Bí thư Nguyễn Văn Nên phát biểu bế mạc - Ảnh: HỮU HẠNH
Chiều 5-7, sau một ngày làm việc, hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI đã bế mạc. Hội nghị đã tập trung về báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ giải pháp 6 tháng cuối năm; báo cáo công tác xây dựng Đảng, chính quyền và công tác dân vận.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Nguyễn Văn Nên - bí thư Thành ủy TP.HCM - đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng đã có sự chuyển biến quan trọng, phục hồi nhanh, khá toàn diện. Dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát, chuỗi sản xuất cung ứng được khôi phục, số du khách đến TP.HCM tăng trở lại…
Hội nghị cũng nhận định 6 tháng cuối năm, dù kinh tế - xã hội của TP có nhiều thuận lợi nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.
Ông Nên nhìn nhận nhiều nguyên nhân, trong đó kinh tế của TP có độ mở lớn, chịu tác động đan xen nhiều mặt, nhạy cảm với tình hình chính trị, kinh tế, dịch bệnh, biến đổi khí hậu của thế giới. Bên cạnh đó, TP cũng chịu tác động bởi những diễn biến phức tạp từ nguy cơ thiếu hụt nhiên nguyên liệu, vật tư, đầu vào cho sản xuất, giá tiêu dùng tăng cao. Thị trường lao động thiếu ổn định, những vướng mắc chồng chéo về thể chế chậm được tháo gỡ ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các chương trình đề án trọng điểm của TP.
Người đứng đầu TP.HCM cũng cho rằng mặc dù đã rất nỗ lực, song khâu quản trị thực thi của TP vẫn còn hạn chế nhất định; tinh thần trách nhiệm chủ động thích ứng linh hoạt, sáng tạo, dám nghĩ dám làm dám chịu trách nhiệm có lúc có nơi còn yếu. Nhiều lĩnh vực có dư địa phát triển nhưng chưa được khơi thông, nhiều lĩnh vực còn vướng mắc, chậm trễ, tồn đọng, kéo dài do thủ tục hành chính và trách nhiệm của một số cán bộ công chức.
Ông Nên dẫn chứng vụ việc chậm chi hỗ trợ khen thưởng cho lực lượng y tế vừa qua. Ông cho rằng đây là vụ việc "vừa buồn vừa hổ thẹn".
"Khi thực hiện tri ân, lẽ ra bằng mọi giá phải thực hiện cho kịp nhưng chúng ta lại máy móc, cứng nhắc với một thủ tục hành chính đơn thuần. Nói dịch bệnh là chưa từng có tiền lệ, trong tình huống đặc biệt thì có những chính sách, cơ chế đặc biệt. Trong khi đó, chúng ta lại để chậm. Sở Y tế cứ âm thầm đề xuất khen thưởng nhưng lại không có nguồn để theo dõi. Các đồng chí thực hiện nguyên tắc thừa là cấp nào khen thì cấp đó chi.
Hổ thẹn với lực lượng tuyến đầu chống dịch, không biết phải nói gì hơn, chúng ta phải nghiêm túc tự nhận lỗi, nhanh chóng khắc phục", ông Nên nhìn nhận.
Ông Nên cho rằng nguyên nhân của việc này có thể xuất phát từ việc kỹ năng, trách nhiệm của cơ quan thực hiện.
Trước đó, UBND TP đã giao Sở Y tế có trách nhiệm tặng giấy khen 40.000 nhân viên y tế trên cả nước hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19, nhưng không có kinh phí (19 tỉ đồng) thực hiện.
“Hiện chúng tôi đã làm xong, nhưng kinh phí không có. Gọi cho Ban Thi đua - khen thưởng thì nói là không có kinh phí. Gọi Sở Tài chính thì nói chỉ cấp cho Ban Thi đua - khen thưởng. Gọi lại thì Ban Thi đua - khen thưởng nói chỉ cấp giấy khen”, giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng nói.
TTO - Chiều 18-5, Thành ủy TP.HCM tổ chức lễ kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và biểu dương các tập thể, cá nhân xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2021 - 2022.