Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu nhiều thông điệp, giải pháp chống “giặc nội xâm”.
Báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS Trần Thị Hà Vân, Trưởng Khoa xây dựng Đảng, Học viện Cán bộ TP.HCM, về vấn đề này.
Ngày 30-6, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: TTXVN |
“Ba không” là thông điệp căn cơ để chống tham nhũng
. Phóng viên: Bà đánh giá sao về công tác PCTN, tiêu cực của Đảng ta trong thời gian qua?
+ TS Trần Thị Hà Vân: Trước hết, phải khẳng định công tác PCTN, tiêu cực của Đảng ta trong thời gian qua đã có những bước chuyển mới, rõ rệt, ngày càng đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng.
Có được kết quả đó là do sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực dưới sự chỉ đạo sâu sát của Tổng bí thư.
TS Trần Thị Hà Vân, Trưởng Khoa xây dựng Đảng, Học viện Cán bộ TP.HCM |
Có thể khẳng định tham nhũng đã từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng vào giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.
Kết quả đấu tranh PCTN, tiêu cực được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là công cuộc PCTN, tiêu cực của Đảng được củng cố, tăng cường.
Những kẻ thực dụng, tư túi, tham lam thì không bao giờ biết đủ, lòng tham không đáy thôi thúc họ muốn có thật nhiều tiền, không bao giờ biết đủ.
. Mới đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục với thông điệp “không dám, không thể và không muốn tham nhũng” - bà đánh giá thế nào về thông điệp này?
+ “Không dám, không thể và không muốn tham nhũng” được Tổng bí thư nhấn mạnh, được coi là giải pháp căn cơ nhất để đấu tranh PCTN, tiêu cực có hiệu quả. Đây là thông điệp đòi hỏi phải đảm bảo tính toàn diện, đồng bộ cả về pháp luật, chế độ chính sách và ý thức tự giác của cán bộ, đảng viên.
Chống tham nhũng hiệu quả cần phải thiết lập bằng được cơ chế phòng ngừa chặt chẽ; cơ chế phát hiện, xử lý hiệu quả và cơ chế bảo đảm, đãi ngộ hợp lý.
Các chủ trương, quy định của Đảng, các văn bản pháp luật về PCTN, tiêu cực đã tương đối đầy đủ nhưng cái cần nhất lúc này là sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động, tổ chức thực hiện. Thông điệp “ba không” nêu trên của Tổng bí thư thể hiện sự quyết tâm chính trị rất cao, trong phòng chống và chủ động tấn công tham nhũng, tiêu cực.
168.000
đảng viên bị kỷ luật, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện trung ương quản lý, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang trong giai đoạn 2012-2022.
Có cán bộ rất giàu nhưng không bao giờ biết đủ
. Ở vế “không muốn tham nhũng”, bà đánh giá thế nào về việc này trong thời gian qua...?
+ Chúng ta thường cho rằng để xảy ra tệ tham nhũng là do lương thấp. Đúng là lương thấp, đời sống không đảm bảo là một trong những nguyên nhân khiến cán bộ, công chức nhũng nhiễu, vòi vĩnh, tham nhũng, tiêu cực để có được cuộc sống tốt hơn. Vì vậy, khi thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức ổn định, đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống thì cũng sẽ hạn chế được tham nhũng.
Tuy nhiên, không phải cứ nâng lương cao lên thì sẽ hết tham nhũng, bởi thực tế cho thấy có những người có chức, có quyền, có địa vị, lương ổn định, thậm chí có người rất giàu nhưng vẫn tham nhũng.
Như vậy, không thể đổ cho việc tham nhũng là do lương thấp, mà mấu chốt ở đây là vấn đề đạo đức. Đối với những kẻ thực dụng, tư túi, tham lam thì không bao giờ biết đủ, lòng tham không đáy thôi thúc họ muốn có thật nhiều tiền, không bao giờ biết đủ.
Chính vì vậy, điều quan trọng để “không muốn tham nhũng” chính là đạo đức cách mạng. Cán bộ phải có cái tâm trong sáng, vì nước, vì dân; không có tư tưởng vụ lợi, cá nhân; thường xuyên rèn luyện mình để “đề kháng” được với cám dỗ vật chất.
Đặc biệt, đối với người làm công tác chống tham nhũng phải liêm, phải sạch, không liêm, không sạch, tay “nhúng chàm” thì không thể kiểm tra, giám sát và phát hiện được ai cả.
Để “không muốn tham nhũng”, bên cạnh việc cải cách chính sách tiền lương, nâng cao thu nhập thì cần phải chú trọng giáo dục nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng cho cán bộ đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự tu dưỡng, rèn luyện, trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ với hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Khắc phục sự dè chừng, ngại sáng tạo của cán bộ
Kết luận 14 ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung là bước đổi mới trong công tác cán bộ. Điều này khắc phục tình trạng nhiều cán bộ làm việc theo lối mòn, bảo thủ, thiên về kinh nghiệm dẫn đến hiệu quả công việc không cao.
Tuy nhiên, ranh giới giữa đổi mới, sáng tạo và vi phạm cũng rất mong manh dẫn đến tâm lý e ngại, cán bộ không dám vì đổi mới sợ sai mà sai thì phải chịu trách nhiệm. Để thực hiện có hiệu quả kết luận này, Đảng cần một bước cụ thể hóa thành các quy định làm cơ sở, căn cứ để thực hiện. Bên cạnh đó, cần thiết phải khen thưởng xứng đáng đối với những cán bộ mạnh dạn đổi mới, đạt thành tích cao và xây dựng hành lang pháp lý để bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo; khắc phục sự dè chừng, ngại đổi mới, sáng tạo của cán bộ hiện nay.
Bịt kín các kẽ hở cơ chế để cán bộ không thể tham nhũng
. Trong thông điệp trên, một điều quan trọng mà người dân luôn mong mỏi là cán bộ “không thể tham nhũng”. Tổng bí thư đã nhấn mạnh “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế để kiểm soát tham nhũng”. Vậy cơ chế, hành lang luật pháp nào cần bổ sung để kiểm soát chặt nạn tham nhũng hiện nay?
+ Thời gian qua, các vụ án tham nhũng khi được phát hiện đều được xử lý kịp thời và nghiêm minh. Chính sự kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” làm những cán bộ có ý định tham nhũng phải chùn bước, dừng lại, tự điều chỉnh mình.
Một vấn đề mà Tổng bí thư hay nhắc đi nhắc lại là “Nhốt quyền lực vào chiếc lồng cơ chế” để cán bộ không có cơ hội tham nhũng. Khi chiếc lồng cơ chế chưa hoàn thiện thì rất khó để kiểm soát quyền lực. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện và thực hiện tốt cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật nói chung và pháp luật về PCTN nói riêng, bịt kín các khoảng trống, kẽ hở để cán bộ không thể tham nhũng, tiêu cực.
Bên cạnh đó, phải thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, của nhân dân và cơ quan truyền thông trong giám sát quyền lực...
. Xin cám ơn bà.
Chú trọng công tác tư tưởng, đào tạo cán bộ
Đảng đã từng bước hoàn thiện dần các văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành trong công tác PCTN, tiêu cực, thể hiện sự quyết liệt của Đảng. Bên cạnh đó cũng phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể, qua giám sát của nhân dân để có thêm các kênh thông tin phát hiện tham nhũng sao cho hiệu quả nhất.
Qua báo cáo tổng kết 10 năm công tác PCTN của trung ương, chúng ta rất đau lòng vì bên cạnh việc PCTN, chúng ta đã mất nhiều cán bộ mà mất rất lâu mới đào tạo được những con người có trình độ như thế nhưng việc tu dưỡng, rèn luyện lại không đạt.
Đó cũng là một bài học mà Đảng cần rút kinh nghiệm.
Để PCTN, tiêu cực tốt hơn thì công tác tư tưởng, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ cũng cần được đặc biệt chú trọng. Bởi cái chính vẫn là phòng ngừa chứ không phải đợi đến khi đã xảy ra hậu quả mới phát hiện.
PCTN, tiêu cực phải từ cơ chế, chủ trương, những quy định pháp luật để cho cán bộ không thể, không có điều kiện và thấy là không cần thiết để tham nhũng. Theo đó, bên cạnh việc tạo điều kiện để người cán bộ đủ năng lực, có kiến thức phục vụ công việc thì phải giúp họ an tâm công tác.
Trong đó, thu nhập của cán bộ phải đủ sống, đủ trang trải cho bản thân và chăm lo được cho gia đình. Với tinh thần đó họ sẽ có trách nhiệm với công việc và có nhiều niềm vui trong công việc mình làm. Như thế sẽ giúp họ không có điều kiện suy nghĩ xấu, làm sao để “rót” vào túi riêng của mình...
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM TÔ THỊ BÍCH CHÂU