từng ngồi lại với lãnh đạo Phú Đông để chỉ ra hướng phát triển mảng bất động sản cho doanh nghiệp. Tôi phân tích, nếu chỉ làm thuần mảng xây dựng thì lợi nhuận của doanh nghiệp chỉ khoảng 2-3% trên tổng doanh thu dự án. Trong khi làm bất động sản thì biên lợi nhuận có thể đạt 10-15%.
Chưa kể, phát triển mảng bất động sản là tạo công ăn việc làm cho chính doanh nghiệp xây dựng của mình. Thay vì đi đấu thầu dự án của các chủ đầu tư khác không dễ dàng, chúng ta có thể tự tạo ra các công trình bất động sản để làm. Ngoài ra, giá trị đóng góp cho xã hội từ mảng bất động sản cũng tốt hơn.
Phú Đông có tiềm lực nhưng hệ thống trước đây còn rời rạc. Về phát triển, tư duy là phải tập hợp lại để tạo thành một hệ thống mạnh. Phú Đông có nhân lực, vật lực, tập hợp các yếu tố này để tạo ra sức mạnh cho chính mình.
Khi về đây, tôi chia sẻ với lãnh đạo: Chúng ta đang bị lãng phí nhiều nguồn lực. Nếu làm chỉn chu, hệ thống sẽ rất lớn mạnh. Họ hoàn toàn tin tưởng tôi và cùng định hướng để làm.
Phát triển mảng bất động sản ở Phúc Đông, ông tập trung vào dòng sản phẩm và nhóm đối tượng nào?
Tôi chọn khai thác nhóm khách hàng trẻ vì thấu hiểu rõ những khó khăn của họ, của bản thân đã từng trải qua. Tôi nhìn thấy thị trường nhà ở hướng đến đối tượng khách hàng này rất rộng lớn.
Hiện nay, nhu cầu người trẻ tìm chốn an cư vừa túi tiền ngày càng tăng. Nếu trước đây, họ không đủ khả năng mua nhà thì bây giờ người trẻ năng động, giỏi giang, thu nhập tốt thì việc tìm kiếm nơi an cư lạc nghiệp là điều tất yếu.
Chọn phân khúc nhà ở vừa túi tiền còn vì sự phù hợp với năng lực của doanh nghiệp. Nói như vậy không có nghĩa là chúng tôi chỉ làm phân khúc tầm trung. 80% nguồn lực của Phú Đông Group sẽ dành để phát triển nhà cho người trẻ, giá vừa túi tiền, 20% còn lại sẽ linh hoạt cho các phân khúc khác. Biết đâu, sau này tôi sẽ làm bất động sản nghỉ dưỡng!
Thực ra, ước mơ tạo lập chốn an cư cho người trẻ đã nung nấu trong tôi từ thời đi học. Khi ấy, là sinh viên sống ở dãy nhà trọ chật chội, chứng kiến những bạn trẻ, cặp vợ chồng trẻ phải ở trong những ngôi nhà ẩm thấp, vỏn vẹn 9-10m2, tôi từng suy nghĩ có cách nào để chỗ ở đó tốt hơn không? Đến khi làm Tổng giám đốc ở Phú Đông, tôi mới có cơ hội thực hiện.
Theo ông, bán nhà cho người trẻ có dễ dàng?
Làm nhà cho người trẻ là thị trường khó vì khách hàng chưa có tài chính dồi dào. Chủ đầu tư phải hợp tác ngân hàng giải bài toán đi vay khá lớn của người mua lên đến 15-20 năm.
Người trẻ là đối tượng liên tục được tiếp cận cái mới nên họ rất khắt khe trong việc chọn chốn an cư từ thiết kế đến kiến trúc, vận hành sau dự án. Bán nhà cho người trẻ tưởng dễ mà không dễ. Tức là yêu cầu của họ rất cao, mặc dù tài chính khiêm tốn.
Vậy làm thế nào để chinh phục được thị phần khách hàng trẻ này?
Muốn bán nhà cho người trẻ, chủ đầu tư phải giải quyết được bài toán: ngon - bổ - rẻ. Bài toán tưởng chừng vô lý này lại đúng với đối tượng người trẻ. Ngon nghĩa là vị trí tốt, có tiềm năng, đi lại thuận tiện. Bổ nghĩa là đáp ứng tất cả các yêu cầu cần thiết như chất lượng xây dựng, thiết kế thông thoáng và tiện ích đầy đủ. Còn rẻ là bán giá hợp lý nhất. Làm được điều này, đầu tư phải chấp nhận biên lợi nhuận vừa phải, hợp lý.
Tôi quan điểm, làm bất động sản dù phân khúc nào cũng không có chuyện dễ dàng. Quan trọng nhất vẫn là quyết tâm và định hướng của doanh nghiệp, có theo đuổi được đến cùng hay không.
Một Phú Đông Group trong tương lai mà ông kỳ vọng sẽ như thế nào?
Tôi muốn Phú Đông Group đi nhanh hơn. Nhanh ở đây không có nghĩa là ẩu. Nhanh ở đây phải dựa trên sự bền vững, góp phần gia tăng thêm nguồn cung chất lượng cho thị trường. Tôi muốn tạo thêm các dự án, không chỉ ở Tp.HCM, Bình Dương, hay Đồng Nai mà tại các khu vực khác có tiềm năng.
Ngoài KDC HL Phú Đông, Phú Đông Premier, chúng tôi đang xây nhà mẫu cho dự án Phú Đông Sky Garden tại Tp.Dĩ An, Bình Dương. Kế hoạch trong thời gian tới sẽ có Phú Đông 4,5,6…đều là phân khúc giá tầm trung, hướng đến đối tượng khách hàng trẻ mua nhà.
Chặng đường 5 năm về phát triển mảng bất động sản Phú Đông Group là chưa nhiều. Nhưng hiện tại những công trình Phú Đông xây dựng đã góp một phần thay đổi diện mạo bất động sản Bình Dương, tạo lập nên nhiều chốn an cư cho người trẻ tại Tp.HCM và Bình Dương.
Mục tiêu 5-10 năm tới của doanh nghiệp không phải trở thành "ông này bà kia" nhưng chắc chắn sự nỗ lực, tâm huyết để gầy dựng những cộng đồng dân cư chất lượng là không thay đổi. Chúng tôi vẫn theo đuổi định hướng, chiến lược là làm nhà cho người trẻ, đáp ứng nhu cầu ở thực với mức giá vừa túi tiền.
Xin cảm ơn ông!
https://cafef.vn/ceo-phu-dong-group-12-tuoi-moi-gioi-thanh-cong-lo-dat-cho-me-tu-bo-chuc-cao-ve-lam-cong-ty-nho-den-giac-mo-xay-nha-cho-nguoi-tre-20220702142611917.chnTheo Hạ Vy
Trí Thức Trẻ