Theo tài liệu nộp lên Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong, Shimao Group không thể trả lãi và gốc với lô trái phiếu trị giá 1 tỷ USD đáo hạn hôm 3/7. Lô trái phiếu này không có thời gian ân hạn.
Đây là lần đầu tiên Shimao không thể hoàn trả trái phiếu phát hành bằng USD. Công ty này đã gặp khó khăn tài chính từ nhiều tháng qua.
Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng liên tiếp kể từ năm 2020. Khi đó, giới chức bắt đầu siết việc cho vay các hãng địa ốc, nhằm kiềm chế khối nợ doanh nghiệp và giá nhà đang tăng cao.
Vấn đề trở nên trầm trọng từ mùa thu năm ngoái, khi Evergrande - hãng bất động sản lớn nhì Trung Quốc - bắt đầu ráo riết huy động tiền mặt để trả nợ. Họ là hãng địa ốc nợ nần nhiều nhất Trung Quốc với khoảng 300 tỷ USD nợ. Đến tháng 12, Fitch Ratings tuyên bố Evergrande vỡ nợ.
Với Shimao, ước tính của Moody's đầu năm nay cho thấy nợ đáo hạn năm nay của hãng khá lớn. Trong đó có 1,7 tỷ USD trái phiếu quốc tế, 8,9 tỷ nhân dân tệ (1,4 tỷ USD) trái phiếu phát hành trong nước, và lượng lớn khoản vay ngân hàng nước ngoài.
Shimao được Hui Wing Mau thành lập năm 2001, chuyên xây các dự án nhà ở và khách sạn quy mô lớn tại Trung Quốc. Họ sở hữu Shanghai Shimao International Plaza - một trong những tòa nhà cao nhất ở trung tâm Thượng Hải.
Hồi tháng 3, công ty này ước tính lợi nhuận ròng năm 2021 giảm 62% so với cùng kỳ năm trước đó, chủ yếu do điều kiện thị trường "khắc nghiệt". Họ cũng hoãn công bố báo cáo tài chính 2021, với lý do Thượng Hải bị phong tỏa.
"Do những thay đổi lớn về vĩ mô trong ngành bất động sản ở Trung Quốc kể từ cuối năm 2021 và tác động của Covid-19, Tập đoàn đã ghi nhận doanh thu giảm đáng kể vài tháng gần đây. Việc này được dự báo tiếp tục trong ngắn hạn cho đến khi ngành địa ốc Trung Quốc bình ổn trở lại", Shimao cho biết trong thông báo hôm 3/7.
Công ty này nói thêm rằng đang cố đạt "thỏa thuận" với chủ nợ khác. Nếu không thống nhất được với nhau, các chủ nợ có thể buộc Shimao tăng tốc hoàn trả.
Sau Evergrande, nhiều hãng bất động sản tên tuổi khác của Trung Quốc cũng đã vỡ nợ, như Fantasia hay Kaisa. Các vấn đề trong ngành này càng trầm trọng hơn do chính sách zero Covid của Trung Quốc và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Để vực dậy thị trường bất động sản, giới chức Trung Quốc đã nới lỏng nhiều quy định về mua nhà, đồng thời giảm lãi suất vay thế chấp. Các hãng bất động sản cũng nghĩ ra nhiều cách để kích cầu, như chấp nhận thanh toán bằng tỏi, lúa mỳ, hay tặng lợn cho người mua nhà.
Hà Thu (theo CNN)